Khoảng 2% trẻ có diễn tiến nặng
Theo Bộ Y tế, triệu chứng lâm sàng của bệnh nhi mắc COVID-19 như sau: Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 14 ngày, trung bình là 4 - 5 ngày; có một hay nhiều triệu chứng như: Sốt, mệt mỏi, đau đầu, ho khan, đau họng, nghẹt mũi/sổ mũi, mất vị giác/khứu giác, nôn và tiêu chảy, đau cơ. Tuy nhiên, phần lớn trẻ mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp trên hoặc tiêu hóa (chiếm 55%), trung bình (chiếm 40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%). Trẻ nhũ nhi < 12 tháng tuổi có nguy cơ cao diễn tiến nặng.
Hầu hết trẻ chỉ bị viêm đường hô hấp trên với sốt nhẹ, ho, đau họng, sổ mũi, mệt mỏi; hay viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1-2 tuần. Khoảng 2% trẻ có diễn tiến nặng, thường vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 8 của bệnh. Trong đó, một số trẻ (khoảng 0,7%) cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biến chứng nặng như: Hội chứng nguy kịch hô hấp cấp (ARDS), viêm cơ tim, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng và hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C). Tỷ lệ tử vong ở trẻ rất thấp (< 0,1%), hầu hết tử vong do bệnh nền.
Riêng đối với trẻ sơ sinh mắc COVID-19 thường không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và không đặc hiệu như: Sốt, ho, bú kém, nôn, tiêu chảy, trẻ li bì, khóc yếu, thở nhanh, có cơn ngừng thở, tím tái khi nặng. Xét nghiệm chẩn đoán nhiễm SARS-CoV-2 sớm ở trẻ sơ sinh được thực hiện trong vòng 24 giờ sau sinh và sau khi được kề da ít nhất 90 phút và hoàn thành cữ bú đầu tiên trên ngực mẹ; nếu kết quả xét nghiệm âm tính, thực hiện lại xét nghiệm sau 48-72 giờ.
Phân loại các mức độ bệnh ở trẻ
Cũng tại hướng dẫn này, Bộ Y tế phân loại 5 mức độ bệnh ở trẻ. Cụ thể:
- Trẻ nhiễm không có triệu chứng: Là những trẻ được chẩn đoán xác định nhiễm COVID-19 nhưng không có bất kỳ biểu hiện lâm sàng nào.
- Mức độ nhẹ:
+ Triệu chứng không điển hình: Sốt, đau họng, ho, chảy mũi, tiêu chảy, nôn, đau cơ, ngạt mũi, mất khứu/vị giác, không có triệu chứng của viêm phổi.
+ Nhịp thở bình thường theo tuổi.
+ Không có biểu hiện của thiếu ô xy, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời.
+ Thần kinh: Trẻ tỉnh táo, sinh hoạt bình thường, bú mẹ/ăn/uống bình thường.
+ X-quang phổi bình thường.
“Với trẻ có bệnh nền: Béo phì, bệnh phổi mãn, suy thận mãn, gan mật, dùng corticoid kéo dài, suy giảm miễn dịch, tim bẩm sinh..., cần theo dõi sát vì dễ diễn biến nặng”, Bộ Y tế lưu ý.
- Mức độ trung bình: Có triệu chứng viêm phổi nhưng không có các dấu hiệu của viêm phổi nặng và rất nặng: Thở nhanh: Trẻ < 2 tháng tuổi: ≥ 60 lần/phút; trẻ từ 2-11 tháng: ≥ 50 lần/phút; trẻ từ 1-5 tuổi: ≥ 40 lần/phút. Ngoài ra, SpO2: 94% - 95% khi thở khí trời. Trẻ tỉnh táo, mệt, ăn, bú và uống ít hơn. X-quang phổi có tổn thương dạng mô kẽ, kính mờ (thường 2 đáy phổi).
- Mức độ nặng: Trẻ có triệu chứng viêm phổi nặng, chưa có dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng: Thở nhanh theo tuổi (≥ 1 tuổi) kèm dấu hiệu co rút lồng ngực hoặc thở rên (trẻ < 2 tháng tuổi), phập phồng cánh mũi. Ngoài ra, trẻ khó chịu, quấy khóc, bú, ăn và uống khó; SpO2: 90% đến dưới 94%; X-quang phổi có tổn thương dạng mô kẽ, kính mờ lan tỏa ≥ 50% phổi.
- Mức độ nguy kịch: Suy hô hấp nặng SpO2 < 90% khi thở khí trời, cần đặt nội khí quản thông khí xâm nhập. Ngoài ra, có dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng: Thở bất thường, rối loạn nhịp thở; ý thức giảm, khó đánh thức hoặc hôn mê; trẻ bỏ bú/ăn hoặc không uống được; hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS); huyết áp tụt, sốc, sốc nhiễm trùng, lactat máu > 2 mmol/L; suy đa tạng; cơn bão cytokine (thủ phạm gây biến chứng nặng ở người nhiễm COVID-19).
Những yếu tố nguy cơ khiến trẻ mắc COVID-19 dễ diễn biến nặng, gồm: Trẻ đẻ non, cân nặng thấp; béo phì, thừa cân; đái tháo đường, các bệnh lý gene và rối loạn chuyển hóa; các bệnh lý phổi mạn tính, hen phế quản; ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi...); bệnh thận mạn tính; ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu; bệnh tim mạch (tim bẩm sinh, suy tim, tăng áp phổi, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim, tăng huyết áp); bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần); bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác; các bệnh lý suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải; bệnh gan; trẻ đang điều trị bằng thuốc corticoid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác; các bệnh hệ thống.