Hoành Sơn quan 'kêu cứu': Cần sự hợp tác, đặt quyền lợi của di sản lên trên hết

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Dãi dầu mưa nắng ngót 200 năm mà không được trùng tu, bảo vệ, Hoành Sơn quan đang ngày càng xuống cấp, có nguy cơ trở thành phế tích do “nhập nhằng” trong phân định địa giới hành chính và trách nhiệm quản lý.
Hoành Sơn quan bị xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: baoquangbinh.vn
Hoành Sơn quan bị xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: baoquangbinh.vn

Trên đỉnh Đèo Ngang, nơi phân định ranh giới giữa 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh đã tồn tại Hoành Sơn quan cổ kính. Công trình ngày càng xuống cấp, chưa được quan tâm bảo vệ, trùng tu tương xứng với vai trò, giá trị lịch sử đặc biệt, khiến ai cũng không khỏi chạnh lòng, nuối tiếc.

Công trình bị xâm hại, xuống cấp

Dãy Hoành Sơn bắt đầu từ dãy Giăng Màn, hay còn gọi là Khai Trường Sơn, ở xã Dân Hóa (Minh Hóa) chạy từ Tây sang Đông, có những đồi núi cao trùng trùng điệp điệp, ngang đến giáp biển, trông như bức tường thành, là chỗ hiểm yếu giữa hai miền Nam - Bắc.

Đầu năm Gia Long (1802), nhà Nguyễn khi đặt dinh Quảng Bình đã lấy núi này làm giới hạn. Nửa núi phía Bắc thuộc tỉnh Hà Tĩnh, nửa núi phía Nam thuộc tỉnh Quảng Bình.

Năm (1833), vua Minh Mạng đã cho thiết lập cửa ải ở núi Hoành Sơn. “Cửa ải ở trên đỉnh núi, chung quanh xây tường bằng đá núi, dài 11 trượng 8 thước, cao 5 thước, đằng trước mở 1 cửa, bên tả, bên hữu có tường ngăn, xây theo thế núi; bên tả dài 36 trượng, bên hữu dài 39 trượng; có chỗ cao 3,4 thước, có chỗ cao 5,6 thước”.

Việc xây dựng Hoành Sơn quan thuộc địa phận xã Quảng Đông (Quảng Trạch) nhằm kiểm soát dân chúng, phòng kẻ gian qua lại, mà người địa phương quen gọi là Cổng Trời. Khách bộ hành trên đường thiên lý Bắc - Nam đều phải đi qua cổng này.

Sử sách ghi lại, đèo Ngang được khai phá, đắp đá thành đường nối liền 2 bên chân núi Hoành Sơn. Từ hướng Hà Tĩnh đi lên, có 1.000 bậc thang bằng đá lên xuống, xưa kia được quan quân nhà Nguyễn xẻ núi tạo thành, lên đỉnh sẽ thấy Cổng Trời. Cổng có cửa cao 4m, hai bên có tường thành chạy dài, trên cổng là biển ngạch đá xứ Thanh đề 3 chữ Hán đại tự “Hoành Sơn quan”. Kiến trúc thành lũy với vẻ trầm mặc, cổ kính, là chứng tích hùng hồn về những năm tháng thăng trầm của lịch sử dân tộc.

Được đánh giá là công trình có vị trí và giá trị đặc biệt quan trọng cả về phương diện địa lý lẫn lịch sử, nhưng Hoành Sơn quan đang bị lãng quên, xâm hại, xuống cấp nghiêm trọng. Theo ghi nhận, cả hệ thống công trình Hoành Sơn quan chỉ còn cổng và đoạn tường thành rêu phong. Ngoài ra, phía trong cổng chi chít những hình vẽ, chữ viết, chữ ký được tẩy xóa, trông nhem nhuốc, cộng với nạn bôi bẩn khiến diện mạo công trình bị xâm hại nghiêm trọng.

Đáng nói, ngay sát công trình, khoảng 7 năm trước, người dân còn tự ý xây 1 cái miếu lớn, nhưng đã bị các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình phát hiện, đập bỏ. Hiện nay còn sót lại phần móng, 1 cái am thờ, thi thoảng có đoàn người đến thắp hương, khấn vái. Do không được tu bổ, bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa nên cây cối mọc um tùm, hoang phế, nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp, có nguy cơ trở thành phế tích.

