Hơn 12,7 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng

(Ngày Nay) - Chín tháng năm qua, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 12,7 triệu lượt, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước; trong đó Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất.
Du khách nước ngoài tham quan buôn du lịch cộng đồng Ako Dhông (phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: Hoài Thu/TTXVN.
Du khách nước ngoài tham quan buôn du lịch cộng đồng Ako Dhông (phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: Hoài Thu/TTXVN.

Theo Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam đã đón gần 1,3 triệu lượt khách quốc tế trong tháng Chín vừa qua.

Lũy kế trong 9 tháng năm nay, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 12,7 triệu lượt, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo thống kê của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng qua với 3,3 triệu lượt (chiếm 26,5%). Thứ hai là Trung Quốc, đạt 2,7 triệu lượt (chiếm 21,3%). Riêng hai thị trường này đóng góp 47,8% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam.

Tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc) với 954.000 lượt, Hoa Kỳ (579.000 lượt), Nhật Bản (529.000 lượt), Malaysia (357.000 lượt). Trong tốp 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam còn có Australia, Ấn Độ, Campuchia và Thái Lan.

Trong 9 tháng qua, các quốc gia lớn ở khu vực Đông Bắc Á là động lực chính cho sự tăng trưởng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc tăng 141,4% so với cùng kỳ năm ngoái, Hàn Quốc (tăng 30,3%), Nhật Bản (tăng 27,6%), Đài Loan (Trung Quốc) tăng 65,8%.

Lượng khách đến từ một số quốc gia có mức tăng trưởng tốt như Indonesia tăng 91,9%, Philippines tăng 59,5%, Ấn Độ tăng 27%, tiếp đến là Lào, Campuchia, Malaysia, Singapore. Riêng lượng khách Thái Lan giảm 14,3%.

Đáng chú ý, các thị trường ở châu Âu đều tăng trưởng sôi động, trong đó có các thị trường Vương quốc Anh (tăng 19,9%), Pháp (tăng 28,1%), Đức (tăng 23,3%). Bên cạnh đó là Italy (tăng 55,1%), Tây Ban Nha (tăng24,8%), Nga (tăng 80,5%), Đan Mạch (tăng22,1%), Na Uy (tăng15,7%), Thụy Điển (tăng 22,8%). Đây đều là những thị trường được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày, áp dụng từ ngày 15/8/2023.

Khách nhập cảnh bằng đường bộ đạt gần 1,8 triệu lượt người (chiếm 13,8%). Khách di chuyển bằng đường biển đạt gần 165.700 lượt người, chiếm 1,3% và tăng trưởng đến 158,7%.

Do các địa phương ngay từ đầu năm đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, thu hút khách trong nước và quốc tế, doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng năm nay ước đạt 45.600 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá nhìn chung, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng tích cực 9 tháng đầu năm nay, đa số các thị trường phục hồi hoàn toàn, thậm chí một số thị trường còn tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Thời gian qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã triển khai thành công hàng loạt chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài như Australia, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Nga và Hàn Quốc… Đặc biệt, cuối tháng Chín vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện thành công chương trình xúc tiến du lịch-điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ, từ ngày 23-25/9, với chủ đề “Việt Nam-Điểm đến mới của điện ảnh thế giới.”

Chương trình đã giới thiệu, quảng bá điểm đến du lịch, tiềm năng bối cảnh quay phim, thu hút các hãng phim Hollywood đến Việt Nam quay các bộ phim có sức hút lớn, có khả năng tạo hiệu ứng truyền thông quốc tế, thúc đẩy quảng bá và thu hút khách du lịch đến Việt Nam.

Ngành du lịch sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến và tổ chức các sự kiện quan trọng trong những tháng cuối năm 2024. Một số sự kiện đáng chú ý bao gồm Lễ vinh danh các doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam, Liên hoan ẩm thực toàn quốc tại Điện Biên và Hội chợ Du lịch WTM London 2024.

Việt Nam cũng sẽ tham gia Hội chợ CITM 2024 tại Trung Quốc, đồng thời tổ chức Hội nghị hợp tác du lịch Việt Nam-Đài Loan lần thứ 11 và Hội nghị quốc tế về Du lịch nông thôn của UN Tourism tại Quảng Nam.

Bên cạnh đó, ngành du lịch Việt Nam đang tiến hành phổ biến và hướng dẫn công tác điều tra tài nguyên du lịch năm 2024, đồng thời sơ kết và đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng như tình hình thực hiện Luật Du lịch 2017. Các hoạt động này nhằm tiếp tục củng cố nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam trong những năm tới.

Cùng với động lực từ chính sách thị thực thông thoáng, kỳ vọng trong những tháng còn lại năm nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng đột phá, ngành du lịch sẽ hoàn thành mục tiêu năm 2024, Việt Nam đón từ 17-18 triệu lượt khách quốc tế.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.