Lục bình, loài cây thủy sinh trôi dạt khắp miền sông nước miền Nam, có bông màu tim tím, ngỡ vô dụng nhưng lâu nay đã được dùng làm nguyên liệu sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Chưa hết, lục bình còn được dùng như một thứ rau trong bữa cơm của người dân Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngó và bông lục bình |
Thường thì ở các xóm quê nghèo, bà con khi bắc nồi cơm lên mới tìm lo thức ăn. Gặp lúc túng ngặt thì ra mé sông, bờ rạch kiếm giề lục bình làm rau. Cách dễ nhất là tước ngó non và bông, rửa sạch để ráo, xào với tóp mỡ, chấm nước mắm ăn với cơm nóng cũng được bữa ngon mà lành. “Sang” hơn thì bỏ chút công đi xúc tép trấu hoặc kiếm mớ tép bạc về xào lục bình.
Bắc chảo dầu sôi, phi tỏi cho thơm lựng, trút ngó, bông lục bình đã sơ chế sạch vào xào chín rồi mới cho tép vào đảo đều, nêm nước mắm ngon, bột ngọt, tiêu xay nhuyễn. Đĩa lục bình xào tép chấm với nước tương hoặc nước mắm vắt chanh, dầm trái ớt hiểm thì ăn cơm no quên thôi: Lục bình trôi dọc triền sông/ Hái về xào tép ngọt lòng dân quê.
Ngó lục bình xào tép |
Cách nữa là nấu canh chua lươn với lục bình. Sau khi xong công việc đồng ruộng, người nông dân thường xách chĩa đi đâm lươn làm bữa ăn chiều. Lươn um, nướng, xào sả ớt… đều ngon nhưng đáo để nhất lại là nấu canh chua với bông lục bình. Có thể nấu canh chua bằng cơm mẻ, me trái nhưng đặc sắc nhất phải là trứng kiến vàng.
Canh chua lươn nấu lục bình |
Cho tổ trứng kiến vào rổ, nhúng nước sôi để lấy chất chua đặc trưng rồi vớt bỏ xác trứng kiến, thả lươn đã làm sạch vô cho sôi lại, nêm nếm vừa ăn mới thả bông lục bình vào. Có thể thêm vào nồi canh ít cọng bông súng hay nhúm bông điên điển để màu sắc thêm hấp dẫn, thêm ít lát ớt, ngò gai, ngò om lại càng thơm ngon, đậm đà hương quê: Bắt lươn đem nấu canh chua/ Món ăn dân dã đâu thua thị thiềng.