Thế nào là trường quốc tế?

(Ngày Nay) - Định nghĩa thế nào là trường quốc tế? Bao nhiêu phần trăm yếu tố nước ngoài trong bài giảng song ngữ? bao nhiêu giáo viên Tây kí hợp đồng hay cơ sở hạ tầng “xịn sò” đến mức nào… thì được gọi là trường quốc tế? 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trên thực tế, hệ thống giáo dục của Việt Nam hiện đang tồn tại hai hệ công lập và dân lập. Hệ công lập tạm để sang một bên, hãy nói về hệ dân lập với vô vàn các cá nhân, tập đoàn… tham gia đông đảo cùng chất lượng từ 1 đến… vô cùng. Chất lượng của trường được nôm na xếp hạng từ trường tư thục bình thường, đến chất lượng cao, rồi có vẻ sang hơn là “quốc tế”.

Cách đây chừng 4-5 năm, sau khi xảy ra hiện tượng hàng loạt các trường chất lượng cao tự phong mọc lên như nấm, Bộ GD-ĐT đã phải chấn chỉnh bằng cách đưa ra quy chuẩn thế nào là chất lượng cao để xiết lại “vườn nấm”. Kết quả là đến nay, những trường đạt chất lượng cao đã có quy chuẩn của Bộ thẩm định, còn cái mác quốc tế thì… chưa thấy ai sờ gáy.

Định nghĩa thế nào là trường quốc tế? Bao nhiêu phần trăm yếu tố nước ngoài trong bài giảng song ngữ? bao nhiêu giáo viên Tây kí hợp đồng hay cơ sở hạ tầng “xịn sò” đến mức nào… thì được gọi là trường quốc tế? – Không ai biết. Ngay cả Bộ cũng chưa có câu trả lời. Chỉ biết phần lớn các trường quốc tế hiện nay đều là cái danh tự phong. Việc học như thế nào, đưa đón trẻ ra sao, trình độ giáo viên đến đâu… đều do nhà trường đẩy mạnh tiếp thị, quảng cáo. Việc còn lại là phụ huynh đong đếm ngân sách gia đình và lựa chọn theo cảm tính là chính.

Về bản chất thì hầu hết những người sáng lập và đầu tư cho các trường gắn mác “quốc tế” hiện nay ở Việt Nam thường không bắt nguồn từ mục đích làm giáo dục mà là làm kinh tế bằng kinh doanh giáo dục. Thái Lan cách đây 20-25 năm đã trải qua “vấn nạn trường quốc tế” cùng một thế hệ con cái nhà giàu được xuất lò để trở thành những thanh thiếu niên ngớ ngẩn vô tích sự nhưng tự cao tự đại và chỉ biết dựa dẫm bố mẹ. Hiện nay Chính phủ và ngành giáo dục Thái Lan đang kiểm soát gắt gao các cỗ máy kiếm tiền kiểu này. Hiện nay một trường quốc tế hạng thường ở Hà Nội có thể kiếm lợi tức cả chục, cả trăm tỷ/năm...

Một số ông bố bà mẹ đã lao như thiêu thân vào những chiếc bẫy “quốc tế” này, họ tin rằng có được vài kiến thức và cách dạy dỗ khác lạ so với nền giáo dục chính quy quốc gia, họ tưởng rằng vốn tiếng nước ngoài tương đối lưu loát là có thể làm cho con cái của họ sẽ trở nên đặc biệt và “quốc tế” hơn, để sau này dễ đi du học hơn, dễ ở lại nước ngoài hơn, sẽ có tương lai sáng lạn hơn con cái các gia đình khác…

Để rồi, khi có quá nhiều trường quốc tế mọc lên khắp cả nước, phụ huynh bị tung hỏa mù, người ta mới giật mình đặt ra câu hỏi, quốc tế khác gì trường bình thường?

Nhân dịp câu chuyện nóng hổi về trường quốc tế được đông đảo mọi người quan tâm, Ngày Nay Online xin được mở diễn đàn “Thế nào là trường quốc tế?” để tiếp nhận ý kiến bạn đọc, lắng nghe ý kiến từ những chuyên gia trong ngành, đến giáo viên, phụ huynh… xoay quanh câu chuyện nóng hổi này.

Mọi ý kiến của độc giả xin gửi về địa chỉ Email: Ngaynay2016@gmail.com hoặc gửi về địa chỉ: Báo Ngày Nay Online, Nhà B5, Khu Ngoại giao đoàn Vạn Phúc số 298 Kim Mã, Hà Nội. Báo sẽ đăng tải các ý kiến để  giúp bạn đọc và phụ huynh có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này.

Biểu tượng ChatGPT của Công ty OpenAI tại một văn phòng ở Washington DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Công nghệ AI trước cuộc đua chuyển hướng
(Ngày Nay) - Một kỷ nguyên mới đang đến khi các công ty AI đang chuyển hướng tập trung vào việc tinh chỉnh các mô hình hiện có và bổ sung cho chúng khả năng lập luận giống con người hơn.