Người bệnh chi trả không đáng kể
Thuộc chùm ca bệnh 11 người lây nhiễm ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hồi tháng 10 năm ngoái, bà Phạm Song Mai (62 tuổi, Vọng Đức, Hoàn Kiếm) và mẹ ruột (87 tuổi) đã được chuyển đến tiếp nhận điều trị tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương II (Đông Anh). Tại thời điểm phát hiện dương tính, bà đã tiêm một mũi vaccine AstraZeneca.
Bà Mai nhớ lại: “Bản thân tôi khi phát hiện nhiễm COVID-19 thì không có bệnh nền, thời gian điều trị cũng chỉ kéo dài 10 ngày. Nhưng mẹ tôi lại có bệnh liên quan đến túi mật, đâm ra thời gian chữa cả hai bệnh hết tròn một tháng. Tổng chi phí điều trị của hai mẹ con hết hơn 90 triệu đồng.”
Được biết, mọi chi phí liên quan đến việc nằm viện và điều trị COVID-19 của hai mẹ con bà Mai sau đó được bệnh viện tạm ứng toàn bộ. “Chỉ còn phần điều trị, xử lý bệnh nền thì do người bệnh tự thanh toán. Cá nhân tôi thấy chi phí trị mật tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương II tương đối rẻ, các bác sĩ cũng rất tận tình. Trừ đi bảo hiểm của mẹ tôi, thì số tiền cần thanh toán chỉ còn 2 triệu rưỡi”, bà nói.
Chung tình cảnh giống gia đình bà Mai, cuối tháng 8/2021, anh Bùi Quang Quân (45 tuổi, Văn Miếu, Đống Đa) bỗng dưng thấy cơ thể mệt mỏi, họng ngứa rát, ho nhiều. Lo ngại khi xung quanh đang gia tăng nhiều ca lây nhiễm, anh chủ động tự test nhanh tại nhà và nhận được kết quả dương tính.
Sau khi thông báo với trạm y tế phường, anh Quân được hướng dẫn tự theo dõi và đến ngày 1/9 thì được yêu cầu chuyển đến Cơ sở cách ly, thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 Đền Lừ III – một bệnh viện dã chiến nằm dưới sự quản lý và điều hành của Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.
“Vào khu cách ly tinh thần tôi thoải mái vì không có biểu hiện tăng nặng. Ban đầu tôi được bác sĩ phát thuốc kháng sinh điều trị ho, cứ uống thế liên tục trong 10 ngày”, anh Quân cho biết. Sau thời gian điều trị tích cực, anh Quân được chỉ định test lại để kiểm tra lượng virus trong cơ thể. Phát hiện virus vẫn ở mức cao, bệnh viện tiếp tục phát cho anh 5 ngày thuốc Molnupiravir để điều trị.
“Tôi tra trên mạng thì thuốc này có giá 700 USD một hộp. Cho đến khi ra viện, tôi không nhận được hóa đơn hay yêu cầu chi trả bất cứ khoản phí nào, nhưng theo nhẩm tính, số tiền ăn uống, điều trị trong gần 20 ngày của mình phải từ 30–40 triệu. Nhìn rộng ra, Việt Nam còn hàng trăm ngàn ca bệnh nặng nhẹ khác, COVID-19 đúng là một gánh nặng quá lớn cho nhà nước”, anh Quân nhận định.
Với bà Mai, sau khi khỏi COVID-19, bà tình nguyện xin ở lại viện để chăm sóc mẹ mình. Cũng trong thời gian này bà chứng kiến số ca lây nhiễm COVID-19 tại Hà Nội diễn biến ngày càng phức tạp. Hàng ngày, số bệnh nhân nhập viện vì dịch tăng cao không ngừng khiến lực lượng tuyến đầu bị quá tải.
“Các ca bệnh được phát hiện tăng ồ ạt. Nhiều trường hợp y bác sĩ sắp chuẩn bị về nhà rồi, thì có quyết định phong tỏa bệnh viện, họ phải ở lại trong đó rất lâu, có trường hợp tôi biết đến tận 6 tháng trời, rất thương, rất vất vả”, bà Mai bày tỏ.
