Hà Nội: Doanh nghiệp xin tự ứng trước 12 ngàn tỷ đồng làm 5 khu nhà ở xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch HĐQT Cty Hòa Bình cho biết nếu đề xuất này được thông qua, hàng triệu người lao động sẽ có nhà ở, doanh nghiệp có công ăn việc làm, nhà nước không phải bỏ kinh phí vẫn thu được ngân sách.
Phối cảnh dự án Nhà ở xã hội do cty Hòa Bình xây dựng tại Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội.
Phối cảnh dự án Nhà ở xã hội do cty Hòa Bình xây dựng tại Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội.

Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện có khoảng 22,5 triệu người có nhu cầu mua nhà ở. Phần lớn trong số đó có thu nhập trung bình và trung bình thấp chỉ đủ năng lực mua các dòng nhà ở giá bình dân, nhà ở xã hội.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, tổng nguồn cầu giai đoạn 2022 - 2025 là 185.200 nhà, trong đó có 166.600 căn hộ. Tuy nhiên theo dữ liệu nghiên cứu từ VARS, từ nay đến năm 2025, trung bình mỗi năm, Hà Nội có thể thiếu hụt 50.000 căn hộ. Số lượng dự án nhà ở thương mại được cấp phép mới liên tục sụt giảm, không nhiều người có ý định bán nhà và thị trường vắng bóng hoàn toàn các căn hộ giá bình dân.

Chia sẻ với báo chí chiều ngày 17/12/2024, đại gia Đường bia- Nguyễn Hữu Đường, chủ tịch HĐQT Cty Hòa Bình bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng căn hộ chung cư tại Hà Nội bị đẩy giá tăng cao và cho rằng nếu không có nhà ở xã hội thì giá căn hộ thương mại trên địa bàn thành phố sẽ còn tăng.

Để giải quyết tình trạng này, ông Nguyễn Hữu Đường cho rằng cần đẩy mạnh phân khúc nhà ở xã hội và đưa ra các giải pháp thực sự căn cơ, khả thi để có thể xây dựng mỗi năm 1 triệu căn nhà ở xã hội mà không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.

Hà Nội: Doanh nghiệp xin tự ứng trước 12 ngàn tỷ đồng làm 5 khu nhà ở xã hội ảnh 1

Kế hoạch "căn cơ" và khả thi của đại gia Đường bia để thúc đẩy mục tiêu xây dựng 10 triệu căn hộ NOXH.

Cụ thể, ông Đường “hiến kế”: UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ cần có quy hoạch rõ ràng các khu đất làm nhà ở xã hội. Ví dụ, Hà Nội đã có quy hoạch 5 khu làm nhà ở xã hội tập trung. Sau đó, doanh nghiệp có thể tự ứng tiền trước để giải phóng mặt bằng, phát triển hạ tầng và thực hiện xây dựng các dự án nhà ở xã hội.

Khi hoàn thành và bán xong các căn hộ, các địa phương có thể thu thuế VAT và một số loại thuế khác từ người mua nhà, các doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng, công ty xây dựng,.... lấy số tiền thuế đó trả cho chủ đầu tư đã ứng tiền trước đó.

Về giá bán, ông Đường cho biết, theo tính toán thực tế của cty Hòa Bình, với các dự án nằm trong nội thành, mức giá khoảng 20 triệu đồng/m2 là hợp lý. Trong khi đó, với các dự án nằm xa hơn, nằm ở khu vực ngoại thành thì 15 triệu đồng/m2 là chủ đầu tư đã có lãi.

“Với mức giá như trên người dân Việt Nam nào cũng có cơ hội mua được nhà. Giả sử, một dự án nhà ở xã hội nằm ở ngoại thành có giá 15 triệu đồng/m2. Diện tích tối thiểu của căn hộ là 30m2, một ngủ một vệ sinh chỉ có giá 450 triệu đồng, rất phù hợp với người lao động có thu nhập trung bình. Ngay cả người có thu nhập thấp vay tiền mua nhà cũng không quá áp lực về vấn đề tài chính”, ông Đường nói.

Vị đại gia dành nhiều tâm huyết cho nhà ở xã hội khẳng định, mặc dù giá rẻ nhưng chất lượng nhà ở xã hội của công ty ông xây dựng sẽ không thua kém nhà ở thương mại, chất lượng cao.

“Với những quy định, quy chuẩn nhà ở như hiện nay, chất lượng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại là như nhau. Thậm chí, với những chủ đầu tư có kinh nghiệm và có “tâm”, chất lượng có thể hơn nhà ở thương mại. Tôi đã rất nhiều lần đề nghị với các cấp có thẩm quyền cho phép chúng tôi mỗi năm làm 1 triệu căn nhà ở xã hội chất lượng cao mà nhà nước không cần phải bỏ tiền trước”, ông nói.

