Giao tiếp với người khuyết tật bằng trái tim

Giao tiếp với người khuyết tật bằng trái tim

Trên hành trình giúp đỡ những người mất tiếng nói, chuyên gia Trần Thị Minh Hải luôn kiên trì quan tâm, chia sẻ nỗi đau và giúp họ bật tiếng, phát ra những lời nói tròn vành rõ chữ nhất có thể.

______________________________________

Giao tiếp với người khuyết tật bằng trái tim ảnh 1

Tôi tình cờ gặp bà Trần Thị Minh Hải, Chủ nhiệm chương trình I Love My Voice (Luyện Giọng nói) trong một lớp học cho trẻ tự kỉ ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Trong một không gian nhỏ, vây xung quanh bà là hàng chục đứa trẻ cao to nhưng nhận thức chỉ dừng lại như trẻ 4-5 tuổi. Nhiều đứa trẻ trong đó ú ớ, không thể bật lên tiếng… Một lớp học chỉ có tiếng nhạc, tiếng cô giáo hát ca, vui đùa với lũ trẻ. Thỉnh thoảng tất cả đồng thanh hô to “A”, “Ô” với âm sắc trầm bổng lẫn lộn nhau, chúng nhảy nhót, vung tay chân thoải mái để giải phóng năng lượng…

Hỏi ra mới biết, bà Trần Thị Minh Hải không chỉ giúp đỡ những đứa trẻ tự kỉ tập phát âm mà còn giúp rất nhiều người khuyết tật khác tìm lại tiếng nói. Người thì bị tai nạn ảnh hưởng đến cổ họng, người bị sét đánh, lại có người bị viêm não Nhật Bản, sốt cao rồi mất tiếng nói…

Đa số những người tìm đến bà vẫn có nhận thức nhưng bị cứng lưỡi. Người không sử dụng được lưỡi, người cứ ú ớ trong cổ họng không nói tròn vành rõ tiếng. Có nhiều đứa trẻ đặc biệt, trầm cảm nặng và không muốn nói nữa, mọi tâm tư dồn nén bên trong, chỉ đến khi được chia sẻ tâm tư và thực hành các bài tập luyện giọng do bà Hải dẫn dắt, họ mới vỡ òa thành lời.

Giao tiếp với người khuyết tật bằng trái tim ảnh 2
Một giờ huấn luyện của bà Trần Thị Minh Hải

Những số phận thiệt thòi tìm gặp bà Hải nhiều vô cùng, trong số đó có Nguyễn Đức Đạt, quê Đông Anh, Hà Nội. Hơn một lần trên trang mạng cá nhân của mình, Đạt gửi lời cảm ơn bà Trần Thị Minh Hải về điều kỳ diệu mà bà đã giúp cậu. Cậu viết rất thật thà: “Bảy năm trước, tôi là một thanh niên tràn đầy sức sống và ngông cuồng. Nhưng sau một cuộc nhậu, tất cả ước mơ và hoài bão của tôi gần như bị chôn vùi do việc lái xe sau khi uống rượu. Tôi đã bị tai nạn và chấn thương sọ não...”.

Vụ tai nạn ấy diễn ra đúng dịp Tết khi Đạt tròn 20 tuổi, gia đình Đạt đang gói bánh chưng thì bất ngờ nhận cái tin khủng khiếp. “Gia đình tôi đã phải ăn Tết trong viện. Tôi nằm trong phòng cấp cứu, bố tôi ngồi gầm cầu thang, mẹ và anh chị tôi ăn Tết trong nước mắt và lo lắng vì lúc nhập viện, bác sĩ nói rằng ‘trường hợp này chỉ có 50% cơ hội sống”.