Địa giới hành chính không rõ ràng

Dù chỉ là một công trình kiến trúc nhưng Hoành Sơn quan được Ủy ban nhân dân cả hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa. Tháng 8/2002, UBND tỉnh Quảng Bình đã xếp hạng Hoành Sơn quan là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đến tháng 3/2005, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng xếp hạng công trình này là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Sau đó cả 2 tỉnh đều đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Hoành Sơn quan là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia nhưng đều không được chấp nhận, bởi lý do tranh chấp.

Năm 2002, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh đã tổ chức cuộc họp nhằm giải quyết vụ tranh chấp Hoành Sơn quan. Tuy nhiên, Hà Tĩnh lại đưa ra bản đồ địa chính mới khẳng định di tích thuộc về tỉnh này, còn Quảng Bình cương quyết không đồng ý với lý do công trình được sử sách ghi nhận thuộc tỉnh Quảng Bình quản lý. Dù Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gợi ý 2 tỉnh cùng làm chung hồ sơ nhưng 2 địa phương không chấp thuận.

Từ đó đến nay, Hoành Sơn quan vô tình bị chia làm hai, phía Bắc thì Hà Tĩnh, phía Nam thì Quảng Bình quản lý; nên công tác bảo vệ, trùng tu công trình gặp nhiều khó khăn. Việc xảy ra tranh chấp Hoành Sơn quan giữa 2 tỉnh diễn ra dai dẳng trong hàng chục năm qua. Nguyên nhân là do trong quá trình trắc địa, đo đạc, cơ quan chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã vận dụng, phân chia một cách máy móc theo đường phân thủy mà không nghiên cứu trên góc độ không gian văn hóa, lịch sử, không tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, dẫn đến việc phân chia địa giới hành chính hiện tại, công trình này nằm bên mái núi tỉnh Hà Tĩnh. Trong khi đó, các thư tịch cổ và hầu hết nhà nghiên cứu đều cho rằng trong lịch sử Hoành Sơn quan thuộc sự quản lý của tỉnh Quảng Bình. Đặc biệt là trong các bộ quốc sử triều Nguyễn như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh địa dư chí… đều minh định điều đó.

Dùng dằng làm tổn thương di tích

Ông Mai Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể Thao tỉnh Quảng Bình cho rằng: việc Hoành Sơn quan xảy ra tranh chấp dai dẳng trong hàng chục năm qua giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình chỉ dưới 2 góc độ. Thứ nhất, về địa giới hành chính ngày nay nằm bên mái núi Hà Tĩnh tính theo đường phân thủy, nhưng về tính lịch sử và công tác bảo vệ di tích thì chắc chắn thuộc về Quảng Bình, điều đó không thể bàn cãi.

Theo quan điểm của Tiến sĩ sử học Nguyễn Khắc Thái, đến nay, Hoành Sơn quan vẫn chưa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa là một thiếu sót của các cơ quan quản lý văn hóa. Việc dùng dằng rồi “bỏ rơi” một di tích đặc biệt, đánh dấu sự phát triển của một giai đoạn của đất nước như vậy vô tình tạo ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng làm tổn thương di tích. Thứ nhất, do không được quan tâm, bảo vệ, trùng tu nên công trình đang có dấu hiệu hoang phế và xuống cấp. Thứ hai, đang có tình trạng công trình bị xâm hại bởi một vài công trình do người dân tự phát xây dựng, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến khu vực bảo vệ cũng như không gian, cảnh quan của công trình. Thứ ba, vị trí công trình rất đặc biệt, không chỉ có giá trị về mặt lịch sử - văn hóa gắn liền với hành trình phát triển dân tộc từ hàng trăm năm nay, mà cảnh quan nơi đây xứng đáng là danh thắng đẹp. Nên nếu làm tốt, biết quan tâm đầu tư, đây sẽ là một điểm đến tiềm năng để khai thác du lịch.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thái, ranh giới quốc gia mới vĩnh viễn, còn địa giới giữa các tỉnh có thể điều chỉnh phù hợp. Việc cần làm là sớm có chủ quản quản lý để di tích sớm được xếp hạng, bảo tồn và phát huy tác dụng.

