Đồng bằng sông Cửu Long 'tổn thương' vì sạt lở

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Cứ vào thời điểm tháng 6 hàng năm, sạt lở sông diễn ra trên một số địa bàn tại Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, năm nay, từ tháng 3, cao điểm là tháng 5 - 6, khu vực này liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở bờ sông nghiêm trọng.
Đồng bằng sông Cửu Long 'tổn thương' vì sạt lở

Sạt lở đáng báo động

Nằm ở cực Nam Tổ quốc, tỉnh Cà Mau có đến 10.000km kênh, rạch. Với đặc thù địa chất yếu, lực kết dính kém, kết hợp với tốc độ dòng chảy mạnh…, từ lâu Cà Mau là địa phương rất dễ “tổn thương” vì sạt lở.

Toàn tỉnh có tới hơn 360km bị sạt lở, làm hư hỏng hàng trăm nhà dân, hư hại nhiều công trình hạ tầng do Nhà nước đầu tư; ước tổng thiệt hại về tài sản gần 1.100 tỷ đồng. Năm nay, sạt lở diễn biến bất thường với những số liệu đáng báo động. Tại hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh, số vụ sạt lở đều tăng gấp nhiều lần so với những năm trước.

Cùng đi với chúng tôi đến xã Tân Tiến, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đầm Dơi Trần Bình Nhiều giới thiệu, Đầm Dơi là địa phương bị sạt lở nặng nhất tỉnh Cà Mau.

Trong nửa đầu năm 2023, trên địa bàn huyện xảy ra 133 vụ thiên tai thì có tới 129 vụ sạt lở đất ven sông, làm hư hỏng trên 200m kè bê tông, sập hoàn toàn 22 căn nhà, hư hỏng 9 căn nhà, thiệt hại 3.000m2 đất rừng và gần 2,3km đường giao thông... Tổng thiệt hại ước gần 8 tỷ đồng.

Tại xã Tân Tiến, địa bàn sạt lở nghiêm trọng nhất của huyện Đầm Dơi, khu chợ dân sinh trung tâm xã nằm bên dòng kênh Bọng Két (chảy từ sông Đầm Dơi đến sông Cả Bẹ), nhiều năm qua là “điểm nóng” khi năm nào cũng xảy ra hiện tượng sạt lở, sụt lún.

Con đường trục bê tông dài 500m chạy qua chợ đã sụt lún hẳn xuống sông, nước dập dềnh, nhiều đoạn vỡ nát. Nhà dân, nơi các hộ tiểu thương sinh sống hai bên đường và ven sông luôn trong tình trạng chơi vơi, nguy hiểm.

Theo ông Trần Bình Nhiều, từ năm ngoái, huyện đã đầu tư cây cầu sắt tạm để cho bà con mưu sinh. Tuy nhiên, theo các hộ tiểu thương, buôn bán dọc tuyến này, gặp trời mưa, đường trơn trượt khiến nhiều xe máy, người dân đi lại bị trượt ngã, có khi xe lao cả vào nhà dân, hàng quán.

Sinh sống ở khu vực chợ Tân Tiến hơn nửa thế kỷ, bà Nguyễn Thị Hồng Nhánh chia sẻ: “Nhiều năm qua cứ tới mùa sạt lở, chúng tôi đều phải bỏ ra mười mấy triệu đồng gia cố nhà cửa, sửa sang lại cọc, sàn để nhà không bị sụp xuống sông. Nhiều hộ nhà bị sụp sâu, triều cao làm nước tràn vào nhà, nhà cửa hư hỏng không có điều kiện sửa sang, sống không nổi phải bỏ nhà đi nơi khác”.

Sạt lở năm nay ở Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra nhiều hơn hẳn mọi năm với số vụ tăng đột biến.