Nhờ sự chăm sóc của bố mẹ, Đạt có thể tự thở và ăn uống mà không cần sự trợ giúp của máy móc. Rồi như một phép màu, Đạt từ ngồi xe lăn chuyển sang đi xe đẩy, đi bộ và sau đó là đi xe đạp trước sự ngạc nhiên của rất nhiều người. Duy chỉ có giọng nói là Đạt chưa tìm lại được, cậu nói rất khó và không dễ dàng diễn đạt ý muốn của mình. “Tôi đang mất phương hướng thì gặp cô Trần Thị Minh Hải sau khi tìm kiếm video dạy cách nói chuyện trên YouTube. Tôi tìm được số điện thoại của cô và mạnh dạn liên lạc. Sau một thời gian làm quen, cô khẳng định: Cô chắc chắn sửa được giọng nói cho em, chỉ cần em kiên trì. Cô không phải là thầy tu nhưng đã giúp tôi sửa lại tâm hồn”, Đạt kể lại. Rồi cứ thế, sau 3 năm kiên trì luyện giọng, giờ Đạt có thể nói những đoạn dài, diễn đạt suy nghĩ của mình một cách trọn vẹn.

Giao tiếp với người khuyết tật bằng trái tim ảnh 3

Bà Trần Thị Minh Hải

Đạt vẫn thường gọi cho bà Trần Thị Minh Hải qua Zalo, nhờ cô giáo chỉnh giọng từng chút một, như một giáo viên mẫn cán được học sinh tin yêu, như một người mẹ tận tình sửa sai cho con.

Giống như Đạt, có rất nhiều học trò tìm đến bà Trần Thị Minh Hải, qua hàng xóm láng giềng, qua bạn bè… Mỗi người một hoàn cảnh, một câu chuyện, và nếu giúp được, bà Hải luôn giúp hết mình.

“Người ta gọi tôi bằng nhiều cái tên khác nhau, Bồ Tát, Mẹ, ân nhân, abc xyz… Gọi gì cũng được, tôi không quan tâm, chỉ quan tâm làm sao các em nói được thành lời, kiếm được tiền để mưu sinh, nuôi sống bản thân mình”, bà Trần Thị Minh Hải chia sẻ.

Theo bà Minh Hải, tiếng nói vô cùng quan trọng. Tâm hồn, trí tuệ của một người phải được truyền qua lời nói, thể hiện bằng lời nói, nếu không thể bật ra sẽ rất ngột ngạt, khó chịu, nhất là với những người khuyết tật ảnh hưởng đến vòm họng. “Với những bạn khuyết tật, huấn luyện viên phải can thiệp rất kiên trì, và điều quan trọng phải tạo ra không gian vui vẻ, giúp các bạn cảm thấy hạnh phúc”, bà Hải nói.

Giao tiếp với người khuyết tật bằng trái tim ảnh 4

Những giây phút huấn luyện không mệt mỏi của bà Hải

Giao tiếp với người khuyết tật bằng trái tim ảnh 5

Giúp đỡ nhiều người khuyết tật, bà Trần Thị Minh Hải có rất nhiều người con, người em… ở mọi miền Tổ quốc, mọi miền quê khác nhau. Ai cũng coi bà Hải là người thân trong gia đình, như người mẹ đã giúp họ đầu thai lần thứ hai.

Một ngày làm việc của bà Hải bắt đầu từ 5 giờ sáng và kéo dài đến nửa đêm, nhiều hôm chẳng có thời gian cho bữa trưa, bữa tối. Lịch huấn luyện giọng nói của bà Hải kín đặc, phần lớn là bà giảng dạy qua Zoom, hay trò chuyện riêng với từng người qua Zalo, số ít đến tận nhà gõ cửa gặp trực tiếp. Sau mỗi khóa huấn luyện, hỗ trợ chỉnh phát âm của bà Trần Thị Minh Hải, học viên nào cũng chăm chỉ tự chỉnh âm, siêng đọc thơ, quay clip gửi bà Hải theo dõi và đánh giá.

Có nhiều người tại hỏi sao bà không tập trung vào huấn luyện diễn thuyết trong kinh doanh, nhưng bà nói, bà muốn giúp đỡ nhiều người khác, mà vốn dĩ lý do ban đầu đến với “nghề” này bà không làm kinh tế. Bà theo đuổi “nghề” này thực ra xuất phát từ nhu cầu của chính bản thân mình.