Hà Nội yêu cầu Bộ Y Tế hướng dẫn thanh toán
Từ thời điểm cuối năm 2021 cho đến hiện tại, thời tiết khắc nghiệt, lễ tết cộng thêm tâm lý chủ quan dẫn đến số ca mắc tại Hà Nội tăng cao, có thời điểm lên tới 600.500 ca đang điều trị. Dù số ca theo dõi tại nhà thường chiếm từ 98-99% tổng số F0 của Thủ đô, vẫn có một lượng lớn lên đến hơn 4.000 ca thường trực nằm điều trị tại các bệnh viện tầng 2, 3 trong hệ thống phân tầng điều trị bệnh nhân COVID-19 của thành phố.
Số lượng bệnh nhân nói trên, không chỉ gia tăng áp lực lên cơ sở vật chất, nguồn nhân lực của bệnh viện, mà kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, hầu hết các bệnh viện lớn tại Hà Nội đã không còn tiếp nhận lượng bệnh nhân đông đảo đến khám như cùng kỳ các năm trước. Thậm chí trong thời gian cao điểm phòng dịch, các bệnh viện phải tạm đóng những dịch vụ khám chữa thông thường, chỉ còn tiếp nhận các ca cấp cứu.
Về phía người dân, sau đợt dịch kéo dài, phần nào xuất hiện tâm lý né tránh bệnh viện để phòng lây nhiễm, tự điều trị tại nhà mà không có chỉ định, theo dõi của bác sĩ. Tình trạng này không những tạo ra ẩn họa cho sức khỏe của chính người bệnh mà về lâu dài, mà việc thiếu vắng bệnh nhân, không có nguồn thu trong các công tác khám chữa khác cũng có thể dẫn đến sự tê liệt, hoạt động rệu rã của hệ thống y tế nói chung.
COVID-19 là nguyên nhân khiến phần lớn người dân "sợ" vào viện. Ảnh: benhvientimhanoi.vn |
Tại Hội nghị thường trực Thành ủy Hà Nội ngày 7/3, ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, một số bệnh viện tại Thủ đô đã tham gia công tác điều trị COVID-19 ngay từ những ngày đầu, thế nhưng 2 năm vừa qua vẫn chưa được thanh toán ngân sách các khoản chi trả đối với việc điều trị COVID-19.
"Điều này gây khó khăn không chỉ cho các bệnh viện điều trị COVID-19 mà khó khăn ngay cả việc điều trị các bệnh thông thường khác, ảnh hưởng tới vấn đề tài chính của các bệnh viện", ông Chử Xuân Dũng nói.
Đứng trước tình hình trên, UBND Thành phố Hà Nội đã kiến nghị Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh COVID-19 tại các bệnh viện công lập và ngoài công lập.
Là một trong những cơ sở y tế được chỉ định điều trị cho các trường hợp nặng hoặc nguy kịch với nguy cơ cao, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang trong năm 2021 đã điều trị cho hơn 2.500 bệnh nhân mắc COVID-19. Theo TS. Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, do đó chi phí điều trị sẽ do ngân sách nhà nước chi trả.
"Dù vẫn chưa nhận được tiền điều trị cho các bệnh nhân COVID-19, nhưng BV Đa khoa Đức Giang vẫn tiếp nhận bệnh nhân như bình thường. Hồ sơ bệnh án của các trường hợp này vẫn được để riêng, chờ thanh toán", ông Thường chia sẻ.
Một bác sĩ hiện đang làm việc tại một bệnh viện thuộc phân loại "tầng 3" điều trị COVID-19 tại Hà Nội cho biết, trong các tháng vừa qua, lương của chị và các đồng nghiệp vẫn được chi trả đầy đủ. Tuy nhiên do dịch bệnh ảnh hưởng đến các dịch vụ khám chữa khác, dẫn tới nguồn thu của bệnh viện không ổn định, các khoản thưởng thường niên cũng vì thế mà bị cắt bỏ.
"Đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu hiện vẫn chưa nhận được trợ cấp điều trị COVID-19. Nhiều đồng nghiệp của tôi tham gia phòng chống dịch tại một vài cơ sở y tế khác kể chỉ nhận được 75% số lương trong hợp đồng do chịu chung khó khăn với bệnh viện", nữ bác sĩ này cho biết.
