Đừng trách bác sĩ đi xin đồ bảo hộ!

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Chiều 18/7, tôi nhận được tin nhắn từ một số bạn bè về thông tin lan truyền trên mạng xã hội với nội dung một bác sĩ bệnh viện điều trị Covid-19 kêu gọi người dân, các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí để mua đồ bảo hộ (găng tay, khẩu trang và quần áo bảo hộ...).
Nhà báo Nguyễn Tiến Đạt
Nhà báo Nguyễn Tiến Đạt

Sau khi xác minh, thì được biết, đây là lời kêu gọi tự phát nhưng nó rất thực tế và xót xa vì đúng sự thật và hoàn cảnh hiện nay tại cơ sở y tế này đúng là thiếu thốn đủ đường. Bác sĩ, nhân viên y tế trong tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” muốn điều trị cho bệnh nhân nhưng họ không thể an tâm khi bản thân họ làm việc trong môi trường làm việc thiếu thốn, đầy rủi ro mà không có đủ trang bị bảo hộ bảo vệ.

Điều lo lắng của họ không chỉ là sức khoẻ của chính mình mà họ còn người thân trong gia đình, còn những bệnh nhân, đồng nghiệp khác. Nếu họ nhiễm bệnh thì hậu quả không lường. Bởi vậy, các y bác sĩ không còn cách nào khác, phải “xin” mọi người chung tay. Những người bạn của tôi, đọc tin xong, tuy khó tin nhưng họ đã phải chảy nước mắt vì thương các y bác sĩ, họ hứa sẽ bàn nhau xem ủng hộ cho cơ sở này để chung tay chống dịch.

Theo tìm hiểu của tôi, đây không phải là trường hợp bác sĩ làm “cái bang” cá biệt, trước đó một số y bác sĩ các bệnh viện khác trên địa bàn TP.HCM cũng đã lên trang cá nhân, fanpage kêu gọi mọi người quyên góp, hỗ trợ cho họ trang thiết bị để chống dịch bởi thiếu thốn quá mà không biết lấy đâu ra.

Nhờ những “cái bang” này, mà hàng trăm bộ kit xét nghiệm, hàng ngàn bộ quần áo bảo hộ, hàng chục ngàn cái khẩu trang... đã bảo vệ cho hàng ngàn bệnh nhân, nhân viên y tế giảm được rủi ro trong thời gian qua.

Vậy mà, lúc 0 giờ ngày 19/7, tôi được biết, người bác sĩ kia và cả bệnh viện đó bị phê bình, nhắc nhở về chuyện “xin đồ bảo hộ”. Thậm chí, các bệnh viện khác cũng bị “vạ lây” khi không được tuỳ tiện kêu gọi xin xỏ, vận động.

Xin thưa, nếu làm đúng như chỉ đạo thì đồ bảo hộ, trang thiết bị xét nghiệm mà nhiều đơn vị, cơ sở y tế dùng lâu nay “đào đâu ra”. Khi mà kinh phí chống dịch của các đơn vị, các bệnh viện nhiều tháng ngày qua đều tự thanh toán, chi trả.

Vì sao như vậy?. Thời gian qua, nhiều bệnh viện vừa chuyển qua giai đoạn tự thu tự chi, không còn được ngân sách hỗ trợ như trước, chưa được bao lâu, dịch Covid-19 xảy ra, nguồn thu sụt giảm. Bệnh nhân vắng, nguồn thu không đủ chi... Thế nhưng, nhiều cơ sở y tế lại phải gồng gánh thêm công tác chống dịch với bao nhiêu thứ phải chi, từ xe cộ, chi phí tăng ca, trang thiết bị, đồ bảo hộ, ăn uống, xét nghiệm... mỗi tháng lên tới tiền tỷ. Chưa kể xui rủi có ca F0 là đóng cửa hoạt động ít ngày. Họ được giao nhiều việc, nhiệm vụ nhưng... tiền thì gần như chẳng thấy đâu!

Nhiều bệnh viện, cơ sở y tế những ngày qua, chưa kịp mừng vì được tăng cường chi viện từ các đơn vị bạn. “Niềm vui” ngắn chẳng tày gang bởi sự “tăng cường” này chỉ thêm người, thêm việc, thêm bệnh nhân và các cơ sở kiêm thêm trách nhiệm phần lo ăn ở, trang thiết bị, đồ bảo hộ cho đồng nghiệp khác.

Thậm chí nhiều bệnh viện, ngoài cơ sở chính còn phụ trách thêm một số bệnh viện dã chiến khác. Nhận được cái khu nhà, trang thiết bị, đồ đạc nhân sự ăn uống, sinh hoạt... cho nhân viên bệnh viện, đồng nghiệp hỗ trợ, tình nguyện viên lẫn bệnh nhân gần như các bệnh viện lo luôn.

Tôi từng nghe kể, có những cơ sở y tế khi đón nhận F0 về, không có giường nằm, không tìm đâu ra nước uống, cơm ăn. Thậm chí nước rửa vệ sinh không có cho bệnh nhân thế là nhân viên, bác sĩ của bệnh viện phải ăn mắng, ăn chửi.

Với mong muốn công tác chống dịch hiệu quả tôi mong quý vị hãy “vi hành” xem nhân viên y tế phải ăn ở thế nào? Làm một ngày bao nhiêu tiếng đồng hồ trong môi trường đầy rủi ro, nguy hiểm?. Hãy đến những nơi y bác sĩ lâu nay ăn uống không đúng khẩu phần, họ toàn ăn cơm từ thiện thay vì cơm được cung ứng, đến nỗi có những phần cơm, chỉ vài con cá khô. Làm mệt nhưng ăn cơm nguội ngắt, nhiều khi lại là cơm chay... Không có ăn, không có sức thì sao làm việc, sao có sức khoẻ mà đề kháng nếu chẳng may dương tính?. Thật sự lo ngại khi con số lây nhiễm mỗi ngày mỗi tăng, chính một số cơ sở có nhân viên y tế bị lây nhiễm lại đang rơi vào cảnh thiếu bảo hộ.

Chống dịch, không thể thành công nếu bác sĩ, nhân viên y tế không đảm bảo sức khoẻ, không an toàn trong môi trường làm việc. Y bác sĩ chống dịch đã khổ lắm rồi, họ lại phải nhẫn nhịn đi “ăn xin bảo hộ” vì không cam tâm bỏ bệnh nhân. Vì vậy, bằng cách nào, tôi mong mỏi Ngành y tế, cũng như các ban ngành phải tìm ra giải pháp để khắc phục tình hình thiếu thốn này sớm nhất, tránh để kéo dài. Còn khó khăn thì hãy tạo hành lang để người dân chung tay chia sẻ cùng bác sĩ chứ đừng trách cứ, cấm cản!

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.