Se Sẽ Chứ 2024 - Một lễ hội cộng đồng nên thơ

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Khởi xướng bởi đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, người dành tình yêu thuần khiết cho di sản nghệ thuật của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ, trải qua sáu năm tám mùa, "Se Sẽ Chứ" do Ơ Kìa Hà Nội thực hiện đã trở thành một lễ hội thi ca uy tín, nơi hội tụ của những trí thức, nghệ sĩ, công chúng yêu văn hóa, nghệ thuật. 
Không gian của đêm thi ca Se Sẽ Chứ 2024. Ảnh: Ơ kìa Hà Nội
Không gian của đêm thi ca Se Sẽ Chứ 2024. Ảnh: Ơ kìa Hà Nội

Năm 2024, có sự đồng hành của viện Goethe Hà Nội, cùng sự tiếp sức của thương hiệu mỹ phẩm Menard và công ty sách Omega, lần đầu tiên Se Sẽ Chứ đón chào sự xuất hiện đặc biệt của các nghệ sĩ khiếm thị. Điều này đã mang đến cho dự án một bảng màu đặc sắc khi mở ra những không gian giao lưu ấm áp, tràn ngập cảm xúc và sáng tạo không ngừng nghỉ. "Se Sẽ Chứ 2024” đã khép lại sau chuỗi hoạt động nghệ thuật trải dài suốt Tháng 12 bằng tiệc thơ chào năm mới, nơi mọi giác quan được đánh thức, mọi ranh giới được xóa nhòa.

Se Sẽ Chứ 2024 - Một lễ hội cộng đồng nên thơ ảnh 1

Đêm thi ca Se Sẽ Chứ 2024 tại Viện Goethe. Ảnh: Ơ kìa Hà Nội

Những chấm màu xếp vào vị trí của chữ THƠ theo hệ thống ký tự Braille là thiết kế hiện ra chính giữa sân khấu, các bài thơ haiku sáng tác mới được chiếu lên tường trắng, mùa đông Hà Nội trở nên ấm nóng một cách kỳ lạ khi khán phòng chật ních khán giả đủ mọi độ tuổi. Không có ghế ngồi, người hâm mộ sẵn sàng đứng sát cửa ra vào hoặc ngồi yên dưới sàn ở phần lối đi, một số khán giả trẻ nhường ghế cho người khuyết tật hoặc người lớn tuổi. Người dẫn chương trình Lê Hương Giang tự tin bước lên sân khấu với cây gậy dò đường. Nhà báo Trần Kim Thanh là người điều phối đang trao đổi với nhà thơ Hàm Anh và tác giả Đặng Hoàng Giang trước khi giai điệu Tương Ngộ Tương Phùng vang lên.

Se Sẽ Chứ 2024 - Một lễ hội cộng đồng nên thơ ảnh 2

Nhà thơ Hoàng Văn Lý và Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp. Ảnh: Ơ kìa Hà Nội

Mở đầu bữa tiệc thi ca, nhà thơ Hoàng Văn Lý và nghệ sĩ trẻ An Như mang đến một màn trình diễn thơ và âm nhạc đầy cảm hứng. Tại đây, những nghệ sĩ khiếm thị đã đứng trên sân khấu với một niềm tự hào mãnh liệt. Theo chia sẻ của Hoàng Văn Lý, anh là người đã gắn bó cả cuộc đời mình để đối thoại với thế giới qua thơ. Tuy nhiên, chỉ đến “Se Sẽ Chứ 2024”, anh mới lần đầu tiên dám bước ra ánh sáng, để tiếng thơ của mình vang vọng trong lòng cộng đồng. Anh cho biết: "Là một người khiếm thị, tôi từng nghĩ rằng thơ ca sẽ mãi là cuộc đối thoại thầm lặng trong tâm hồn mình. Nhưng dự án này đã mang đến cơ hội để chúng tôi được lắng nghe và được nhìn nhận. Những sự kiện như "Sờ chữ nghe thơ" hay workshop chữ nổi “Mật thư Braille” không chỉ giúp chúng tôi thể hiện tình yêu văn chương mà còn tạo ra một không gian nơi người khiếm thị và người sáng mắt cùng hòa nhịp."

