WHO khuyến nghị 194 nước thành viên giảm tối đa nồng độ những chất gây ô nhiễm không khí theo mức mà tổ chức này vừa điều chỉnh, trong đó có bụi mịn và NO2 (nitơ dioxide), hai hợp chất sinh ra từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch.
Hướng dẫn của WHO nhấn mạnh ô nhiễm không khí là một trong những mối đe dọa môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người, bên cạnh biến đổi khí hậu. WHO đã đưa ra những bằng chứng rõ ràng về những thiệt hại do ô nhiễm không khí gây ra đối với sức khỏe con người dù mức độ ô nhiễm thậm chí thấp hơn mức đánh giá trước đây.
Do đó, WHO đã điều chỉnh hầu hết các hướng dẫn về mức chất lượng không khí, cảnh báo việc phát thải quá mức mà WHO mới khuyến nghị này sẽ gây ra những rủi ro đáng kể cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, nếu thực hiện nghiêm túc hướng dẫn này, các nước có thể cứu sống hàng triệu người.
WHO cho rằng việc con người sinh sống lâu dài trong điều kiện môi trường bị ô nhiễm, thậm chí ở dưới mức khuyến nghị, cũng có thể mắc bệnh ung thư phổi, tim mạch và đột quỵ, những bệnh ước tính khiến 7 triệu người tử vong sớm mỗi năm. Nguy cơ bệnh tật do ô nhiễm không khí được đánh giá ngang bằng với những rủi ro sức khỏe toàn cầu lớn khác mà chế độ ăn uống không lành mạnh và hút thuốc lá gây ra.
Những người sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình chịu tác động lớn nhất của quá trình đô thị hóa và việc phát triển kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch. WHO cho rằng cần ưu tiên việc giảm tiếp xúc với bụi mịn vì bụi mịn có thể thâm nhập sâu vào phổi và đi vào máu. Bụi mịn chủ yếu được sinh ra từ quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch trong lĩnh vực vận tải, năng lượng, sinh hoạt gia đình, hoạt động công nghiệp và nông nghiệp.
Theo hướng dẫn mới, WHO đã giảm mức giới hạn nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình hằng năm được khuyến nghị từ 10 mcg/m3 xuống 5 mcg/m3. WHO cũng giảm mức giới hạn nồng độ bụi mịn PM10 được khuyến nghị từ 20mcg/m3 xuống 15 mcg/m3. WHO cho rằng nếu mức độ ô nhiễm không khí hiện tại giảm xuống mức được đưa ra trong hướng dẫn mới nói trên, thế giới có thể tránh được 80% trường hợp tử vong liên quan đến bụi mịn PM2.5.
Tiến sĩ Aidan Farrow, một chuyên gia nghiên cứu về ô nhiễm không khí thuộc Đại học Exeter của Anh, cho rằng điều quan trọng là liệu các chính phủ có thực thi các chính sách có tác động mạnh mẽ nhằm giảm phát thải chất gây ô nhiễm, ví dụ như ngừng đầu tư vào các dự án than đá, dầu mỏ và khí đốt, đồng thời ưu tiên các kế hoạch chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch hay không.