Truyền thống đẹp của cư dân nông nghiệp
Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính, rất khó xác định thời điểm chính xác của việc tổ chức hội làng vào các tháng đầu năm diễn ra từ bao giờ. Tuy nhiên có thể thấy rằng các lễ hội này đều đã có từ rất xa xưa, gắn với chu kỳ sản xuất nông nghiệp.
Cụ thể ba tháng đầu năm tính theo Âm lịch là thời kỳ nông nhàn của cả cư dân đồng chiêm và đồng mùa. Hội làng được mở ra lúc này trở thành lý do để người dân đi du xuân, cầu cúng, giao lưu, vui chơi sau một chu kỳ lao động vất vả, cũng như đánh dấu một chu kỳ sản xuất mới.
Cần làm rõ cách hiểu mùa xuân là mùa lễ lạt, lễ hội của người Việt. Trước hết, hoạt động cầu cúng là hoạt động diễn ra thường xuyên trong năm của các tầng lớp dân cư xã hội từ xưa đến nay. Đặc biệt với nữ giới, do sự phân biệt nam nữ xưa kia, giới này bị cấm đặt chân vào khu vực đình, nên họ thường hay lui tới các ngôi chùa để cầu bình an cho gia đình, tới các đền Mẫu để cầu tài lộc, buôn may bán đắt. Trong khi đó, nam giới thường ít đến chùa hơn, thường cầu công danh sự nghiệp, thăng quan tiến chức tại các đình, đền. Đây là một phần bức tranh tôn giáo, tín ngưỡng xưa kia của người Việt.
|
Người xưa không có khái niệm lễ hội, đây là khái niệm mới xuất hiện khoảng 4 thập kỷ trở lại đây. Ngày xưa, các cụ không dùng từ lễ hội mà chỉ gọi là “hội”, “đi du hội” với Hội Gióng, Hội Đền Hùng, Hội Lim... Cũng không phải năm nào các làng quê cũng mở hội bởi mỗi kỳ hội như vậy rất tốn kém. Chỉ những năm “phong đăng hòa cốc” (mùa màng tươi tốt), hoặc theo lệ từ 3-7 năm một lần, các làng mới mở hội.
Trong hội có các hoạt động như tế lễ, đám rước, trò diễn, đặc biệt các làng sẽ mời gánh hát về cho dân làng xem. Những năm mở hội chỉn chu, công phu là vậy, còn những năm thường người làng chỉ thực hiện tế lễ, hay còn gọi là “hội lệ”. Người dân đi dự không chỉ tham gia vào các hoạt động của hội mà luôn có sự cầu xin, dâng cúng với nguyện vọng được thần linh che chở, phù hộ suốt các tháng trong năm. Các hội phần lớn được tổ chức ở đình, nơi thờ thành hoàng làng, nhưng cũng có hội tổ chức tại không gian như chùa, đền. Từ đây, tùy cơ sở tín ngưỡng và vị thần chủ mà người đến với hội có sự cầu xin phù hợp.
Hỗn loạn do “tháo khoán” hội làng
Về khía cạnh truyền thống mở hội làng được lưu truyền cho đến hiện tại, cần lưu ý từng có một thời gian dài trong và sau chiến tranh các hội không được tổ chức, dẫn đến việc sinh hoạt làng xã này bị đứt đoạn, mai một. Về sau, khi hội làng được khôi phục bởi những người kế tục sinh sau đẻ muộn, sự thiếu hiểu biết về các giá trị trong mỗi lễ thức đã dẫn đến tình trạng tổ chức tràn lan ở một số làng, khiến không ít hội làng trở thành “nỗi ám ảnh kinh hoàng” cho người dân và du khách.
“Trước đây, thành phần tham gia hội chỉ có người dân trong làng, các trò diễn trở thành những cuộc đua tài của trai đinh các giáp. Trai làng không phải ai cũng được lựa chọn mà chỉ những người không vướng tang trở, không có “tì vết| bất hảo... Hiện nay hầu hết các hội làng đều đã tháo khoán cho người bên ngoài tham gia, khiến nhiều hội diễn ra tình trạng tranh cướp hỗn loạn như ở Hội phết Hiền Quan (Phú Thọ), Hội Giằng bông Sơn Đồng (Hoài Đức)...”, PGS.TS Bùi Xuân Đính nhận xét.
