Israel cắt điện, Gaza lo ngại thiếu nước trầm trọng

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ngày 9/3, Israel đã cắt nguồn cung điện cho Gaza, gây ảnh hưởng đến một nhà máy khử muối sản xuất nước uống cho người dân tại đây. Phong trào hồi giáo Hamas, gọi đây là một phần trong "chính sách bỏ đói" của Israel.
Israel cắt điện, Gaza lo ngại thiếu nước trầm trọng

Tuần trước, Israel cũng ngừng việc vận chuyển hàng hóa đến dải Gaza, động thái này gợi nhớ đến cuộc bao vây mà họ đã thực hiện trong thời kỳ đầu của cuộc xung đột.

Israel đang nỗ lực thúc đẩy Hamas gia hạn giai đoạn đầu của lệnh ngừng bắn, với điều kiện thả một nửa số con tin còn lại để đổi lấy cam kết đàm phán một thỏa thuận lâu dài. Tuy nhiên, Hamas muốn tiến thẳng vào giai đoạn hai, bao gồm việc giải phóng toàn bộ con tin, rút quân Israel và thiết lập hòa bình vĩnh viễn. Hiện Hamas được cho là đang giữ 24 con tin.

Ngày 9/3, nhóm vũ trang này cho biết, họ đã kết thúc vòng đàm phán ngừng bắn với Ai Cập, giữ nguyên lập trường, bất chấp cảnh báo về ảnh hưởng đến con tin.

Israel tuyên bố sẽ cử một phái đoàn đến Qatar vào 10/3 để thúc đẩy các cuộc đàm phán.

Nước này đã cảnh báo sau khi ngừng toàn bộ nguồn cung cấp, nước và điện có thể là những thứ tiếp theo bị cắt. Một lá thư từ Bộ trưởng Năng lượng Israel gửi Tổng công ty Điện lực Israel yêu cầu ngừng cấp điện cho Gaza.

Cơ sở hạ tầng của khu vực này đã bị tàn phá nghiêm trọng, khiến phần lớn các công trình, bao gồm cả bệnh viện, đang phải hoạt động bằng máy phát điện. Phát ngôn viên của Hamas, Hazem Qassam, cáo buộc Israel thực tế đã cắt điện ngay từ khi chiến sự nổ ra, đồng thời lên án quyết định mới nhất là một phần của "chính sách bỏ đói" vi phạm luật pháp quốc tế.

Theo Gisha, một tổ chức phi chính phủ của Israel, nhà máy khử muối tại Gaza, vốn cung cấp 18.000 m3 nước mỗi ngày cho khu vực Deir al-Balah, nay chỉ có thể hoạt động với công suất 2.500 m3 do thiếu điện. Giám đốc điều hành của Gisha, Tania Hary cho biết lượng nước này chỉ tương đương với lượng nước trong một bể bơi Olympic.

Theo bà Hary, việc Israel siết chặt nguồn cung nhiên liệu vào Gaza đã gây ra những tác động nghiêm trọng. Tình trạng thiếu nước sạch trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết, bởi nhiên liệu là yếu tố sống còn để vận hành các xe tải phân phối nước.

Quyết này của Israel đã vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội từ cộng đồng quốc tế.

Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cảnh báo hôm 7/3 “Bất kỳ hành động ngăn chặn nguồn sống thiết yếu đối với dân thường đều có thể bị coi là hành vi trừng phạt tập thể”.

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) cho biết họ có cơ sở để tin rằng Israel đã sử dụng nạn đói như “một phương thức chiến tranh" trong cuộc xung đột ở Gaza.

Israel kiên quyết bác bỏ các cáo buộc, khẳng định họ đã cho phép đủ viện trợ vào Gaza. Chính phủ Israel đổ lỗi cho Liên Hợp Quốc về việc phân phối hàng cứu trợ không hiệu quả và cáo buộc Hamas chiếm đoạt viện trợ.

