Theo Ths, BS Lỗ Văn Tùng, Phó Trưởng Khoa Vệ sinh và Sức khỏe trường học (Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường) thì cận thị, cong vẹo cột sống và các bệnh răng miệng đang là ba căn bệnh học đường đáng lo ngại nhất hiện nay. Việc cận thị sẽ làm giảm khả năng học tập, hạn chế các hoạt động, dễ bị tai nạn thương tích cho trẻ và tốn chi phí kinh tế của mỗi gia đình.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng cận thị gia tăng ở các khu đô thị lớn chủ yếu là do các em đọc và ngồi học sai quy cách, xem các thiết bị điện tử quá nhiều ở khoảng cách gần, môi trường học tập không đủ ánh sáng, đồng thời học sinh ở thành phố thường ngủ muộn và ít vận động. Bên cạnh đó, hai yếu tố dẫn đến sự xuất hiện và gia tăng cận thị đó là di truyền và môi trường.
Học sinh cận thị ngày càng tăng |
Về yếu tố môi trường, trẻ em nông thôn hoạt động ngoài trời trong sinh hoạt giải trí chiếm nhiều hơn, như đá bóng, nhảy dây, kéo co, thời gian xem ti vi ít, do đó trẻ thường nhìn tầm xa, mắt được điều tiết tốt. Ngược lại, trẻ thành thị ít có môi trường sống rộng thoáng, nhà cửa chật hẹp, đường phố đông đúc, mật độ xe cộ lưu thông dày đặc. Nhiều trẻ học từ sáng đến tối, trong khi hoạt động giải trí thường là xem ti vi, sử dụng thiết bị máy tính, điện thoại để chơi game, lướt web... Do vậy, mắt quen điều tiết với cự ly gần và trở nên cận thị sớm.
Bác sĩ Nguyễn Thái Hương, Bệnh viện Mắt T.Ư cho biết trong số các bệnh nhân đến điều trị có rất nhiều trẻ dù mới ba, bốn tuổi nhưng đã bị các tật khúc xạ chỉ vì lý do xem ti vi, sử dụng thiết bị điện tử, máy tính quá nhiều.
Theo BS Hương, cận thị được chia thành hai loại: cận thị khúc xạ và cận thị trục. Cận thị khúc xạ là do lực khúc xạ của mắt quá lớn trong khi chiều dài trục nhãn cầu bình thường. Khi ấy phải nhìn gần với cường độ lớn và trong một thời gian dài, thủy tinh thể bị phồng lên làm tăng độ hội tụ của mắt. Học sinh đa số bị cận thị loại này còn cận thị trục thường do di truyền. Tuy nhiên trẻ em thường không tự biết mình bị cận thị nên giáo viên và phụ huynh cần theo sát để chủ động phát hiện dấu hiệu nghi ngờ của trẻ như nheo mắt khi nhìn bảng, đọc - viết chậm và thường than nhức đầu, nhức mắt...
Để ngăn chặn việc giảm thị lực đối với học sinh đã bị cận cũng như hạn chế tỷ lệ cận thị mới, các chuyên gia y tế khuyên các trường cần lắp đặt bảng chống lóa, đèn điện phòng học đúng chuẩn. Ngoài ra, để phòng tránh cận thị, trẻ em cần có thời gian vui chơi giải trí ngoài trời chứ không chỉ tập trung toàn bộ vào việc học, đặc biệt nên hạn chế thời gian xem ti vi, sử dụng máy tính, thiết bị điện tử. Bên cạnh đó, trẻ cần giữ đúng tư thế ngồi học. Ngồi thẳng lưng, đầu cúi 10-15 độ. Khoảng cách mắt đến bàn học 25 cm với học sinh tiểu học, 30 cm với học sinh THCS, 35 cm cho học sinh THPT.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Mẹo nhỏ giúp trẻ phát triển kỹ năng đọc lưu loát