Căng thẳng đang gia tăng giữa hai siêu cường lớn nhất thế giới khi Bắc Kinh đưa ra những cảnh báo cứng rắn liên quan đến khả năng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan (Trung Quốc) trong những ngày tới.
Từ Brussels đến Paris, các quan chức EU đã thận trọng nói về vấn đề này trước công chúng, dù Trung Quốc và Mỹ đang đối mặt nguy cơ leo thang căng thẳng hơn nữa. Ở hậu trường, các nhà ngoại giao châu Âu thừa nhận rằng rõ ràng có một mối nguy hiểm rằng tình hình có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.
Do đó, các nhà phân tích đang hối thúc các nhà lãnh đạo EU chú ý và chuẩn bị cho những vấn đề phức tạp sắp diễn ra.
Ông Boris Ruge, Phó chủ tịch Hội nghị An ninh Munich, cho biết: “Những tình huống xấu nhất đôi khi vẫn xảy ra, lấy ví dụ như xung đột Nga - Ukraine. Châu Âu cần chuẩn bị cho các tình huống bất ngờ, ủng hộ Đài Loan trong khi vẫn giữ liên hệ chặt chẽ với Bắc Kinh và giúp giảm leo thang căng thẳng".
Bà Pelosi đã thông báo hôm 31/7 rằng sẽ dẫn đầu một phái đoàn Quốc hội đi công du châu Á. Khả năng bà dừng chân ở Đài Loan không được đề cập trong hành trình chính thức nhưng vẫn có thể xảy ra.
Trung Quốc khẳng định rằng chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi sẽ vi phạm trắng trợn chính sách "Một Trung Quốc" và là tín hiệu cho thấy Mỹ ủng hộ Đài Loan độc lập.
Hầu hết các nước EU khác đã thận trọng trong các bình luận về vấn đề. Khi được hỏi về việc Trung Quốc cảnh báo đưa ra phản ứng quân sự đối với chuyến thăm của bà Pelosi, Bộ Ngoại giao Pháp và Cơ quan Chính sách đối ngoại của EU không đưa ra quan điểm. Một nhà ngoại giao EU khác cũng cho rằng nên im lặng trong giai đoạn này.
Khi được hỏi liệu căng thẳng Mỹ - Trung Quốc có phải là mối quan tâm đối với NATO hay không, một nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu cho biết: “Hiện tại thì chưa, nhưng nó có thể dễ dàng leo thang. Trường hợp xấu nhất sẽ là Mỹ chuyển chú ý từ Ukraine sang căng thẳng với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan".
Một nhà ngoại giao cấp cao khác của EU lưu ý nguy cơ xung đột giữa Washington và Bắc Kinh đang được theo dõi chặt chẽ.
Cho đến gần đây, EU đã né tránh đề cập đến vấn đề Đài Loan, nhưng việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine đã khiến các nhà hoạch định chính sách của châu Âu phải suy nghĩ về những hậu quả của việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nếu Bắc Kinh thực hiện động thái cứng rắn nhằm vào Đài Loan.
“Trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột quân sự, chúng tôi đã nói rất rõ rằng EU, cùng với Mỹ và các đồng minh, sẽ áp đặt các biện pháp tương tự hoặc thậm chí mạnh hơn những gì chúng tôi đã áp dụng đối với Nga hiện nay”, Đại sứ sắp tới của EU tại Trung Quốc, Jorge Toledo, cho biết vào đầu tháng này.
Theo hãng tin AFP, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian tuần trước tuyên bố Washington sẽ phải "gánh chịu hậu quả" nếu bà Pelosi thăm Đài Loan. 'Chúng tôi hoàn toàn phản đối chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ. Nếu thách thức lợi ích của Trung Quốc, Mỹ sẽ phải hứng chịu hậu quả", người phát ngôn trên nói.
Trung Quốc trước tới nay luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất và kêu gọi quốc tế tôn trọng nguyên tắc "Một Trung Quốc", không chấp nhận các nước thiết lập quan hệ ngoại giao cùng lúc với cả Bắc Kinh lẫn Đài Bắc.