Những dòng thơ của Hoàng Văn Lý không chỉ là lời thì thầm của một tâm hồn thi sĩ mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ về giá trị của bản thân, về sức mạnh vượt lên nghịch cảnh. Và khi nghệ sĩ trẻ An Như, với đôi tay tài hoa, hòa thanh bằng đàn tranh, rồi piano, thì những giai điệu ấy đã len lỏi vào từng góc nhỏ của trái tim người nghe, mở ra một thế giới của cảm xúc và hy vọng.

Cũng tại tiệc thơ, tiết mục để lại dấu ấn sâu đậm là màn múa đương đại “Sau Vô Biên”. Khác với nghệ sĩ múa Trần Diễm Phương, hai nghệ sĩ khiếm thị Phạm Ngọc Dung và Vũ Thủy lần đầu chạm ngõ với hình thức biểu đạt cô đọng mà cũng rất tự do này. Ngôn ngữ hình thể mềm mại hoà cùng giọng đọc điềm tĩnh, bản mashup thơ Lưu Quang Vũ chủ ý tạo ra tính ngẫu nhiên giữa âm vang của cồng, dữ dội của đàn tranh...các nghệ sĩ đã kể một câu chuyện đầy cảm hứng về sự khởi đầu và hy vọng. Những chuyển động tinh tế, kết hợp với âm nhạc và ánh sáng tối giản, đã xóa bỏ định kiến rằng người khiếm thị không thể tự do biểu đạt nghệ thuật qua ngôn ngữ hình thể, đồng thời khẳng định rằng nghệ thuật là không giới hạn, là nơi tất cả mọi người đều có thể tìm thấy chính mình và tìm thấy nhau.

Se Sẽ Chứ 2024 - Một lễ hội cộng đồng nên thơ ảnh 3

Màn múa đương đại "Sau vô biên". Ảnh: Ơ kìa Hà Nội.

Tiếp nối chương trình, dàn hợp ca Hy Vọng của nhóm nghệ sĩ khiếm thị do GS.NSND Tôn Thất Triêm sáng lập – đã mang đến những khúc ca như “Joy to the World - Niềm vui cho toàn thế giới”, “Hướng tới niềm vui”, “Khát vọng mùa xuân”, "Nhạc rừng"... Không chỉ đơn thuần chinh phục và biểu diễn những bài hát được bè phối chuẩn thính phòng của âm nhạc kinh điển, những nghệ sĩ khiếm thị tham dự chương trình đã truyền tải thông điệp mạnh mẽ về niềm tin, nghị lực và tinh thần tôn vinh vẻ đẹp của cuộc sống.

Se Sẽ Chứ 2024 - Một lễ hội cộng đồng nên thơ ảnh 4

Hợp ca hy vọng và GS.NSND Tôn Thất Triêm tại Se Sẽ Chứ 2024. Ảnh: Ơ kìa Hà Nội

Đêm thi ca còn trở nên phong phú hơn với phần trình diễn của ca sĩ Mạc Mai Sương – một đại diện tiêu biểu của dòng nhạc indie Việt Nam. Mạc Mai Sương mang tặng khán giả Se Sẽ Chứ những sáng tác mới nhất lần đầu công bố. Giọng ca mộc mạc, chân thành của nữ ca sĩ qua những sáng tác giàu chất tự sự đã khơi gợi những cảm xúc sâu kín trong lòng mỗi khán giả trong những thời khắc cuối cùng của năm cũ.

Kết lại đêm thi ca với nhiều thang bậc cảm xúc bằng phần hát văn “Thăng Long vui hội ngày xuân” do các nghệ sĩ Trần Văn Hoan, Đặng Tú Tài, và Thảo Đan trình bày, cả khán phòng không thể ngồi yên, tất cả như được đưa về lễ hội rộn ràng của mùa xuân Hà Nội xưa – nơi nghệ thuật và truyền thống dân tộc có dịp gặp gỡ, giao hòa. Tác giả Đặng Hoàng Giang cho biết “tôi vô cùng trân trọng những gì các bạn đã làm được trong thời gian ngắn vừa rồi. Tôi cảm nhận được sự ấm áp, tình người và niềm vui trong trẻo của mọi người”.

