Kể chuyện cũ bằng dòng phim tài liệu mới

Kể chuyện cũ bằng dòng phim tài liệu mới

Trò chuyện với Ngày Nay, đạo diễn trẻ Nguyễn Hà Tiệp chia sẻ, cậu sinh viên ngành Sinh học của hơn 10 năm trước không thể tưởng tượng được bản thân hiện đang sở hữu hàng loạt tựa phim tài liệu lịch sử được giới chuyên môn đánh giá cao.

_______________________

Kể chuyện cũ bằng dòng phim tài liệu mới ảnh 1

Ít ai biết được rằng, Nguyễn Hà Tiệp - người đứng sau các bộ phim tài liệu lịch sử nổi tiếng như “Cánh quân thứ sáu”, “Việt Nam 1972”, “Những người phá băng” hay mới đây là “Hai trái tim chung nhịp đập”, từng gắn bó hơn 4 năm tại các trang trại nhà kính ở Đà Lạt trước khi đặt chân vào địa hạt phim tài liệu.

Khi còn là sinh viên năm thứ hai Đại học Đà Lạt, Hà Tiệp đã là một trong những người đầu tiên xây dựng một kênh YouTube sáng tạo các nội dung lồng ghép hình ảnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam với các đoạn nhạc phim mang hơi hướng hiện đại.

Trong quá khứ, phim tài liệu lịch sử chủ đề quân sự thường được các nhà cầm quyền phương Tây sử dụng như một công cụ tuyên truyền. Người Mỹ gần như đi đầu trong trào lưu này. Do đó, khán giả ra rạp dù có chọn phim hoạt hình, hay phim tình cảm, nhưng sẽ vẫn phải xem các thước phim tuyên truyền với mục đích tuyển quân. Họ tạo ra các đoạn phim thu hút nam giới trẻ gia nhập các quân đoàn viễn chinh để được khám phá những vùng đất mới.

Kể chuyện cũ bằng dòng phim tài liệu mới ảnh 2

Đạo diễn Nguyễn Hà Tiệp

“Là một người yêu thích điện ảnh và âm nhạc, khi xem những đoạn phim quân sự cũ của các nước, tôi tự đặt câu hỏi tại sao mình không thử dùng một vài đoạn nhạc nền để làm mới hình ảnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam?”, Hà Tiệp nhớ lại. “Tôi chỉ đơn giản cho rằng đây sẽ là một món ăn mới, một cách truyền đạt mới để truyền cảm hứng cho giới trẻ”.

Kể từ đoạn video đầu tiên được đăng tải cách đây 14 năm, kênh YouTube hiện giờ của Hà Tiệp đã có hơn 38.000 người đăng ký và 343 video. Xuất phát từ một “thú chơi” nhất thời, Hà Tiệp dần tạo dựng được tên tuổi giới sản xuất nội dung quân sự, trước khi Bắc tiến đầu quân cho một đài truyền hình rồi dần được giao chỉ đạo các dự án phim tài liệu lịch sử lấy chủ đề Chiến tranh Việt Nam.

Nếu có cơ hội xem thử một vài bộ phim của Nguyễn Hà Tiệp, khán giả sẽ nhận thấy không khí nghiêm túc quen thuộc của các dòng phim tài liệu lịch sử. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở việc làm mới bằng cách thêm những hiệu ứng kỹ xảo, mà đạo diễn 35 tuổi này thực sự chú trọng vào khâu kể chuyện và đẩy mạnh mảng nhạc nền - yếu tố định đoạt cảm xúc của người xem.

Khi được hỏi về cảm nhận của khán giả sau buổi công chiếu bộ phim “Hai trái tim chung nhịp đập” tại Cuba, Hà Tiệp cho biết hầu hết mọi người đều cho rằng họ thấy được sự chân thật về tình hữu nghị Việt Nam - Cuba trong từng thước phim.

Kể chuyện cũ bằng dòng phim tài liệu mới ảnh 3

Một khó khăn khi làm phim tài liệu lịch sử đó là ngày càng khó tiếp cận những nhân chứng lịch sử. Hà Tiệp và nhiều nhà làm phim đã nhận ra vấn đề và cố gắng tích lũy tư liệu về các nhân vật.

