Bé trai được cứu sống nhờ hội chẩn trực tuyến
Cháu bé là người dân tộc Dao, sinh sống tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh bị đau đầu, mệt mỏi, cứ ăn vào lại nôn, đêm ngủ mơ thấy ông nội đã mất. Theo tục lệ của người Dao, gia đình đã mời thầy cúng về cúng và đốt vàng mã cho người đã mất. Tuy nhiên, sau 1 tuần bệnh tình của trẻ nặng lên, trẻ được đưa đến bệnh viện trong tình trạng mệt mỏi, sốt nóng từng cơn, gầy hốc hác, nôn nhiều không ăn uống được, huyết áp tụt...
Trung tâm quản lý và điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID-19 là minh chứng cho thành công tư vấn khám chữa bệnh từ xa, và là mô hình đầu tiên để từ đó nhân rộng ra cả nước”.
Các bác sĩ đã thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi có biểu hiện nhiễm trùng đường tiêu hóa, rối loạn điện giải, suy thận cấp. Sau khi hội chẩn với bác sĩ BV Nhi Trung ương, trẻ được điều trị tích cực bằng các biện pháp truyền dịch, cân bằng điện giải, dùng kháng sinh kết hợp. Sau 3 ngày điều trị, tình trạng suy thận và nhiễm trùng đã cải thiện, thể trạng đỡ hốc hác, ăn uống được, không còn dấu hiệu buồn nôn, tiêu chảy.
Đây chỉ là một trong số vô vàn bệnh nhân được điều trị, hồi sinh nhờ hội chẩn từ xa (Telehealth). Thời gian qua, đã có nhiều bệnh viện trên cả nước triển khai hội chẩn trực tuyến với nhiều bệnh viện trên cả nước như BV Răng Hàm Mặt Trung ương (TP Hồ Chí Minh), BV Nhi Trung ương tại Hà Nội…
Thiết lập 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa
Nói về Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Chính phủ điện tử, Bộ Y tế đang triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025. Hiện tại 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa đang được thiết lập để đáp ứng mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương.
Hình ảnh một buổi hội chẩn từ xa đối với các ca bệnh nặng tại Đà Nẵng, Quảng Nam trong đợt dịch vừa qua. |
Trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế đã áp dụng giải pháp công nghệ thông tin triển khai hoạt động tư vấn điều trị từ xa rất hiệu quả. Ban Chỉ đạo Quốc gia đã thành lập “Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID-19”. Trung tâm thường xuyên tổ chức hội chẩn trực tuyến, mời các giáo sư đầu ngành cả nước cùng hội chẩn các ca bệnh nặng, bàn các phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh, cùng chia sẻ kinh nghiệm điều trị, chăm sóc người bệnh.
“Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp tập hợp đội ngũ chuyên gia đầu ngành và các bệnh viện xích lại gần nhau hơn, gần tới mức gần như không có khoảng cách giữa trong Nam, ngoài Bắc, giữa tuyến trên, tuyến dưới”, TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Trung tâm quản lý, điều hành được thành lập đã đánh dấu sự phát triển của hệ thống khám, chữa bệnh trong xu hướng hội nhập, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong điều trị bệnh tật, đặc biệt với bệnh dịch nguy hiểm COVID-19. Qua dịch COVID-19 càng khẳng định hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai hoạt động tư vấn điều trị từ xa mà bệnh nhân phi công người Anh-bệnh nhân 91 là một ví dụ điển hình.
Các chuyên gia đầu ngành đã thường xuyên tổ chức hội chẩn trực tuyến, tìm ra các giải pháp tốt nhất điều trị người bệnh. Nhờ đó, nam phi công đã có những hồi phục kỳ diệu, từ chỗ phổi gần như hoàn toàn đông đặc, chỉ 10% hoạt động được, đến nay bệnh nhân có thể hít thở khí trời, phổi có thể nở ra 85%, đã hoàn toàn khỏi bệnh và trở về nước.
Những nỗ lực của đội ngũ chuyên gia và các cán bộ y tế của các tuyến đã giúp giai đoạn 1 chúng ta không ghi nhận trường hợp nào tử vong. Toàn ngành bước vào giai đoạn 2 đã phát huy những kết quả và kinh nghiệm của giai đoạn I. Đến nay dịch bệnh tại Đà Nẵng, Hải Dương đã cơ bản được kiểm soát.
“Trung tâm quản lý và điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID-19 là minh chứng cho thành công tư vấn khám chữa bệnh từ xa, và là mô hình đầu tiên để từ đó nhân rộng ra cả nước”, TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025 đề ra mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.