Giữ lửa nghệ thuật bài chòi

Sự biến động của đời sống đương đại đã làm cho loại hình nghệ thuật bài chòi có nguy cơ bị mai một. Dù vậy, qua bao thăng trầm, bài chòi vẫn luôn cháy trong tim nhiều người. Những lời ca mượt mà thấm đẫm tình quê, gắn kết yêu thương đang được tỉnh Quảng Ngãi gìn giữ và trao truyền đến thế hệ trẻ.
Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ dân ca bài chòi TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.
Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ dân ca bài chòi TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

Lời ca giao tình

Gần trọn cuộc đời gắn bó với những câu hát bài chòi mượt mà, sâu lắng như tiếng lòng của người dân quê, Nghệ nhân Ưu tú Võ Duy Khánh, ở xã Phổ Cường, huyện Ðức Phổ (Quảng Ngãi) khá am tường về loại hình nghệ thuật lưu truyền qua bao thế hệ. Với ông, dân ca bài chòi là lẽ sống, là niềm đam mê cháy bỏng, là tiếng lòng của quê hương. Vì thế, khi nói đến bài chòi Trung Bộ, nghệ thuật đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ông lại kể một cách say sưa, giúp chúng tôi hiểu thêm bao điều thú vị về bài chòi - bản sắc văn hóa độc đáo trên dải đất miền trung đầy nắng gió.

Theo Nghệ nhân Ưu tú Võ Duy Khánh, dân ca bài chòi xuất hiện từ khi người Việt vào mở mang, khai phá đất phương nam với lời hát đối đáp đơn sơ giữa những người dân quê chân chất. Sau đó, cụ Ðào Duy Từ sáng tạo ra hội chơi bài chòi khá độc đáo, thu hút nhiều người tham gia. Do vậy, vùng đất Ðức Phổ giáp ranh với huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh (nơi cụ Ðào Duy Từ cư ngụ) được xem là đất tổ của hội đánh bài chòi và bài chòi ở các địa phương lân cận phát triển khá sớm. Thuở trước, để bảo vệ mùa màng trước sự phá hoại của thú rừng, cư dân trong làng dựng những chiếc chòi cao ở ven rừng để trông coi. Trên mỗi chiếc chòi cắt cử thanh niên trai tráng canh gác, nếu thấy thú dữ về phá hoa màu thì đánh mõ, hô to để đuổi chúng… Trong quá trình ấy, để đỡ buồn chán, người ta đã nghĩ ra cách giao lưu với nhau bằng những câu hát, câu hò. Những câu hò, điệu lý làm vơi đi nỗi buồn trong đêm thanh vắng. Rồi lời ca tâm tình giữa hai căn chòi được kết nối qua phương tiện truyền âm khá hiện đại thời bấy giờ. Họ dùng ống tre rỗng bịt một đầu bằng da ếch phơi khô, ở giữa miếng da đục lỗ nhỏ rồi xỏ sợi tơ tằm gắn với ống tre gắn da ếch phía chòi bên kia. Khi người này hát, người kia áp ống vào tai để nghe. Khúc hát chân quê bày tỏ nỗi lòng thầm kín: Thân em như cái giường lèo (giường uốn lượn làm bằng tre)/Thân anh chiếu rách chèo queo xó hè/Cầu trời cho gió thổi lên/Cho manh chiếu rách nằm trên giường lèo... làm lay động tâm hồn, se duyên đôi lứa. Bài chòi dần làm say đắm bao người khi có tiếng đàn, nhịp phách phụ họa, nâng lời ca bay bổng giữa chốn quê. Xóm làng dần đông đúc, nhiều người thường tụ họp để hát và nghe bài chòi sau những giờ lao động vất vả trên ruộng đồng. Dân ca bài chòi ngày càng phong phú và hấp dẫn với sự đóng góp của những nghệ nhân tài hoa. Họ ứng tác trước đám đông với lời ca mượt mà bày tỏ nỗi niềm, hát về khung cảnh yên bình nơi làng quê, ngợi ca những bậc tiền nhân có công mở mang xóm làng...