“Khi làm bộ phim này, chúng tôi hiểu rằng các tư liệu hoàn toàn không có gì mới. Nhưng chính cách kể chuyện mới lạ cùng sự phối trộn hình ảnh và âm nhạc khiến cho nhiều người khi xem xong sẽ có cảm giác như được sống lại bầu không khí vô cùng thân mật giữa hai dân tộc ở hai đầu thế giới cách đây nửa thế kỷ”, Hà Tiệp chia sẻ.

Dù đã làm phim được hơn 10 năm có lẻ, thế nhưng Hà Tiệp vẫn cho rằng do xuất phát điểm không phải “dân chuyên” điện ảnh, nên mỗi khi bắt tay vào một dự án mới, anh thường tiếp cận các đề tài dưới góc nhìn của một khán giả, thay vì một đạo diễn. Anh thừa nhận bản thân vẫn chưa nắm được thị hiếu xem phim tài liệu của khán giả Việt Nam, có thể họ có thị hiếu riêng hoặc chưa có thị hiếu nhất định về dòng phim tài liệu.

“Trong mỗi chủ đề, tôi luôn cố gắng tìm ra những yếu tố hấp dẫn cần đưa vào phim, rồi triển khai theo hướng đó”, Hà Tiệp nói.

Kể chuyện cũ bằng dòng phim tài liệu mới ảnh 4

Nhiều năm bị gắn mắc “khô khan”, “khó xem”, “nặng yếu tố tuyên truyền”, thế nhưng việc ngày càng có nhiều bộ phim tài liệu lịch sử khi ra mắt đã thu hút được sự chú ý của dư luận. Ví dụ như vào giữa tháng 5 năm 2019, bộ phim “Những cánh én đầu tiên” - phim tài liệu lịch sử đầu tiên của Việt Nam được tái dựng bằng công nghệ VFX, đã gây ra cơn sốt phòng vé tại Hà Nội. Hay vào cuối tháng 1 năm 2023, bộ phim tài liệu 4 tập “Đại Hành hoàng đế truyện” đã được lên sóng trên kênh VTV1.

Dẫu cho thu về nhiều lời khen chê khác nhau, thế nhưng việc khán giả, đặc biệt là nhiều bạn trẻ, thảo luận và chia sẻ về các bộ phim tài liệu lịch sử, là dấu hiệu cho thấy dòng phim này vẫn còn dư địa để phát triển và bắt nhịp theo xu hướng trên thế giới. Nhiều khán giả khẳng định họ sẽ vẫn đón nhận phim tài liệu, nếu như những người làm phim biết cách tạo dựng một kịch bản chỉn chu, cách kể một câu chuyện thuyết phục được người xem.

Đồng tình với quan điểm này, đạo diễn Nguyễn Hà Tiệp khẳng định rằng khán giả đến với phim phần lớn là vì đạo diễn. Đó cũng là cách mà những Christopher Nolan, Martin Scoserse, James Cameron lôi kéo được khán giả dành 3 tiếng ra rạp để xem phim của họ.

Kể chuyện cũ bằng dòng phim tài liệu mới ảnh 5

“Trong thời đại số, khán giả trẻ thường sẽ khó tính hơn. Họ muốn biết sản phẩm này của ai và xem cách người kể chuyện trình bày quan điểm của mình”, Hà Tiệp cho biết. “Do đó, các sản phẩm truyền thông của thời đại này luôn cần được định danh cá nhân. Chỉ khi người đạo diễn tạo được dấu ấn cá nhân thì bộ phim mới thực sự có hồn”.