Ảnh minh họa |
Sự lựa chọn ngặt nghèo trên đến từ việc các trò diễn trong hội làng là hoạt động tái hiện sự tích, thể hiện sự tôn kính của người dân với thần linh, dù không phải hội làng nào cũng có yếu tố trò diễn. Vì vậy các làng phải chọn lọc những người có tư cách tốt, không tang trở, khỏe mạnh và phải hiểu đây là những trò diễn chứ không phải trò chơi.
Còn trò chơi thường là những trò như bắt vịt, bịt mắt bắt dê, và các trò nấu cơm thi, cờ tướng… Có những nơi trò diễn hòa vào các trò chơi, có khi tách rời như một yếu tố quan trọng làm nên tính linh thiêng, lệ tục của một hội làng.
Lý giải về hiện tượng tranh cướp tại các lễ hội, PGS.TS Bùi Xuân Đính cho biết do chịu tác động của sự biến đổi xã hội, từ xã hội nông nghiệp sang xã hội chịu chi phối mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, con người ngày nay đầy tham vọng, những tham vọng này được gửi gắm vào những trò diễn, trò chơi tại các hội đầu năm mới.
Hiểu đúng về yếu tố phồn thực
Chia sẻ về sự hiểu sai các yếu tố trong lễ hội, PGS.TS Bùi Xuân Đính cho biết sai lệch nhiều nhất chính là yếu tố phồn thực, bởi những yếu tố này có thể tạo ra sự giật gân, ly kỳ, câu khách. Cụ thể, yếu tố phồn thực xuất hiện trong các hội lệ thể hiện ước vọng lớn lao của con người về nhân lực được sinh sôi, mùa màng nảy nở, bội thu, đó là những khát vọng vĩnh hằng của cư dân tiền công nghiệp.
Những khát vọng này trên bình diện tâm linh được thể hiện bằng việc cầu cho âm dương hòa hợp, cụ thể bằng việc thờ sinh thực khí trong hội làng xưa kia, thể hiện bằng nhiều lễ thức, điển hình như hành động thực hiện động tác tính giao nam nữ tượng trưng như tại hội Trò Trám (Phú Thọ) hay hành động bắt chạch trong chum vào thời điểm “thiêng” của hội, khi người con trai cởi trần lưng đưa tay quang qua vai cô gái mặc yếm, rồi đưa tay vào cái chum, cùng đôi bàn tay cô gái mò bắt con chạch thả trong đó.
|
PGS.TS Bùi Xuân Đính nhấn mạnh: “Cần hiểu phồn thực chỉ mang yếu tố tượng trưng, không diễn tả thực. Ngay cả hội Trò Trám, một trong những hội được đánh giá có yếu tố mạnh bạo trong điều kiện xã hội phong kiến xưa kia, thì trên thực tế các cụ cũng chỉ làm tượng trưng chứ không phải là diễn tả thực. Nhưng một số người không nghiên cứu cẩn thận, tung hô, phóng đại khiến những yếu tố phồn thực này trở thành yếu tố giật gân để thu hút công chúng. Đó là một thái độ không đúng đắn”. Theo đó, cần nhận thấy rằng trong các lễ tiết, mọi hành vi thể hiện tính giao chỉ mang tính tượng trưng, không phải “diễn thực”, nhất là trước thần linh và đám đông. Việc hiểu sai lệch ý nghĩa các hoạt động thực hành tín ngưỡng này theo PGS.TS Bùi Xuân Đính đã xảy ra trong một thời gian dài, từ khi các nhà nghiên cứu người Pháp bắt đầu nghiên cứu đời sống làng xã ở Việt Nam. Trong đó, họ thường chỉ chú trọng đến các hiện tượng “lạ lùng” khi quan sát, ghi chép về hội làng quê.
“Một số nhà nghiên cứu của ta sau này sử dụng không chọn lọc, thậm chí phóng đại lên, nên một số hội bị mang tiếng oan. Điển hình là hội làng La Cả ở Hà Đông mà tôi phải mất nhiều công để chứng minh từ cụ Phan Kế Bính đến các nhà nghiên cứu sau này như Toan Ánh, Nguyễn Vinh Phúc… đều bị sai”, PGS.TS Bùi Xuân Đính cho biết.
PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học) là chuyên gia nghiên cứu sâu về làng xã Bắc Bộ, người tiếp nối các các tên tuổi lớn nghiên cứu về lĩnh vực này như PGS. Nguyễn Từ Chi, GS. Phan Đại Doãn. Đến nay, ông đã xuất bản hàng chục đầu sách và nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử làng xã.