Loại hình nghệ thuật dân gian này càng thu hút người dân với hội đánh bài chòi vào dịp Tết, lễ hội khi nhiều người Rủ nhau đi đánh bài chòi/Ðể cho con khóc tới lòi rún ra. Trên bãi đất trống là những căn chòi nhỏ thơm mùi rơm vừa gặt từ đồng làng. Sau hồi trống chầu, âm thanh của nhiều loại nhạc cụ ngân vang phụ họa dẫn dắt vào cuộc vui chơi. Tiếng cười nói rộn ràng lẫn trong giọng hát của anh hiệu, chị hiệu (người hô thai - người quản trò) cùng tiếng mõ giục giã dân làng tụ tập chơi hội. Cạnh chòi, trẻ thơ tung tăng khoe áo mới, nam thanh nữ tú buông lời đối đáp, đong đưa ánh mắt trao tình. Lời ca chợt ngừng khi hồi mõ kéo dài báo hiệu có người thắng trong cuộc chơi với nụ cười rạng rỡ trên gương mặt sạm đen nắng gió. Người thắng hân hoan nhận thưởng với lời hát chúc mừng của anh hiệu, chị hiệu hòa cùng tràng vỗ tay vang dậy, khích lệ tinh thần người chơi. Mọi người tiếp tục mua thẻ bài và cuộc chơi kéo dài đến tận đêm khuya...

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều nghệ sĩ hăng hái tham gia, đóng góp sức mình vào cuộc đấu tranh thần thánh của dân tộc. Họ hòa mình vào quần chúng để sưu tầm những lời ca cổ và cải biên nhiều bài hát cho phù hợp với cuộc sống thời bấy giờ. Những lời ca ngân vang giữa xóm làng hay núi rừng, động viên tinh thần quân dân hăng hái đánh giặc. Vùng đất Phổ Cường thuở ấy có nhiều người mê đắm dân ca bài chòi. Họ dùng lời ca, tiếng nhạc động viên nhau dũng cảm đứng lên chống ngoại xâm; làng quê sục sôi khí thế đấu tranh, nhân dân chung tay đóng góp cho cách mạng. Phổ Cường được khen tặng là xã kiểu mẫu của Khu 5 vào năm 1950, đến đầu năm 1951 tiếp tục được Khu ủy Khu 5 tặng cờ "Ngọn đuốc thi đua". Những lời ca tự hào về truyền thống quê hương trung dũng, kiên cường ngày ấy nay nhiều người vẫn nhớ: Từ ngày kháng chiến, nước ta lẫy lừng.../Giờ thi đua, thi tài, ta thi chí/Cho xã nhà lấy tiếng nghìn thu/Ngọn cờ thắm, sao vàng ta ghi nhớ/Cho muôn người ghi nhớ, đừng quên... Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, huyện Ðức Phổ thành lập những đội văn nghệ, đội vũ trang tuyên truyền mang lời ca, tiếng đàn phục vụ chiến sĩ và đồng bào. Nơi núi rừng, các thành viên trong đội hăng say sáng tác và luyện tập ca hát giữa tiếng gầm rú của máy bay và những đợt bom rơi, pháo dập của quân thù. Với sự bảo vệ của bộ đội, đêm đến, họ xuống đồng bằng, vào gần đồn địch biểu diễn phục vụ đồng bào. Làn điệu bài chòi vút lên trong đêm tối cổ vũ tinh thần quân dân, làm nhụt ý chí của đối phương. Những câu hát: Mẹ anh hùng con lại sá chi/Bé mười ba tuổi cũng đi diệt thù…/Cờ bay trên đỉnh Núi Dâu/Tay không buộc Mỹ cúi đầu rút lui làm nức lòng người nghe...

Gìn giữ và trao truyền di sản 

Những năm qua, ngành văn hóa huyện Ðức Phổ nỗ lực gìn giữ, bảo tồn với mong muốn trao truyền dân ca bài chòi cho thế hệ trẻ. Những làn điệu: xuân nữ, cổ bản, xàng xê, hò quảng... biểu diễn tại các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng làm say đắm bao người. "Chúng tôi khuyến khích các đơn vị, địa phương dàn dựng và biểu diễn những tiết mục bài chòi nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả. Những tiết mục như thế luôn được người xem nhiệt liệt hoan nghênh", Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Văn hóa - Thể thao huyện Ðức Phổ Nguyễn Thanh Sơn cho biết. Huyện Ðức Phổ chuẩn bị mở lớp tập huấn kiến thức về bài chòi cho gần 100 giáo viên thanh nhạc của các trường phổ thông và hạt nhân ca hát ở địa phương. Qua đó, khơi dậy sự yêu thích bài chòi trong nhân dân, nhất là giới trẻ.

Cùng với việc mở lớp dạy hát bài chòi, huyện Ðức Phổ còn tổ chức các cuộc liên hoan dân ca bài chòi với đông đảo thí sinh tham gia biểu diễn thu hút khá đông người dân đến xem và cổ vũ. Khán giả ngỡ ngàng khi tà áo dài trắng tinh khôi xuất hiện trên sân khấu. Hai nữ sinh đến từ vùng quê Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh) bốn mùa lộng gió với giọng ca mượt mà làm mê đắm lòng người: Giữ cho thuyền lộng biển khơi/Cho ta về lại đất trời quê hương/Cho bao em bé thân thương/Rộn ràng cắp sách đến trường tươi vui/Ðò ngang cô gái mỉm cười/Ðưa anh giải phóng về xuôi cùng thuyền/Muối ta gửi đến khắp miền/Sa Huỳnh dừa lại ngọt duyên mặn tình. Em Võ Thị Nguyệt Vy tâm sự: "Bài chòi tuy khó hát nhưng khi hát được thì cảm thấy êm ấm, da diết đi sâu vào lòng người, dễ cảm động. Em rất yêu thích bài chòi bởi đây là loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc cần lưu giữ".