Hợp tác - đặt quyền lợi của di sản lên trên hết

Ông Bùi Xuân Thập, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đến giờ này vẫn chưa có sự thống nhất giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh là một việc đáng tiếc, làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn, trùng tu, khai thác di tích. Di tích đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, vì vậy, hơn lúc nào hết, hai tỉnh cần có sự bàn bạc, thống nhất, có chung quyết định trong việc bảo tồn, trùng tu để gìn giữ giá trị di tích cho muôn đời sau.

Qua bao năm tháng dãi dầu, chính sự nhập nhằng trong việc phân chia địa giới khiến cho Hoành Sơn quan rơi vào cảnh “cha chung không ai khóc”, công trình đang xuống cấp và nguy cơ trở thành phế tích. Cũng bởi lý do trên mà công trình uy nghi, cổ kính này đến nay vẫn chưa được một lần nào được tu bổ, tôn tạo, khiến công tác bảo vệ, phát huy các giá trị của di tích gặp không ít khó khăn.

Bởi vậy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh cần khẩn trương tham mưu cho Ủy ban nhân dân 2 tỉnh bàn thảo, báo cáo, đề xuất Chính phủ phương án giải quyết một cách rõ ràng, phân định rõ trách nhiệm quản lý cho một tỉnh dựa trên cơ sở địa lý, văn hóa, lịch sử và sự tham vấn ý kiến của các nhà khoa học. Từ đó sớm xếp hạng di tích để có kế hoạch bảo vệ, trùng tu, tôn tạo nhằm phát huy giá trị di tích.

Đối với trường hợp này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho ràng 2 tỉnh cùng làm chung hồ sơ xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia bởi lẽ dù nằm trên 2 địa phương nhưng di tích chỉ có 1. Đây không phải là trường hợp đầu tiên phải làm chung hồ sơ. Trước đó là trường hợp của Hải Vân quan - nằm giữa vùng giáp ranh hai tỉnh, thành phố Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng; cũng từng rơi vào trường hợp tranh chấp kéo dài khiến di tích được mệnh danh là “Đệ nhất hùng quan” rơi vào tình trạng bị bỏ hoang phế nhiều năm, hư hỏng nặng. Thật may mắn là chính quyền Thừa Thiên – Huế và Đà Nẵng đã cùng hợp tác, thực sự đặt quyền lợi của di sản cần được trùng tu, bảo tồn lên trên hết.

Kết quả là ngày 14/4/2017 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1531/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Hải Vân quan là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Điều đặc biệt, đây là di tích quốc gia đầu tiên của cả nước nằm trên địa phận của hai địa phương huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và quận Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng).

Vào tháng 12/2021, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng khởi công Dự án Bảo tồn tu bổ và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan. Tổng mức đầu tư dự án hơn 42 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố Đà Nẵng 50% và ngân sách của tỉnh Thừa Thiên Huế 50%; thực hiện trong trong vòng 2 năm. Đây là Dự án quan trọng đánh dấu sự hợp tác giữa 2 địa phương trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Sau hơn 1 năm triển khai, nhiều hạng mục quan trọng đã hoàn thành, đảm bảo yêu cầu về chất lượng, thẩm mỹ cũng như tiến độ.

Mới đây, ngày 10/6, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng cho biết ngành chức năng 2 địa phương đang nỗ lực hết sức để hoàn thành việc trùng tu Hải Vân Quan, đưa vào đón khách tham quan trong năm 2023. Đến nay, các hạng mục quan trọng như Hải Vân Quan, nhà trú sở, nhà vũ khố, các vị trí pháo đài, tường đá, lối đi...đã cơ bản hoàn thành.

Do đó, với trường hợp của Hoành Sơn quan, thiết nghĩ 2 địa phương Hà Tĩnh, Quảng Bình cũng nên có cách nhìn thoáng hơn để di tích này sớm thoát khỏi tình trạng bị xâm hại, xuống cấp nghiêm trọng thay vì cứ tiếp diễn tranh chấp về địa giới hành chính...

Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?