Khoảng 33,9 triệu hộ gia đình ở Trung Quốc sở hữu tổng cộng 50,6 triệu con chó cưng và người dân nước này dự kiến sẽ chi 105,6 tỷ nhân dân tệ chỉ riêng cho chó cưng trong năm nay, theo tờ China Pet Industry White Paper của Trung Quốc.
Nhân bản chó cảnh là xu thế mới nhất xuất hiện trên thị trường vật nuôi ở Trung Quốc. Kể từ tháng 9 năm ngoái, Sinogene - một công ty công nghệ sinh học có trụ sở ở Bắc Kinh, đã cung cấp dịch vụ nhân bản chó cưng với mức giá 380.000 nhân dân tệ (tương đương 54.829 USD). Một công ty khác của Trung Quốc - BoyaLife, đang hợp tác với công ty nhân bản con chó Hàn Quốc Sooam để ra mắt các dịch vụ tương tự tại nước này, theo trang web của hãng.
"Cho đến nay, chúng tôi đã có hơn 20 khách hàng. Chúng tôi đã nhân bản khoảng 10 chú chó và 10 con khác hiện đang được mang thai", ông Zhao Jianping - Phó Tổng giám đốc Sinogene, nói với tờ Global Times.
Theo ông Zhao, để nhân bản một chú chó, cần phải lấy mô từ vật chủ khi nó còn sống hoặc trong vòng một tuần sau khi nó chết, trong điều kiện thi thể được giữ lạnh. Các nhà khoa học từ công ty sau đó sẽ lấy trứng từ một chó cái và thay thế nhân noãn của nó bằng tế bào từ con chó cần được nhân bản. Sau khi phôi thai phát triển, nó sẽ được đặt bên trong tử cung của một con chó cho trứng. Khoảng một trong hai phôi nhân bản sẽ phát triển thành một con chó con.
Zhao cho biết công ty của ông có thể nhân bản bất kỳ con chó nào bất kể con chó đó thuộc giống gì. Công ty đã nhân bản vô tính cho giống Schnauzers - chó chăn cừu Đức, chó Bắc Kinh và chó poodle. Sau khi khách đặt hàng, thường mất khoảng sáu tháng để họ nhận lại chú chó nhân bản. Năm 2005, Snuppy - một con chó săn Afghanistan được ghi nhận là cá thể chó nhân bản đầu tiên, được sinh ra ở Hàn Quốc. Kể từ đó, chỉ có hai quốc gia, Hàn Quốc và Mỹ, đã được biết là có các doanh nghiệp nhân bản chó thương mại.
Trong những năm gần đây, các trường hợp nhân bản chó cưng đã tăng lên. Tháng 2 vừa qua, nữ diễn viên Mỹ Barbra Streisand đã tiết lộ rằng bà đã nhân bản chú chó cưng của mình trong 14 năm. Cựu Tổng thống Iceland - ông Ólafur Ragnar Grímsson, cũng đang có ý định nhân bản chú chó 11 tuổi của mình, theo truyền thông nước này.
Nhưng việc việc thương mại hóa công nghệ nhân bản cũng vấp phải làn sóng chỉ trích và hoài nghi, khi nhiều người băn khoăn liệu điều này có vi phạm các chuẩn mực đạo đức và lãng phí tài nguyên khoa học để nhân bản vật nuôi.
"Tôi hoàn toàn có thể hiểu được những người nuôi chó chọn cách nhân bản chó của mình. Nếu có tiền, tôi sẽ nhân bản chú chó của mình trong tương lai", một người dùng trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc cho biết.
Một người khác nhận xét: "Điều này thật ngu ngốc. Nhân bản sẽ không giúp kéo dài tuổi thọ của con chó ban đầu, mà chỉ tạo ra một con chó có ngoại hình y hệt. Nó sẽ không có trí nhớ giống như con chó ban đầu".
Theo ông Quan Fusheng - một giáo sư thú y tại Đại học Tây Bắc A&F, cho biết trong khi động vật nhân bản có cùng ADN giống như bản gốc, không có nghĩa là hai con vật sẽ giống hệt nhau. "Các đặc điểm giống và khác giữa con vật gốc và con vật nhân bản cũng giống như của một cặp sinh đôi giống hệt nhau".
"Đối với khách hàng của chúng tôi, những gì họ quan tâm nhất là liệu con chó mới có cảm thấy như thú cưng cũ của họ hay không. Mặc dù con vật nhân bản không hề có ký ức cũ, tuy nhiên nó sẽ mang những đặc điểm của bản gốc và gợi nhắc cho người chủ về vật nuôi trước đây của họ", theo ông Zhao.
Về vấn đề đạo đức, giáo sư Quan nói không giống như nhân bản người, nhân bản động vật không phải đối mặt với nhiều vi phạm đạo đức. Tuy nhiên, các công ty cần phải tôn trọng các quy định về thí nghiệm động vật .
Ông Zhao cho biết công ty của mình tuân thủ các quy định của Trung Quốc về thí nghiệm chó và nhiều con chó mang thai hộ cũng được người chủ nhận nuôi sau khi sinh ra chó con nhân bản.
Công ty Sinogene cho biết họ cũng đang làm việc với các cơ sở huấn luyện chó cảnh sát để nhân rộng và khuếch đại các đặc tính của chó nghiệp vụ thông qua công nghệ chỉnh sửa gen. Công ty cũng đang thử nghiệm nhân bản mè và sẽ sớm ra mắt trước công chúng.