Sau gần 15 năm triển khai, công tác thi hành án dân sự đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác này; khẳng định vị thế, vai trò đặc biệt của hệ thống thi hành án dân sự trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên, quá trình thi hành Luật cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Chưa quy định đầy đủ các bản án, quyết định giao cho cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành phù hợp với quy định của một số luật khác có liên quan. Quy định về quyền và nghĩa vụ của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chưa tạo điều kiện cho người thi hành án chủ động thu thập chứng cứ, chứng minh và tự bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Thời gian tổ chức thi hành án còn dài…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận các nội dung trọng tâm liên quan đến những kết quả đạt được cũng như bất cập, hạn chế, vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai thi hành Luật.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới để công tác thi hành án đạt hiệu quả cần sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự theo hướng bổ sung đầy đủ phạm vi các bản án, quyết định mà cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành; hoàn thiện quy định về đương sự, người tham gia thi hành án dân sự để bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của các bên; hoàn thiện tổ chức, hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự; hoàn thiện các quy trình tổ chức thi hành án theo hướng quy định rõ các bước, trình tự, thủ tục phải thực hiện, nhằm rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, quan trọng của các đại biểu, đồng thời khẳng định, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, toàn diện các ý kiến đóng góp để hoàn thiện Báo cáo tổng kết Luật, làm cơ sở nghiên cứu, hoàn thiện các tài liệu, hồ sơ, đề nghị xây dựng Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Qua đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế của đất nước trong tiến trình hội nhập quốc tế và khu vực, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội; góp phần hướng tới mục tiêu hoàn thiện cơ chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành án dân sự, thi hành án hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí nhằm xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, liêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân./.