Thủ lĩnh Houthi ở Yemen, Abdul Malik al-Houthi, tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công tàu liên quan đến Israel ngoài khơi nước này trong bốn ngày nếu viện trợ cho Gaza không được nối lại. Lực lượng Houthi coi đây là hành động đoàn kết với Palestine.

Lệnh ngừng bắn đã tạm dừng cuộc giao tranh khốc liệt giữa Israel và Hamas, bùng phát sau vụ tấn công vào miền nam Israel ngày 7/10/2023. Giai đoạn đầu tiên cho phép trao đổi con tin và tù nhân giữa hai bên.

Sau đó, Israel rút quân về các vùng đệm trong Gaza, cho phép hàng trăm nghìn người Palestine trở về miền bắc và hàng trăm xe tải viện trợ vào mỗi ngày cho đến khi Israel đình chỉ nguồn cung.

Hôm 5/3, Nhà Trắng bất ngờ xác nhận các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Hamas.

Vào 9/3, đặc phái viên Adam Boehler tiết lộ với đài Kan của Israel rằng Hamas đã đề xuất một lệnh ngừng bắn kéo dài 5 đến 10 năm để đổi lấy việc giải giáp, dù trước đây nhóm này luôn bác bỏ khả năng từ bỏ vũ khí.

Một quan chức cấp cao giấu tên của Hamas cho biết nhóm sẵn sàng hạ vũ khí nếu đạt được một “giải pháp công bằng và hợp lý”, trong đó có việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập.

Ông Boehler chia sẻ: “Tôi nghĩ một lệnh ngừng bắn dài hạn là có thể xảy ra—tù nhân được ân xá, Hamas từ bỏ vũ khí và rút khỏi chính trường. Điều đó đang đến rất gần”.

Ông nói thêm: “Tôi nghĩ một thỏa thuận có thể đạt được trong vài tuần tới” và bày tỏ hy vọng về một thỏa thuận đảm bảo toàn bộ con tin được trả tự do, không chỉ những người Mỹ. Ông cho biết bốn trong số năm con tin người Mỹ ở Gaza đã thiệt mạng, chỉ còn Edan Alexander còn sống.

Hamas không đề cập đến các cuộc đàm phán trong tuyên bố hôm 9/3 nhưng tái khẳng định ủng hộ đề xuất thành lập một ủy ban kỹ trị độc lập để điều hành Gaza cho đến khi người Palestine tổ chức bầu cử tổng thống và quốc hội.

Cuộc tấn công của Hamas vào tháng 10/2023 đã giết khoảng 1.200 người, chủ yếu là dân thường ở Israel, và bắt giữ 251 con tin. Hầu hết đã được trả tự do theo các thỏa thuận ngừng bắn hoặc sắp xếp khác.

Nhiều người Israel kêu gọi chính phủ đạt được một thỏa thuận để đưa tất cả con tin về nước. “Chúng tôi ở đây để gửi thông điệp rõ ràng đến chính phủ Israel: đừng kéo dài thêm nữa”, Zahiro Shahar Mor, cháu trai của con tin bị sát hại Avraham Munder, phát biểu trong một cuộc biểu tình trước Bộ Quốc phòng Israel.

Chiến dịch quân sự của Israel đã khiến hơn 48.000 người Palestine thiệt mạng ở Gaza, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, theo hệ thống Y tế Gaza, dù cơ quan này không nêu rõ bao nhiêu trong số đó là các tay súng.

Việc ngừng cung cấp hàng hóa vào Gaza đã đẩy giá cả tăng vọt trong tháng lễ Ramadan, khi nhiều mặt hàng trở nên khan hiếm.

Fares al-Qeisi ở thành phố Khan Younis, miền nam Gaza, chia sẻ “Kể từ khi lệnh ngừng bắn bắt đầu, tình hình có cải thiện đôi chút. Nhưng trước đó, mọi thứ rất tồi tệ”.

Theo AP News