Với 12 năm đảm nhận tiếp viên trưởng giám sát huấn luyện thực hành trên không tại Vietnam Airlines, rồi sau đó “xuống mặt đất”, bà Trần Thị Minh Hải có gần 20 năm kinh nghiệm thực tế chăm sóc khách hàng tại nhiều công ty, Tổng Công ty, Tập đoàn. Bà từng đảm nhận các vị trí chủ chốt tại các doanh nghiệp như Giám đốc điều hành kinh doanh khu vực miền Bắc, Công ty CP Học thuật EQuest Academy, Giám đốc phụ trách quan hệ chương trình đào tạo Future Bankers - Viện Tư vấn và đào tạo nghiệp vụ ngân hàng... Bà là diễn giả chuyên đào tạo các kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng trình bày hiệu quả, kỹ năng giao tiếp ứng xử... cho nhiều doanh nghiệp như Ngân hàng An bình, TP Bank, BIDV Hà Nội, Truyền hình Cab Việt Nam VTC, Công ty Unicharm Nhật Bản, Mobifone Global, Tập đoàn điện lực Việt Nam...

Giao tiếp với người khuyết tật bằng trái tim ảnh 6
Bà Hải huấn luyện về âm thanh cho các bạn trẻ...

Cơ duyên để bà Trần Thị Minh Hải sáng lập chương trình “I love My Voice” bắt nguồn từ hố sâu trầm cảm của bản thân. Năm 2001, bà Hải đi huấn luyện kỹ năng dành cho những người bị nói ngọng L-N, những người nói đặc giọng địa phương với những âm bẹt không rõ tiếng O-E… Cuối năm đó, bà bắt đầu có ý tưởng phải luyện giọng cho mọi người. Nhưng ý tưởng vẫn chỉ là ý tưởng.

Năm 2009, cuộc hôn nhân hạnh phúc với “trái ngọt” là hai đứa con đủ nếp đủ tẻ tan vỡ, hai vợ chồng đường ai nấy đi, bà Hải rơi vào tình trạng trầm cảm nặng. Rồi bà tự nghiên cứu rất nhiều về tâm lý, về âm thanh, về giọng nói… Để rồi, đến năm 2012, bà Hải bắt đầu đi sâu vào huấn luyện giọng nói, sau khi đã tự cân bằng nỗi đau tinh thần cho mình.

“Những lần đi huấn luyện giọng nói, dạy mọi người kỹ năng thở ra sao, phát âm thế nào, tôi thấy mình có giá trị. Khi thấy mình có giá trị, tôi bắt đầu say mê, hưng phấn và muốn làm gì đó có ích cho cuộc sống”, bà Trần Minh Hải chia sẻ. Và bằng cách chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ cách bật âm, đẩy hơi ra sao chính là một cách để bà chữa lành trầm cảm của mình.

Năm 2013, bà Trần Thị Minh Hải chính thức thành lập chương trình “I love my voice”, tuy là tên tiếng Anh nhưng bà luôn tâm niệm: “Tôi yêu tiếng Việt”.

“Một trong những kỹ thuật tốt nhất để rèn giọng nói là đọc to các bài thơ. Hãy tưởng tượng rằng những lời nói của bạn giống như phím đàn piano. Khi bạn đọc một câu thơ, đọc to và lần lượt thay đổi trọng âm sang từ khác mỗi lần bạn đọc”, bà Hải nói. Niềm vui của bà bây giờ là những clip đọc thơ, đọc truyện của học trò gửi về, từ người khuyết tật đến những giáo viên nỗ lực sửa tật nói ngọng, nói lắp, biết luyện giọng thật chuẩn để giảng bài, những nhân viên ngân hàng cần mẫn cả ngày tư vấn cho khách…

Với bà Trần Thị Minh Hải, biết cảm nhận hạnh phúc từ những thứ dung dị là điều rất quan trọng, bởi nó sẽ trở thành ranh giới phân chia hạnh phúc và bất hạnh. Bà Hải nói thêm, “giọng nói của con người giống như cơ bắp. Nó có thể trở nên mạnh mẽ hơn nhờ tập luyện và sử dụng thường xuyên. Nhiều người có giọng nói yếu ớt đã sở hữu một thanh âm khỏe mạnh, tự tin hơn bằng cách kiên trì tập luyện”.

