Bên trong một trung tâm chăm sóc người cao tuổi ở thành phố Thượng Hải, giám đốc Gao Hongjun đang bận rộn chuẩn bị trò chơi giải trí trong ngày cho các cư dân nơi này: một robot biết hát có tên Duobao.
Duobao - một robot biết ngồi xổm màu trắng, thường biểu diễn những bài hát cách mạng từ thời Mao Trạch Đông. Không chỉ giúp giải khuây cho các cư dân lớn tuổi trong trại dưỡng lão, robot giúp đội ngũ điều dưỡng cho thêm thời gian giải tỏa căng thẳng.
“Khi số lượng người cao tuổi tăng lên nhưng các nguồn lực chăm sóc chưa bắt kịp, thì máy móc thông minh là công cụ cần thiết để giảm bớt khối lượng công việc”, ông Gao nói.
Các đồng nghiệp của ông Gao đã phải chịu áp lực công việc nặng nề trong những năm gần đây. Tại tiểu khu Trường Ninh, nơi tọa lạc trại dưỡng lão của ông Gao, hơn 40% dân số đều trên 60 tuổi. Hầu hết những người này đều mắc chứng mất trí nhớ.
Để đối phó trước tình trạng này, trung tâm đã thiết lập càng nhiều công nghệ thông minh càng tốt. Ngoài robot Duobao, họ đã đầu tư vào nệm thông minh theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của cư dân khi ngủ, cũng như máy trò chơi. Cuối năm nay, hai robot khử trùng sẽ được triển khai.
Trung Quốc đang đặt cược lớn vào robot để chăm sóc dân số già ngày càng phình to. Khi xã hội Trung Quốc già đi nhanh chóng, nước này có kế hoạch triển khai công nghệ trên quy mô lớn để giải quyết tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân viên y tế và chăm sóc xã hội.
Số người trên 60 tuổi ở Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng vọt từ 280 triệu vào năm 2022 lên 402 triệu vào năm 2040. Hệ thống chăm sóc xã hội của nước này đã quá tải và mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn nếu không có hành động khẩn cấp.
Vấn đề lớn nhất là thiếu điều dưỡng viên. Theo tiêu chuẩn của Trung Quốc, cứ 4 người trong trại dưỡng lão thì phải có 1 điều dưỡng viên. Nhưng hiện tại chỉ có 320.000 người làm công việc chăm sóc phục vụ 8,1 triệu cư dân tại các viện dưỡng lão trên cả nước, tính theo tiêu chuẩn thì vẫn còn thiếu hụt 1,7 triệu người.
Chính phủ Trung Quốc hy vọng công nghệ có thể đưa ra một giải pháp hữu ích. Vào năm 2021, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã công bố một kế hoạch mang tính bước ngoặt nhằm phát triển dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, với mục đích phát triển “đáng kể” ngành này vào năm 2025.
Vào tháng 3 năm nay, một số nhà hoạch định chính sách đã kêu gọi những nỗ lực đổi mới để đẩy nhanh sự phát triển của ngành chăm sóc người cao tuổi.
Một số gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã đáp lại lời kêu gọi của chính phủ. iFlytek, một công ty trí tuệ nhân tạo lớn, đã công bố kế hoạch “Ultra Brain 2030” vào năm ngoái, tập trung vào việc phát triển các loại robot chăm sóc cao cấp mới.
“Hãy để robot đi vào từng ngôi nhà để giải quyết vấn đề chăm sóc người già, đồng hành về mặt cảm xúc và quản lý sức khỏe", iFlytek cho biết.
Baidu, gã khổng lồ tìm kiếm của Trung Quốc, cũng đã quảng bá màn hình thông minh Xiaodu của mình, thứ mà người cao tuổi có thể sử dụng để đặt lịch hẹn với bác sĩ, truy cập báo cáo thời tiết và chơi trò chơi. Chính quyền Bắc Kinh đã trợ cấp để cung cấp thiết bị Xiaodu cho hàng trăm hộ gia đình vào năm 2020.
Như nhiều nơi khác, cho đến nay các công nghệ chăm sóc người già thông minh được áp dụng rộng rãi nhất ở Trung Quốc hiện là các thiết bị đeo được như vòng đeo tay và đồng hồ thông minh. Những thứ này có thể cung cấp một số chức năng hữu ích, chẳng hạn như theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của người cao tuổi, nhắc nhở họ uống thuốc đúng giờ và định vị người dùng.
Nhưng những người trong ngành tin rằng robot là tương lai của dịch vụ chăm sóc cao cấp. Nhiều người kỳ vọng Trung Quốc sẽ noi gương Nhật Bản, nơi robot được triển khai rộng rãi trong các viện dưỡng lão. .
Hiện đã có khoảng 100 công ty khởi nghiệp về robot của Trung Quốc chuyên về người máy phục hồi chức năng, đồng hành và điều dưỡng. Nhưng ngành công nghiệp này vẫn đang vật lộn để mở rộng quy mô. Những người trong ngành chế tạo cho biết giá robot vẫn ở mức cao, hầu hết các công ty vẫn chưa đi vào sản xuất hàng loạt và chính quyền địa phương không cung cấp đủ kinh phí để triển khai robot trong các viện dưỡng lão trên quy mô lớn.
Hangzhou Lewan Science and Technology, có trụ sở tại tỉnh Chiết Giang, là một trong những công ty gặp khó khăn trong việc thu hút khách hàng. Công ty này đã phát triển một robot giao đồ ăn có khả năng giao hơn 20 bữa ăn cho các phòng khác nhau trong một tòa nhà. Nhưng rất ít viện dưỡng lão có thể mua được sản phẩm có giá 60.000-80.000 nhân dân tệ (gần 200 triệu đồng).
