Bộ TN-MT vừa có báo cáo một số vấn đề quản lý đất đai, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ phiên chất vấn của Quốc hội với Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà.
Theo Bộ TN-MT, năm 2017, môi trường không khí tại nhiều đô thị lớn vẫn tiếp tục bị ô nhiễm do hoạt động giao thông, xây dựng, công nghiệp…, chủ yếu là ô nhiễm bụi. Nồng độ bụi mịn (PM2,5) tại các địa phương ở khu vực miền Bắc khá cao, tập trung chủ yếu vào các tháng mùa đông.
Số liệu thống kê năm 2017 cho thấy, tại thành phố Hà Nội, tỷ lệ ngày trong năm có nồng độ bụi mịn vượt giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh (QCVN 05:2013/BTNMT) là khoảng hơn 20%.
So sánh với những năm trước, mức độ ô nhiễm bụi trong năm 2017 có giảm hơn. Các thông số khác đặc trưng cho ô nhiễm không khí như NOx, SO2, CO... có giá trị khá thấp, cơ bản nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT.
Theo Bộ TN-MT, những nỗ lực của các cơ quan quản lý môi trường và chính quyền của các địa phương trong việc kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí đã đem lại kết quả nhất định.
Điển hình là việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 3, Euro 4 và việc thay thế, sử dụng xăng E95, A95... đối với các phương tiện cơ giới đường bộ trong năm 2017 đã góp phần giảm thiểu lượng khí thải độc hại từ các phương tiện cơ giới ra môi trường.
Năm 2017, chất lượng nước mặt ở thượng nguồn các lưu vực sông của Việt Nam còn tương đối tốt. Tuy nhiên, ô nhiễm và suy thoái chất lượng nước vẫn diễn ra ở nhiều khu vực trung lưu và hạ lưu sông, tập trung ở các đoạn sông chảy qua khu vực có hoạt động sản xuất công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làng nghề...; chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ và ô nhiễm dinh dưỡng.
Trên lưu vực sông Cầu, ô nhiễm tập trung ở phần hạ lưu trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang; sông Ngũ Huyện Khê vẫn là khu vực trọng điểm ô nhiễm của lưu vực sông này.
Lưu vực sông Nhuệ - Đáy, ô nhiễm chủ yếu tập trung ở dòng chính sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Nội, Hà Nam và thượng nguồn sông Đáy (đoạn qua Hà Nội). Môi trường nước hệ thống sông Bắc Hưng Hải đã bị ô nhiễm khá nghiêm trọng về chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, vi sinh...
Đặc biệt, thời gian cuối năm 2017, tình trạng ô nhiễm bất thường trên sông Châu Giang (Hà Nam), trong đó có khu vực hợp lưu của sông Nhuệ và sông Châu Giang, đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội, Hà Nam điều tra nguyên nhân và có những biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm.
Đáng lo ngại môi trường đất tại các khu đô thị vẫn đang có nguy cơ bị ô nhiễm do chịu tác động từ nước thải sinh hoạt, các chất thải của hoạt động công nghiệp, xây dựng, sinh hoạt và các bãi chôn lấp rác thải.
Phần lớn nước thải sinh hoạt (đô thị và nông thôn) chưa được xử lý xả ra môi trường, làm ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư, có nơi nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Bên cạnh đó, ô nhiễm tại các làng nghề, nhất là các làng nghề sản xuất công nghiệp, làng nghề tái chế kim loại, nhựa, giấy. Hầu hết các cụm công nghiệp trên cả nước chưa có hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường, nhất là hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung.
Hà Nội: 20% số ngày trong năm có nồng độ bụi mịn vượt giới hạn cho phép
Số liệu thống kê năm 2017 cho thấy, tại thành phố Hà Nội, tỷ lệ ngày trong năm có nồng độ bụi mịn vượt giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh (QCVN 05:2013/BTNMT) là khoảng hơn 20%.
Môi trường không khí tại nhiều đô thị lớn vẫn tiếp tục bị ô nhiễm (ảnh: PLXH) |
Theo Pháp Luật Xã Hội