Hiện tại, một khóa học do bà Trần Thị Minh Hải tư vấn, huấn luyện phát âm thường dao động ở mức giá từ 8 - 30 triệu đồng/khóa. Nhưng bà có thể dành cả vài tháng ròng rã dạy cho một người khuyết tật đánh vần, bật âm mà không lấy một đồng công lãi nào. Bà bảo, bản thân mình cảm thấy bị thôi thúc phải giúp họ. “Giúp các em lấy lại giọng nói như một món quà tôi tặng cho người yếu thế” , bà Hải nói.

Giao tiếp với người khuyết tật bằng trái tim ảnh 7
TIN LIÊN QUAN
Trấn Thành, Chi Pu cùng các khách mời đến tham dự họp báo công chiếu bộ phim "Yêu nhầm bạn thân" tại Hà Nội
Trấn Thành, Chi Pu cùng các khách mời đến tham dự họp báo công chiếu bộ phim "Yêu nhầm bạn thân" tại Hà Nội
(Ngày Nay) - Tối 25/1, buổi họp báo công chiếu bộ phim "Yêu nhầm bạn thân" diễn ra tại Hà Nội, thu hút sự chú ý của giới truyền thông và khán giả. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động ra mắt phim, tiếp nối sau buổi công chiếu tại TP.HCM. Là bản remake từ một tác phẩm nổi tiếng của Thái Lan, bộ phim nhận được sự quan tâm lớn ngay từ khi công bố.
Giá hàng hóa cận Tết không có biến động bất thường
Giá hàng hóa cận Tết không có biến động bất thường
(Ngày Nay) - Ngày 26/1, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) dự báo giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu ngày 27/1 (tức ngày 28 Tết) cơ bản ổn định, giá hàng hóa tiêu dùng một số mặt hàng thực phẩm tươi sống như: gà ta, thủy hải sản, rau củ xanh dự báo có thể tăng nhẹ do nhu cầu mua để dự trữ trong những ngày Tết cùng với sự ảnh hưởng không khí lạnh tại khu vực Miền Bắc và Bắc Trung Bộ.
Tương lai của TikTok tại Mỹ sắp ngã ngũ
Tương lai của TikTok tại Mỹ sắp ngã ngũ
(Ngày Nay) - Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đang đàm phán với nhiều bên về việc mua lại ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok và có thể sẽ đưa ra quyết định về tương lai của ứng dụng này trong vòng 30 ngày tới.
Các cuộc xung đột khu vực làm trầm trọng thêm khủng hoảng nhân đạo ở Yemen
Các cuộc xung đột khu vực làm trầm trọng thêm khủng hoảng nhân đạo ở Yemen
(Ngày Nay) - Ngày 25/1, tờ The National News của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) dẫn báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhận định các cuộc xung đột khu vực và tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Yemen, nơi hơn 17 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực.
Chính thức áp dụng quy định sử dụng cầu thủ U22 tại SEA Games 33
Chính thức áp dụng quy định sử dụng cầu thủ U22 tại SEA Games 33
(Ngày Nay) - Ngày 26/1, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thông tin, với mục đích thúc đẩy sự phát triển của bóng đá trẻ, Ban Tổ chức SEA Games 33 tại Thái Lan đã đề xuất áp dụng quy định chỉ sử dụng cầu thủ U22 cho môn bóng đá nam. Quy định này đã được thông qua sau cuộc họp của Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) và Tổng cục Thể thao Thái Lan (SAT) vừa qua.