Hé lộ mức lương đáng mơ ước của phi công Vietnam Airlines

Năm 2013, lương trung bình của đội ngũ phi công Vietnam Airlines là gần 75 triệu đồng/ tháng và tiếp viên là 18,7 triệu đồng/người/tháng.
Hé lộ mức lương đáng mơ ước của phi công Vietnam Airlines

Tiếp viên hàng không là một trong những nghề khiến bao người lao động phải ghen tị vì có mức lương “trong mơ”. Nhưng ở các hãng hàng không nói chung và Vietnam Airlines nói riêng, lương tiếp viên hàng không vẫn “thua kém” nhiều so với các vị trí khác, mà điển hình nhất là phi công.

Hé lộ mức lương đáng mơ ước của phi công Vietnam Airlines - anh 1

Đến cuối năm 2014, Vietnam Airlines có 734 phi công, trong đó 535 người Việt. Mức lương trung bình của tất cả các phi công là 74,8 triệu đồng trong năm 2013. Trong đó, phi công người nước ngoài nhận lương cao gấp đôi đến ba lần so với phi công Việt Nam. Một Cơ trưởng tàu bay A320/321 của Vietnam Airlines cho biết lương phi công nội của Vietnam Airlines chỉ bằng nửa so với Vietjet Air. Vì lý do lương thấp, nhiều phi công đã chọn cách nghỉ việc, chuyển sang hãng hàng không tư nhân. Các nhân viên này bao gồm cả phi công, điều hành khai thác bay và bộ phận bảo dưỡng kỹ thuật.

Hiện tượng này được đánh giá là đã làm xáo trộn, suy giảm nguồn nhân lực chất lượng cao của Vietnam Airlines và uy hiếp an toàn khai thác máy bay.

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã có chỉ thị yêu cầu Tổng Công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – VNA) rà soát, thực hiện chế độ tiền lương để tăng thu nhập cho lực lượng lao động kỹ thuật cao. Bộ trưởng cũng yêu cầu Vietnam Airlines thực hiện các chế độ đãi ngộ khác để giữ chân lao động, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và uy hiếp hoạt động bay của Tổng công ty. Đồng thời, chỉ thị tạm thời chưa chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với lao động kỹ thuật cao của Vietnam Airlines. Thời hạn hoàn thành là trong quý I năm nay.

Thông tin từ Vietnam Airlines cũng cho biết từ ngày 10/1, Tổng công ty đã trả lương mới cho phi công. Bảng lương mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.

Hé lộ mức lương đáng mơ ước của phi công Vietnam Airlines - anh 2

Khung tiền lương cơ bản của phi công Việt Nam tại Vietnam Airlines. (Áp dụng từ 1/1/2015- Đơn vị: đồng/tháng)

Theo đó, mức lương chuyên doanh của cơ trưởng người Việt Nam lái máy bay A321 có bậc cao nhất là 92 triệu đồng/tháng, cơ trưởng bậc cao nhất lái B777, B787, A330, A350 hưởng mức lương 102 triệu đồng/tháng. Các mức lương này đều là mức trước thuế.
Đối với phi công thuộc về chức danh Giáo viên kiểm tra năng định (TRE), mức lương cao nhất được hưởng là 132 triệu đồng/tháng tương ứng với các loại máy bay B777, A330 và cả 2 loại máy bay thế hệ mới chuẩn bị đưa vào khai thác là B787 và A350. Đối với máy bay A321 là 122 triệu đồng/tháng, và ATR72/F70 là 109 triệu đồng/tháng.
Thu nhập hàng tháng của phi công gồm 3 phần: Lương chuyên doanh, lương năng suất (tính theo giờ bay) và phụ cấp lưu trú. Trong đó, lương năng suất của mỗi phi công rất cao, còn tiền lưu trú tính theo thị trường, có thể lên đến cả nghìn USD/ tháng.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Đoàn trưởng Đoàn bay 919 tiết lộ, để trở thành lái chính của Vietnam Airlines, phi công phải mất ít nhất 7 năm với những thử thách rất khắc nghiệt. Không chỉ đối mặt với thử thách khắc nghiệt, phi công còn "gánh" chi học phí đào tạo khổng lồ, dao động từ 1,4 đến 2,4 tỷ đồng (bao gồm chi phí học trong và ngoài nước) trong khoảng 3 năm. Vì thế, trong nhiều năm gần đây, Vietnam Airlines luôn thiếu phi công.

Về phía Vietjet Air, nơi đang được cho là hút nhiều nhân sự từ các công ty khác trong ngành, đại diện hãng cho biết đã tuyển một số phi công và nhân viên kỹ thuật từ Vietnam Airlines. Không bình luận về số lượng 100 phi công, nhân viên kỹ thuật của Vietnam Airlines đòi "lãn công", song lãnh đạo Vietjet cũng cho biết kể cả khi nhận thêm nhiều máy bay thời gian tới, hãng cũng chỉ tuyển dụng thêm vài chục phi công.

Hiện tại, VietJet Air đang thực hiện chính sách thu nhập cao để thu hút lao động từ các hãng hàng không nội địa và quốc tế. Hiện nay, nhân sự của VietJet có đến 20 quốc tịch khác nhau. Trong đó, một lực lượng đáng kể lao động từ Vietnam Airlines đã sang VietJet làm việc, chủ yếu là đội ngũ kỹ thuật, tiếp viên và gần đây là phi công.
Một thợ kỹ thuật từ Công ty Kỹ thuật máy bay (Vaeco – thuộc Vietnam Airlines) sang làm việc cho VietJet Air được nhận mức thu nhập gấp khoảng 3 lần, tăng từ 20 triệu đồng lên 58 triệu đồng.
Bình luận