Theo đó, ở kịch bản lạc quan nhất, Việt Nam có thể kiểm soát được dịch bệnh vào tháng 8/2021, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn thấp hơn mục tiêu của Chính phủ đề ra là 6,5%. Tuy nhiên, nếu tăng trưởng đạt 6,2%, GDP Việt Nam sẽ vượt chỉ tiêu Quốc hội giao 0,2 điểm phần trăm. Ở kịch bản dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 10/2021, chậm hơn 2 tháng so với kịch bản lạc quan, tăng trưởng của Việt Nam dự báo ở mức 5,9%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với chỉ tiêu Quốc hội giao.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM đánh giá, dù tốc độ tăng trưởng dự báo của Việt Nam khá tích cực so với các quốc gia trong khu vực nhưng nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2021 có thể tiếp tục hứng chịu những tác động từ những bất định, rủi ro trong nội tại nền kinh tế cũng như thế giới.
Đó là COVID-19 và các biến thể còn diễn biến phức tạp, khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát làn sóng tiếp theo, hệ lụy là đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, chi phí logistics tăng tác động đến xuất nhập khẩu hàng hóa… Vì vậy, khả năng kiểm soát dịch bệnh tiếp tục là nhân tố ảnh hưởng mạnh mẽ tới tốc độ tăng trưởng. Ngoài ra, tiến độ giải ngân đầu tư công, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ kinh tế số và chuyển đổi số, khả năng tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mới và bảo đảm cơ hội cho lao động nữ vẫn là những yếu tố ảnh hưởng tới tăng trưởng.
Cùng với đó, báo cáo của CIEM cũng đã đưa ra một số đánh giá và định hướng chính sách với vấn đề di cư trong nước ở góc độ giới. Thực tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra mạnh mẽ, kéo theo thay đổi cơ cấu lao động và gia tăng dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị.
Trong quá trình đó, những vấn đề liên quan đến lao động di cư, thu nhập, và các vấn đề xã hội của người di cư ở góc độ giới được nhìn nhận và phân tích. Báo cáo cũng đề xuất chính sách nhằm lồng ghép các yếu tố giới trong tái cơ cấu kinh tế, nhấn mạnh đến hạ tầng (cả cứng và mềm) đối với các địa phương tiếp nhận lao động di cư và cả địa phương có lao động xuất cư.
Để kiểm soát dịch bệnh cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, Chính phủ mới đã khẩn trương vào nhịp điều hành, kế thừa khung chính sách đã có trong năm 2020 và đi trực diện, linh hoạt hơn vào xử lý những vấn đề về phòng dịch và phục hồi kinh tế, có cân nhắc nhiều đề xuất mới một cách cầu thị, quyết liệt hơn.
Trong bối cảnh theo đuổi “mục tiêu kép” và định hình cách tiếp cận đối với một số vấn đề cải cách chính sách kinh tế, theo Viện trưởng Trần Thị Hồng Minh, thời gian tới, Việt Nam cần tập trung vào 3 giải pháp quan trọng. Theo đó, thứ nhất, bảo đảm có sự song hành giữa chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách kinh tế vi mô, hướng tới phục hồi xanh và phục hồi bền vững. Thứ hai, thúc đẩy phục hồi kinh doanh và nâng cao năng lực nội tại, mức độ tự chủ của nền kinh tế gắn với thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thứ ba, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ hướng tới kinh tế số; trang bị kỹ năng mới để cải thiện năng suất.