Tương tự, chị Linh, nhân viên Phòng công tác xã hội - bệnh Viện E cũng cho hay kinh phí của viện trong thời gian đại dịch gặp nhiều khó khăn, hiện nay bệnh viện cũng rất vắng bệnh nhân tới khám chữa bệnh.
Theo khảo sát của phóng viên Ngày Nay tại một số cơ sở y tế lớn trên địa bàn Hà Nội như Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện E, Bệnh viện Ung Bướu, hầu hết đại diện các viện đều từ chối cung cấp thông tin chi tiết về việc nhận hướng dẫn của Bộ Y Tế cũng như tiến độ hoàn tất hồ sơ yêu cầu thanh toán chi phí chữa trị cho bệnh nhân COVID-19.
Từ ngày 27/4 đến nay, các bệnh viện, cơ sở thu dung tại Hà Nội đã tiếp nhận quản lý, điều trị được tổng số 495.130 bệnh nhân; hiện đang điều trị 242.971 người. Bệnh nhân ở tầng 2 tầng 3 có chiều hướng giảm nên những ngày qua, tỷ lệ F0 nhập viện chỉ chiếm 1-1,5%.
Ngày 13/3, Sở Y tế Hà Nội thông tin, 4 bệnh viện: Thanh Nhàn, Đức Giang, Xanh Pôn, Hà Đông là tuyến đầu được giao phụ trách điều trị và phối hợp các bệnh viện tuyến dưới chuyển tầng. Trong đó, Thanh Nhàn đang điều trị gần 350 F0, bao gồm 70% là bệnh nhân nặng, mỗi ngày trung bình tiếp nhận 20 ca; 250 giường ICU tầng 3 và 100 giường ICU tầng 2; Đức Giang đang điều trị hơn 400 bệnh nhân (150 bệnh nhân nặng); Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 Hà Nội điều trị khoảng 170 F0 nặng.
Thiếu hụt ngân sách chi trả
Ngày 31/10/2021, Bộ Y tế đã có Công văn 9262/BHYT-BH về hợp đồng và thanh toán chi phí KCB BHYT tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, Trạm Y tế lưu động, trong đó có hướng dẫn thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Cụ thể, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở điều trị lập hồ sơ khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh có bảo hiểm y tế gửi bệnh viện được giao phụ trách quản lý, điều hành để thực hiện thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh; Tổng hợp và trích chuyển dữ liệu điện tử trong quản lý và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó, chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 và tại Trạm y tế lưu động do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế. Chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị COVID-19 thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các “cơ sở thu dung, điều trị COVID-19" được tổng hợp và thanh toán riêng, được tính là chi phí phát sinh do thay đổi phạm vi hoạt động hoặc do thành lập mới.
COVID-19 đang đặt gánh nặng lớn lên hệ thống y tế của Việt Nam. Ảnh: VTV.vn |
Giải đáp về những vướng mắc trong việc chậm thanh toán chi phí điều trị COVID-19 cho các cơ sở y tế, ông Lê Thành Công - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài Chính (Bộ Y tế) cho biết, Vụ đã gửi công văn về cho các địa phương yêu cầu thu thập thông tin, đánh giá tình hình chung, từ đó có cơ sở tổng hợp làm báo cáo thanh quyết toán chung.
"Trước đó, Vụ Kế hoạch-Tài Chính đã báo cáo với lãnh đạo Bộ Y tế về tình trạng thiếu hụt ngân sách để chi trả phí điều trị COVID-19 cho các hệ thống cơ sở y tế trên cả nước", ông Công nói. "Chúng tôi cũng đang triển khai dự thảo quy định chi tiết các biện pháp thi hành theo nội dung của Nghị quyết 12/2021 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội."
Cụ thể, Nghị quyết 12 quy định việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 (bao gồm cả chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị COVID-19) do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế, đối với bệnh nhân mắc COVID-19 có các bệnh khác thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh này phải thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Bảo hiểm y tế và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trường hợp cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 không bóc tách được chi phí khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 và các bệnh khác để thanh toán theo các nguồn hoặc không thu được các khoản chi phí mà người bệnh phải trả theo quy định do nguyên nhân bất khả kháng thì được ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Chính phủ.