Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF vừa công bố một bản cập nhật cho báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO). Trong đó, tổ chức này đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay cho khu vực châu Á mới nổi.
Việc hạ dự báo được IMF lý giải là vì sự gia tăng đột biến các trường hợp nhiễm Covid-19 từ các biến thể mới và thách thức từ việc tiêm chủng chậm có thể làm ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi của khu vực.
Việc hạ dự báo cho khu vực này, cùng với sự điều chỉnh tăng trong dự báo của IMF dành cho các quốc gia tiên tiến, làm nổi bật sự phân hóa giữa khu vực về tốc độ phục hồi sau các cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra.
Trong báo cáo mới công bố, IMF dự báo khu vực châu Á mới nổi sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm nay, giảm 1,1% so với dự báo trước đó được đưa ra vào hồi tháng 4. IMF cũng hạ 0,4 điểm % cho dự báo đối với các nền kinh tế mới nổi trên toàn cầu.
IMF cho biết: "Triển vọng tăng trưởng ở Ấn Độ đã bị hạ thấp sau làn sóng Covid-19 thứ hai nghiêm trọng trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5, và dự kiến, niềm tin sẽ phục hồi chậm lại từ đó".
IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm nay của Ấn Độ 3,0 điểm xuống còn 9,5%. Dự báo cho nhóm ASEAN-5 bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đã giảm 0,6 điểm xuống 4,3%.
Dự báo năm 2021 của Trung Quốc được điều chỉnh giảm 0,3 điểm xuống 8,1% do đầu tư công và hỗ trợ tài khóa chậm lại. Đối với năm 2022, IMF nâng dự báo tăng trưởng của khu vực châu Á mới nổi thêm 0,4 điểm lên 6,4%.
Đông Nam Á đã trở thành điểm nóng Covid-19 với sự xuất hiện của biến thể Delta, buộc các quốc gia phải áp đặt các lệnh cấm đi lại và các biện pháp giãn cách, đang ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng.
Cụ thể trong khu vực Đông Nam Á, dự báo tăng trưởng cho Indonesia hạ 0,4 điểm % xuống còn 3,9%; Malaysia hạ 1,8 điểm % xuống còn 4,7%; Philippines hạ 1,5 điểm % xuống còn 5,4% và Thái Lan hạ 0,5 điểm % xuống còn 2,1%. Trong báo cáo lần này, IMF chưa đề cập đến sự thay đổi cho dự báo tăng trưởng của Việt Nam.