Cụ thể, các dự án nhà ở xã hội mà cty Hòa Bình đang xin phép xây dựng đều sẽ có tường, vách các tòa nhà được làm bằng bê tông, cốt thép, các tòa nhà được thiết kế không có cột mà dùng vách bê tông chịu lực; Cách âm, độ ồn ở mức thấp nhất (Độ ồn trong phòng khi đóng kín cửa khoảng 20 dB, độ ồn thông thường 60 - 80 dB); Cách nhiệt, tiết kiệm năng lượng (Chỉ sử dụng năng lượng khoảng 20% so với các tòa nhà thông thường); Các tòa nhà có tiêu chuẩn chống động đất tới cấp 8, vĩnh cửu với thời gian.

Hà Nội: Doanh nghiệp xin tự ứng trước 12 ngàn tỷ đồng làm 5 khu nhà ở xã hội ảnh 2

Căng tin tại các khu nhà ở xã hội do cty Hòa Bình xây dựng.

Các dịch vụ tiện ích trong các tòa nhà ở xã hội sẽ có mỗi tòa nhà có 1 căng tin phục vụ suất ăn sáng, trưa, tối; 1 cửa hàng tiện lợi bán các nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu hàng ngày của cư dân; Mỗi tòa nhà có 1 trạm y tế cung cấp thuốc men với đầy đủ các trang thiết bị như: máy chụp X-quang, siêu âm, điện tâm đồ, kiểm tra tiểu đường, mỡ máu, huyết áp, máy thở… Có các bác sỹ, kỹ thuật viên kiểm tra, khám định kỳ 6 tháng/lần cho người dân sinh sống trong tòa nhà ở xã hội; Có một phòng cấp cứu phục vụ các bệnh nhân có bệnh hiểm nghèo, đột quỵ… cấp cứu, sơ cứu tại chỗ trước khi chuyển đến bệnh viện trung ương tuyến trên...

Trong mỗi tòa nhà sẽ có nhà trẻ, trường mẫu giáo; Có khu liên hợp thể thao: bể bơi, phòng tập gym, yoga… đối với các khu nhà ở xã hội có quỹ đất lớn có sân bóng đá, bóng chuyền, tenis, khu phục vụ các hoạt động vui chơi giải trí …Trạm điện ở các tòa nhà đều được lắp hệ thống ắc quy tích điện, nạp điện trong khoảng từ 0 – 6h là thời gian thấp điểm, giá điện chỉ bằng 1/4 thời gian sử dụng bình thường. Điện ắc quy này được sử dụng tại các khu vực công cộng vào các giờ cao điểm.

Thậm chí các tòa nhà được lắp hệ thống camera giám sát, hệ thống điều khiển tự động 4.0, hệ thống này sẽ tự động bật chế độ rửa đường, tưới cây vào thời gian thấp điểm từ 0 – 6h, tiết kiệm điện năng.

Những người sống trong các tòa nhà ở xã hội sẽ được phục vụ các tiện ích: Chi phí khám, chữa bệnh phải trả rất thấp, chỉ từ 100.000 – 150.000 Đ/người, chi phí này bảo hiểm y tế sẽ thanh toán;

Đặc biệt, phí dịch vụ chỉ từ 2.000 – 4.000 Đ/m2/tháng.

Hà Nội: Doanh nghiệp xin tự ứng trước 12 ngàn tỷ đồng làm 5 khu nhà ở xã hội ảnh 3

Cửa hàng tiện lợi bán các nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu hàng ngày của cư dân

Ông Đường kiến nghị: “Với tình trạng giá nhà ở, nhất là phân khúc căn hộ đang tăng phi mã như hiện nay, việc phát triển các dự án nhà ở xã hội chính là giải pháp tốt để ghìm cương giá nhà. kỳ họp Quốc hội vừa qua, đã có Nghị quyết tạo thêm quỹ đất để doanh nghiệp làm nhà ở thương mại, nhưng lại không có Nghị quyết tạo quỹ đất để làm nhà ở xã hội. Trong thời gian tới đề nghị Nhà nước ưu tiên phát triển loại hình nhà ở này.”

Ông Đường cho biết, cty Hòa Bình dù sở hữu quỹ đất vàng nhưng sẽ chỉ xây dựng nhà ở xã hội, vì đó là triết lý kinh doanh phụng sự xã hội của doanh nghiệp ông. “Chúng tôi thừa khả năng xây dựng và bán nhà ở xã hội giá chỉ 15 triệu đồng/m2”, ông khẳng định.

Được biết, cty Hòa Bình đang trong quá trình triển khai xây dựng dự án nhà ở xã hội trên 2 khu đất vàng ngay tại phương Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Đây là hai dự án nhà ở xã hội được người lao động trông chờ, khi hoàn thành sẽ cung cấp cho quỹ nhà ở xã hội hơn 2000 căn hộ chất lượng cao, tiện ích đồng bộ. Dự án này nằm trong kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 đã được UBND thành phố phê duyệt.

Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.
Kiến tạo tương lai cùng AI
Kiến tạo tương lai cùng AI
(Ngày Nay) - Việc công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) lần đầu tiên được sử dụng để xử lý các câu hỏi trong chương trình “Giao lưu trực tuyến” với người dân vào ngày 19/12 tới của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã chứng minh rằng khai thác tiềm năng và sức mạnh của AI trong mọi lĩnh vực đang trở thành xu hướng chủ đạo trên thế giới.