Tại tỉnh Vĩnh Long, theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 80 điểm sạt lở (tăng tới 61 điểm so cùng kỳ năm trước), làm mất 2.404m bờ sông (tăng 1.800m) cùng với các công trình đường giao thông nông thôn, đê bao... Sạt lở làm ảnh hưởng trực tiếp đến 79 hộ dân, thiệt hại về tài sản hơn 7 tỷ đồng (gấp 10 lần so cùng kỳ năm ngoái).

Ngay trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, từ đầu tháng 4/2023 đến nay, thành phố Cần Thơ xảy ra nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng xuất hiện trên các tuyến sông ở quận Bình Thủy và các huyện Thới Lai, Phong Điền; làm hư hỏng đường giao thông, ảnh hưởng đến nhà cửa, tài sản của người dân.

Cuối tháng 5 vừa qua, vào giữa đêm, sông Ô Môn, phía bờ trái, đoạn thuộc ấp Thới Khánh, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, xảy ra sạt lở làm hai căn nhà của người dân bị sụp xuống sông. Vị trí sạt lở có chiều dài 40m, ăn sâu vào bờ 6m. Tuyến đường bê tông ven sông cũng bị sạt gây chia cắt giao thông qua khu vực, ảnh hưởng việc đi lại của người dân.

Hai căn nhà bị nhấn chìm xuống sông thuộc sở hữu của ông Nguyễn Thanh Hùng và ông Phùng Vĩnh Xuân, cùng trú tại địa phương. Rất may trước đó, khi phát hiện mặt đường, tường nhà có dấu hiệu rạn nứt, các hộ dân đã chủ động di dời đồ đạc, tài sản đi nơi khác nên không có thiệt hại lớn.

Ông Trần Bình Nhiều cho biết, năm nay hạn nhiều, đất khô nứt nẻ, vào tháng 5 - 7 thường có mưa vào ban đêm, đúng thời điểm nước ròng, mức triều xuống thấp nhất. Mưa xuống kết hợp với triều ròng ban đêm làm đất nặng rất dễ gây ra sạt lở. Ngành chức năng khuyến cáo người dân không ở lại ban đêm tại các khu vực có dấu hiệu nguy hiểm, tránh thiệt hại đáng tiếc khi xảy ra sạt lở.

Sống trong lo âu

Tại tỉnh Đồng Tháp, Chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc Nguyễn Văn Hon cho biết, tuyến kênh Đốc Phủ Hiền dòng chảy từ sông Sa Đéc đến sông Hậu, qua xã Tân Phú Đông dài hơn 2,8km. Nhiều năm qua, tình trạng sạt lở khu vực này ăn sâu vào đất liền và làm sạt lở cục bộ một số đoạn. Hiện một đoạn ven kênh Đốc Phủ Hiền (từ vàm giáp cầu Ngã Bát đến cầu Đốc Phủ Hiền) khoảng 500m đang có nguy cơ sạt lở, trong đó có những đoạn đã sạt lở nghiêm trọng. Khu vực này có 46 hộ dân, 213 nhân khẩu đang sinh sống.

Sống trên tuyến kênh Đốc Phủ Hiền, xã Tân Phú Đông từ bé, bà Lê Thị Sáu (68 tuổi) đang “đứng ngồi không yên” vì nhà mình bị sụp lún, sân nhà xuất hiện nhiều vết nứt to, kéo dài hơn 10m, ăn sâu vào sân nhà hơn 3m, có chỗ tạo nên khoảng nứt rộng khoảng 20cm. Điều này khiến cho gia đình bà Sáu vô cùng lo lắng bởi nhà bà có 7 người đang sinh sống nhưng có đến 4 trẻ nhỏ.

Bà Sáu chia sẻ: “Bữa trước thấy nhà cửa nhiều hộ dân gần nhà tôi bị sạt lở nên rất sợ. Bây giờ, nhà của tôi cũng bị nứt nhiều, có nguy cơ sụp xuống kênh Đốc Phủ Hiền, tôi rất lo lắng, ban đêm không ngủ được, nhất là lo cho 4 đứa cháu nhỏ. Tôi đã tranh thủ di dời một số tài sản, vật dụng đến nơi an toàn. Rất mong thời gian tới, Nhà nước sớm hỗ trợ xây dựng kè chống sạt lở để chúng tôi an tâm sinh sống”.