Ở Quảng Ngãi, phong trào ca hát bài chòi cũng đang dần hồi sinh ở nhiều địa phương như: Bình Sơn, Mộ Ðức, TP Quảng Ngãi. Ðiển hình tại huyện Mộ Ðức, sau một năm thành lập, câu lạc bộ bài chòi của huyện đã trở thành nơi gắn kết 57 thành viên. Ðây chính là lực lượng nòng cốt tham gia biểu diễn ở nhiều nơi, góp phần giữ gìn và truyền ngọn lửa đam mê nghệ thuật bài chòi đến với công chúng, nhất là giới trẻ. Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mộ Ðức Võ Việt Cường, để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, huyện đã mở các lớp truyền dạy hát dân ca bài chòi, cách thức tổ chức chơi bài chòi cho người dân trên địa bàn huyện. Ðiều đáng quý là các lớp dạy hát dân ca bài chòi có rất đông người trẻ theo học. Chính lời ca mộc mạc, dễ đi vào lòng người của bài chòi khiến các bạn trẻ càng học càng thích thú, quyết tâm gắn bó với bài chòi. "Những thành công ban đầu trong việc mở lớp dạy hát bài chòi là tiền đề để huyện từng bước khôi phục loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, thông qua việc thành lập các câu lạc bộ bài chòi ở các xã và tiến tới đưa hát dân ca bài chòi vào trong trường học", Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Ðức Phạm Ngọc Lân chia sẻ.

Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi) Phan Ðình Ðộ cho biết, hiện tại đơn vị đang tiến hành điều tra hiện trạng để xây dựng Ðề án bảo tồn và phát huy Di sản bài chòi Quảng Ngãi trình UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, tập trung nghiên cứu, sưu tầm, đánh giá tổng thể giá trị di sản bài chòi, nhất là các bài chòi cổ để phát hành rộng rãi đến công chúng thông qua tài liệu, đĩa CD; đào tạo những giáo viên dạy âm nhạc, người có năng khiếu ca hát thành hạt nhân hát bài chòi; hình thành và phát triển các đội, nhóm, câu lạc bộ hát bài chòi ở các địa phương, gắn kết nghệ thuật bài chòi với phát triển du lịch. Ngoài ra, tổ chức truyền dạy bài chòi trong trường học thông qua việc lồng ghép vào chương trình dạy âm nhạc… "Các đội, nhóm, câu lạc bộ và nghệ nhân hát bài chòi ở cơ sở giữ vai trò hết sức quan trọng, là hạt nhân nòng cốt trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản bài chòi. Có như vậy, loại hình nghệ thuật bài chòi mới thật sự len lỏi trong đời sống âm nhạc của quần chúng nhân dân, giúp thế hệ trẻ yêu thích và nâng cao ý thức giữ gìn, trân quý bộ môn nghệ thuật độc đáo mà cha ông để lại", ông Phan Ðình Ðộ nhìn nhận.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi Cao Văn Chư cho rằng, để khơi dậy sức sống nghệ thuật bài chòi đòi hỏi các địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp mọi người nhận diện, nhận thức giá trị di sản bài chòi là giá trị văn hóa phi vật thể không thể thay thế. Các nghệ sĩ, nghệ nhân bài chòi cần tăng cường tính sáng tạo để dân ca bài chòi thích ứng với cuộc sống hiện đại, sử dụng phương tiện nghe nhìn tiên tiến nhằm đưa bài chòi trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có sự hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nghệ nhân, các câu lạc bộ, đội, nhóm hát bài chòi phát triển mạnh mẽ.

Theo Nhân Dân
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
(Ngày Nay) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho biết, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), Trung tâm sẽ miễn vé cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm tại di sản Thành nhà Hồ.
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế tổ chức mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” từ ngày 18-24/11/2024 và Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc lĩnh vực y tế giai đoạn 2024 – 2025.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
(Ngày Nay) - Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(Ngày Nay) - Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
(Ngày Nay) - Tối 21/11, tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình nghệ thuật dân ca trên thuyền và giao lưu các miền di sản chủ đề "Sắc màu di sản".
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
(Ngày Nay) - Mối quan hệ làng xóm cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.