“Nếu giá là 10.000 nhân dân tệ, tôi nghĩ rằng nhiều người sẽ mua một chiếc”, ông Jiang Gancheng, Giám đốc điều hành của Lewan, Nhận định. “Nhưng không có lượng đặt hàng cao hơn thì giá không thể giảm. Đây là một mâu thuẫn".
Viện dưỡng lão Sunshine là một cơ sở chăm sóc tư nhân ở phía đông tỉnh An Huy. Ông Dong - đồng sáng lập của trung tâm, cho biết bản thân rất muốn đầu tư vào các thiết bị chăm sóc sức khỏe thông minh, nhưng ông phải gác lại kế hoạch này vì trung tâm chưa có lãi.
Hiện có khoảng 30 người già tại Sunshine, với sức chứa tổng cộng 100 người. Ông Dong muốn lắp đặt đệm thông minh và robot tắm để giảm áp lực cho điều dưỡng viên viên, nhưng anh cảm thấy không thể tăng khoản phí hàng tháng 2.000-3.000 nhân dân tệ của trung tâm để bù đắp chi phí.
Tuy nhiên, một số công ty chế tạo robot đang bắt đầu đạt được đà phát triển. Zuowei Tech, một công ty khởi nghiệp về robot có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, đã thu hút doanh số bán hàng bùng nổ cho các thiết bị tắm thông minh của mình. Công ty đã bán được 40 triệu nhân dân tệ thiết bị vào năm 2022 và đặt mục tiêu đạt doanh số 100 triệu nhân dân tệ trong năm nay.
Tu Chaorong, phó chủ tịch của Zuowei Tech cho biết: “Chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian để quảng bá thị trường, giờ đây mọi thứ đang được cải thiện từng ngày.
Theo ông Tu, nhu cầu về các thiết bị tắm đặc biệt cao, vì chúng được cả nhân viên chăm sóc và người cao tuổi đánh giá cao.
“Nhiều người cho rằng dọn nước tiểu và phân cho người già là công việc hèn hạ nhất, nhưng điều dưỡng viên sẽ cảm thấy công việc nghiêm túc hơn nếu họ sử dụng thiết bị công nghệ cao. Nếu không có thiết bị thông minh, nhiều người lớn tuổi cũng sẽ cảm thấy mất mặt", ông Tu nói.
Trong khi đó, các nhà phân tích vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn cho ngành chăm sóc sức khỏe thông minh của Trung Quốc. Vào tháng 4, một công ty nghiên cứu ở tỉnh Quảng Đông đã công bố báo cáo dự đoán thị trường sẽ “bùng nổ” trong thập kỷ tới, khi chính phủ Trung Quốc tăng tài trợ, các sản phẩm mới được phát triển và mô hình tiêu dùng thay đổi. Công ty ước tính đến năm 2027, thị trường sẽ lớn hơn gấp 3 lần so với năm 2021.
Các công ty cho biết nhu cầu về robot đang bắt đầu lan rộng trên toàn quốc. Đại diện của một công ty trí tuệ nhân tạo có trụ sở tại tỉnh An Huy nói rằng robot của công ty chủ yếu được sử dụng trong các bệnh viện ở những vùng giàu có của đất nước như Thượng Hải và Chiết Giang. Nhưng gần đây nó đã bắt đầu nhận được nhiều yêu cầu hơn từ các viện dưỡng lão ở các thành phố xa xôi hơn.
“Giá thị trường của chúng tôi là 100.000 nhân dân tệ và chúng tôi cũng cung cấp các lựa chọn cho thuê sau khi nắm được tình hình hoạt động của nhiều cơ sở chăm sóc", vị này cho biết.
Gu Jie, Giám đốc điều hành của Shanghai Fourier Intelligence, một công ty chế tạo robot chuyên về các thiết bị phục hồi chức năng, cũng nhận thấy xu hướng tương tự. Công ty của ông Gu chủ yếu hợp tác với các bệnh viện ở các thành phố lớn của Trung Quốc, nhưng hiện tại họ đang nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng từ những địa phương khác.
“Bất kể người già sống ở đâu, họ đều hy vọng tay chân của họ có thể linh hoạt và trạng thái tinh thần của họ được cải thiện. Sau khi mua các thiết bị, nhiều người có thể sử dụng chúng, giúp cải thiện đáng kể hiệu quả", CEO của Shanghai Fourier Intelligence nói.
Ông Zheng Yongping, cư dân Thượng Hải, là một người rất hâm mộ ý tưởng sử dụng robot. Kể từ khi nghỉ hưu, ông Zheng sống một mình với chú chó trong một ngôi nhà ở trung tâm thành phố, vì đứa con duy nhất của ông đang định cử ở nước ngoài.
Cụ ông 68 tuổi này giờ thường xuyên đeo một chiếc đồng hồ thông minh để theo dõi sức khỏe và sử dụng một chiếc loa thông minh để quản lý lịch trình của mình. Nhưng ước mơ của ông Zheng là một ngày nào đó sẽ có một con robot của riêng mình.
“Tôi không thể tưởng tượng ra một lựa chọn nào tốt hơn robot thông minh khi mình già yếu, dễ bị tổn thương và cần được hỗ trợ. Mặc dù nó thiếu hơi ấm của một con người, nhưng đó là xu hướng chung trong một xã hội già hóa", ông Zheng nhận định.