Tại khu vực bờ sông Tiền đoạn qua ấp Thượng, xã Tân Quới, huyện Thanh Bình, thời gian qua cũng xảy ra vụ sạt lở với chiều dài khoảng 30m, ăn sâu vào đất liền 22m, gây thiệt hại hai ngôi nhà. Các lực lượng và chính quyền địa phương phải tổ chức di dời khẩn cấp 17 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Cách đó không xa, tại khu vực nhà của anh Đinh Tấn Phước cùng ngụ xã Tân Quới cũng xảy ra một vụ sạt lở, ăn sâu vào đất liền khoảng 20m. Phía sau nhà của anh Phước cách mé nước sông Tiền chỉ còn hơn 10m. “Sạt lở ghê lắm! Đất sụp xuống, chiếc xuồng đậu gần đó và cây cối cũng bị hút theo, sụt xuống sông mất hút luôn. Nhà ở gần khu vực sạt lở, ban đêm không dám ngủ vì sợ sạt lở xảy ra chạy không kịp” - anh Phước kể.

Trở lại với chợ Tân Tiến, ấp Tân Đông A, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, người dân và các hộ tiểu thương trong chợ đều sống trong lo âu từ nhiều năm qua, đặc biệt là thời điểm gần đây, khi sạt lở xảy ra nhiều hơn trước.

Chị Bùi Thị Trúc, bán thực phẩm tươi sống ở chợ Tân Tiến chia sẻ: “Tôi buôn bán hàng chục năm ở đây nên nhận thấy con đường dọc qua chợ sụt lún, sạt lở ngày càng nặng hơn qua từng năm. Giờ đây, vừa buôn bán chúng tôi vừa lo sợ cho tài sản, hàng hóa của mình có thể rơi xuống sông bất kỳ lúc nào. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, chúng tôi vẫn phải bám trụ ở đây và sống chung với sợ hãi!”.

Cả gia đình ông Trang Thanh Lâm với bốn miệng ăn mười mấy năm nay trông vào quầy nhỏ bán bánh mì trước ngôi nhà ở sâu trong chợ Tân Tiến. Nhà ông Lâm nằm sát bờ sông Bọng Két, phần sau nhà đã sụt xuống hẳn so với phần trước nhà. Ban ngày nước lớn, mực nước lên sát sàn nhà, mỗi khi có ghe, tàu đi ngang, từng đợt sóng lại dềnh vào nhà, khiến sinh hoạt rất bất tiện, mất vệ sinh.

Ông Lâm chia sẻ: “Sau nhà sụt lún, trước nhà thì sạt lở cả con đường, nhiều nhà xung quanh cũng bị sạt lở, hư hỏng nặng phải bỏ hoang, nhà tôi đang thực sự bị sạt lở “bủa vây”. Cứ đến mùa sạt lở, tôi lại lo lắng, vừa lo đến an nguy của gia đình, vừa lo kiếm đâu ra tiền để sửa lại nhà bị hư hại vì sạt lở. Nhưng cũng vì cuộc sống, hàng ngày tôi vẫn phải tiếp tục mưu sinh và cảm nhận nguy cơ sạt lở luôn thường trực xung quanh…”.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ, từ bao đời nay, người dân Cà Mau sinh sống, làm ăn, xây nhà hai bên các con sông, dòng kênh. Một vùng sông nước Cà Mau theo đó cũng gắn liền với đời sống, sinh hoạt văn hóa của bà con. Do vậy, dù đang bị “tổn thương” vì sạt lở, họ vẫn phải tiếp tục gồng mình chống chịu và chung sống với nó dẫu ai cũng có chung một tâm trạng là thấp thỏm, lo âu.

Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.