Se Sẽ Chứ 2024 - Một lễ hội cộng đồng nên thơ ảnh 5

Ca sĩ Mạc Mai Sương mang tặng khán giả Se Sẽ Chứ những sáng tác mới nhất lần đầu công bố. Ảnh: Ơ kìa Hà Nội.

Không chỉ là một sự kiện nghệ thuật, "Se Sẽ Chứ 2024" còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi phá vỡ ranh giới giữa người khiếm thị và không khiếm thị, tạo ra một không gian kết nối bình đẳng. Như lời chia sẻ của ngài Steffen Kaupp, Phó Viện trưởng Viện Goethe: “Se Sẽ Chứ 2024 đã được Viện Goethe Hà Nội lựa chọn là dự án nổi bật tham gia "Nghệ Thuật Bao Hàm". Chuỗi sự kiện đa dạng trong tháng thi ca, đã kết nối các thành viên khiếm thị và cộng đồng yêu văn chương, tạo nên lễ hội không rào cản. Với cách tiếp cận nhân văn này, dự án đã tạo ra một cộng đồng sôi động, nơi nghệ thuật trở thành ngôn ngữ chung, kết nối mọi tâm hồn.” Theo những người tổ chức dự án, hành trình của "Se Sẽ Chứ" không dừng lại ở đây mà được tiếp nối với chuỗi dự án “Phòng đọc xanh”, "Se sẽ radio" trong thời gian sắp tới.

Se Sẽ Chứ 2024 - Một lễ hội cộng đồng nên thơ ảnh 6

Cộng đồng những người yêu thi ca tại đêm thơ Se Sẽ Chứ 2024. Ảnh: Ơ kìa Hà Nội

"Một trong những điểm sáng nhất của mùa "Se Sẽ Chứ" năm nay là cách dự án thay đổi vai trò của người khuyết tật trong nghệ thuật. Thay vì chỉ là khách mời thụ động, chúng tôi được trao quyền để cùng tham gia từ khâu tổ chức, vận hành đến sáng tạo. Điều này khác biệt hoàn toàn với nhiều dự án khác chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ hoặc tạo cơ hội ngắn hạn.

Se Sẽ Chứ 2024 - Một lễ hội cộng đồng nên thơ ảnh 7

"Se Sẽ Chứ" không chỉ là một chuỗi sự kiện thơ. Đây là một hành trình mang tính cách mạng trong cách chúng ta tiếp cận nghệ thuật và cộng đồng. Với tôi, dự án này chính là minh chứng rằng thơ ca không phân biệt sáng và tối, không có ranh giới giữa những người khuyết tật và người không khuyết tật". Nhà thơ Hoàng Văn Lý và nghệ sĩ Vũ Thuỷ phát biểu trong phần kết thúc đầy lưu luyến.

Chủ tịch nước Lương Cường trao Quyết định phong hàm Đại sứ
Chủ tịch nước Lương Cường trao Quyết định phong hàm Đại sứ
(Ngày Nay) - Sáng 2/1, trong không khí vui tươi của ngày đầu năm mới, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã trao Quyết định phong hàm Đại sứ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cho các đồng chí cán bộ, công chức của Bộ Ngoại giao được phong hàm Đại sứ năm 2024.
100% cơ sở khám, chữa bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng Sổ sức khỏe điện tử ​
100% cơ sở khám, chữa bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng Sổ sức khỏe điện tử ​
(Ngày Nay) - Sau 55 ngày đêm phát động Chiến dịch “Triển khai hiệu quả Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID”, đến ngày 31/12/2024, 100% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức các hoạt động hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID và sử dụng Sổ sức khỏe điện tử.