Quang cảnh buổi họp báo.
Chiều 13/10, Sở TNMT tỉnh Quảng Nam tổ chức buổi Họp báo thông tin nội dung liên quan dự án đầu tư nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại huyện Nam Giang. Bà Lê Thị Bích hạnh – PGĐ Sở TN & MT tỉnh Quảng Nam, Tiến sỹ Huỳnh Ngọc Thạch – thành viên hội đồng thẩm định chủ trì. Nhiều vấn đề được đặt ra liên quan đến khả năng gây ô nhiễm của dự án này khi dời lên thượng nguồn sông Vu Gia
Bà Võ Thị Hạnh – GĐ Cty TNHH Việt Pháp (chủ đầu tư) cho biết hiện tại, nhà máy sử dụng thiết bị theo quy chuẩn EU được nhập tại Trung Quốc, được Thụy Sỹ (đơn vị tài trợ vốn) và Bộ KHCN Việt Nam đã kiểm chứng. Bà Hạnh cam kết nhà máy sẽ sử dụng quy trình sản xuất khép kín, thiết bị tiên tiến hơn, hoàn thiện hơn. Về lượng chất thải rắn thải ra là xỉ (3kg xỉ/ 1 tấn sản phẩm) thì đã có hợp đồng với công ty để xử lý.
Bà Võ Thị Hạnh, chủ đầu tư dự án.
Tiến sỹ Huỳnh Ngọc Thạch – thành viên hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường (ĐTM) - Sở TN & MT Quảng Nam, công nghệ nhà máy ở mức trung bình khá, trang thiết bị nhập từ Trung Quốc, chưa thật là cao. Công nghệ thiết bị cao là của Châu Âu nhưng muốn đạt mức đó thì phải quy mô cả triệu tấn.
Ông Thạch cho rằng căn cứ các quy chuẩn về môi trường thì thời gian qua hoạt động của nhà máy không gây ô nhiễm mà chỉ có ảnh hưởng đến dân cư. Trước đây tỉnh kêu gọi đầu tư nhưng tại thời điểm đó có 1 số quy chuẩn về môi trường chưa được nghiêm chỉnh chấp hành. Xây dựng nhà máy gần dân cư nên tiếng ồn và xe vận chuyển chạy qua gây bụi khiến người dân bức xúc. Hơn nữa, hoạt động của nhà máy thép chủ yếu vào ban đêm gây ảnh hưởng nên khi dời đến điểm xa dân là hợp lý.
Tiến sỹ Huỳnh Ngọc Thạch.
Ông Đinh Phú Tân – GĐ nhà máy thép Việt Pháp cho biết, dự án Nhà máy thép Việt Pháp do Cty TNHH Thép Việt Pháp làm chủ dự án quy mô dự án 17, 3ha. Vị trí đặt nhà máy cách thượng nguồn sông Vu Gia là 5km theo đường chim bay. Công suất nhà máy 180.000 tấn/ năm, nhà máy có 2 sản phẩm phôi thép 100.000 tấn và thép thành phẩm 80.000 tấn/năm. Nhà máy sử dụng nguyên liệu chủ yếu là sắt thép phế liệu đã qua sử dụng được thu gom trong nước và nhập khẩu từ các nước Nhật, Mỹ được các cơ quan hữu quan kiểm định. Dự án đã đầu tư lò nấu thép theo công nghệ lò điện cảm ứng.
Về tiến độ thực hiện dự án, từ khi phê duyệt đến cuối 2016 sẽ thực hiện các thủ tục đầu tư, đến khoảng 2/2017 khởi công san lấp mặt bằng, lắp đặt các hạng mục và nghiệm thu thu thiết bị. Dự kiến sản xuất thử từ tháng 5 - 9/2019, và chính thức vào quý 3/2019.
Theo bà Lê Thi Tuyết Hạnh – Phó GĐ Sở TN & MT Quảng Nam, ngày 28/9/2016 Sở TN & MT đã tổ chức thẩm định Báo cáo ĐTM và mời một số chuyên gia có kinh nghiệm về môi trường thẩm định dự án đầu tư nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại huyện Nam Giang. Ý kiến các thành viên hội đồng thống nhất thông qua nhưng cần chỉnh sửa bổ sung để hoàn thiện về các phương án giải phóng mặt bằng, phương án di dời, khảo sát nguồn nước cấp tại khe suối gần dự án. Sau khi có chủ trương của UBND tỉnh và có thông báo địa điểm thì mới tiến hành họp hội đồng thẩm định và có ý kiến để trình UBND tỉnh.
Ông A Viết Sơn - Phó chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho rằng tất cả lãnh đạo đều đồng ý cho phép chủ trương cho xây dựng nhà máy thép tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ. Ban thường vụ huyện ủy rất hoan nghênh, thu gọi đầu tư hợp lý. UBND huyện đã tiến hành họp dân các hộ bị ảnh hưởng, trong đó ý kiến người dân đề cập đến là công tác bồi thường, bố trí phương án tái định cư, sử dụng đất sản xuất và cũng có một số đặt vấn đề về môi trường. Tuy nhiên, người dân chưa có văn bản nào đề xuất báo cáo về thông tin liên quan đến dự án hay lo ngại về ô nhiễm từ dự án.
Ông Nguyễn Hồng Quang – Chánh VP UBND tỉnh Quảng Nam trả lời báo chí.
Ông Nguyễn Hồng Quang – Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng khi nhà máy hoạt động tại cụm CN Thường Tín (thị xã Điện Bàn), qua 8 lần kiểm tra thông số đều đảm bảo theo các quy định của nhà nước nhưng có ảnh hưởng đến người dân do nhà máy đặt gần, hơn nữa hoạt động của nhà máy vào ban đêm phát sinh tiếng ồn nên ảnh hưởng. Tinh thần Quảng Nam đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng xem xét chứ không phải cố, ráng để làm cho được nếu không đảm bảo yêu cầu môi trường.