Cũng theo Hà Tiệp, xu hướng làm phim chủ đạo hiện nay đó là “show, don’t tell” (thể hiện bằng hình ảnh thay vì lời nói). Các bộ phim tài liệu khán giả thường xem trên YouTube, Netflix cũng đang di theo phong cách hạn chế tối đa lời bình, để cho nhân vật tự kể lại câu chuyện. Việc viết lời bình sẽ tác động vào tư tưởng của khán giả, không còn khơi dậy sự hứng thú và tạo ra nhịp điệu nhàm chán cho bộ phim. Theo anh, chỉ trong vòng 5 năm nữa, sẽ rất khó để khán giả đón nhận những phim tài liệu mang phong cách cũ, đó là “cầm máy lên đi phỏng vấn nhân chứng, chắp ghép tư liệu rồi đọc lời bình”.

Ngoài cách thức kể chuyện, một thách thức mà các nhà làm phim tài liệu Việt Nam sẽ phải đối mặt trong tương lai đó là vấn đề bản quyền tư liệu hình ảnh, vốn vẫn còn bị bỏ ngỏ ở nước ta.

Hà Tiệp lấy ví dụ, ngân sách của loạt phim tài liệu đình đám “The Vietnam War” lên đến hàng chục triệu đô la phần lớn được dùng để chi trả tiền bản quyền hình ảnh. Tại Việt Nam, nhiều đoạn phim tư liệu được quay ở thời kỳ nền kinh tế bao cấp, khi các dữ liệu do Nhà nước quản lý. Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, các thước phim sẽ do nhiều đơn vị khác nhau quản lý.

Nhưng theo Hà Tiệp, quyền sở hữu các thước phim tư liệu vẫn chưa được để tâm. Thậm chí có không ít thước phim do phía Việt Nam quay nhưng bản quyền lại nằm trong tay người Mỹ. Do đó, đây là “mỏ vàng” lộ thiên cho các nhà làm phim. Thế nhưng khi đưa phim ra bình diện quốc tế hoặc trên các nền tảng số lớn như YouTube hay Netflix, nếu không cẩn thận các nhà làm phim sẽ dễ vướng mắc vào vấn đề tranh chấp bản quyền.

“Cũng bởi vấn đề bản quyền sẽ sớm trở thành vấn đề gây khó dễ trong tương lai gần, nên tôi càng quyết tâm dựng phim theo phong cách mới để tránh bị phụ thuộc vào tư liệu hình”.

Kể chuyện cũ bằng dòng phim tài liệu mới ảnh 6

Sau chuyến công chiếu phim tại Cuba, Hà Tiệp trở về và nhanh chóng bắt tay vào một dự án mới trong năm nay mang tên “Việt Nam 1963”. Quay ngược trở lại thời điểm khi bộ phim “Việt Nam 1972” được nhận giải B Báo chí Toàn quốc, một giám khảo đã hỏi Hà Tiệp: “Phim của các anh năm nay không khác mấy những năm trước nhỉ?”. Chính câu hỏi này đã khiến anh nhận ra rằng mình buộc phải thay đổi cách kể chuyện, nếu không sẽ rơi vào lối mòn.

Kể chuyện cũ bằng dòng phim tài liệu mới ảnh 7

Trong dự án mới “Việt Nam 1963”, Hà Tiệp cho biết anh muốn triển khai cách kể chuyện theo hình thức mới, đó là đặt một bộ phim vào trong bộ phim. Bộ phim sẽ có hai tuyến truyện, một là đi theo mạch ký ức của các nhân vật, tài liệu và lời bình về Hội nghị Trung ương 9, khi Đảng vạch rõ phương hướng và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam. Tuyến còn lại là hành trình nhà làm phim đi giải đáp câu hỏi của mình về một đại chiến lược của Việt Nam trong thời chiến.

Một mặt, những sự kiện của mốc 1963 vẫn được kể lại chi tiết. Mặt khác, việc kể lại câu chuyện về những người làm phim đi tìm hiểu cột mốc này sẽ giúp bộ phim mang hơi thở thời đại, kết hợp với những góc máy, khung hình phá cách.

Kể chuyện cũ bằng dòng phim tài liệu mới ảnh 8

Trò chuyện với Hà Tiệp, người viết hiểu thêm rằng để làm phim tư liệu lịch sử, bên cạnh tính sáng tạo và một chút “bay bổng” nghệ thuật, thì đạo diễn phải có khả năng tìm kiếm và lọc thông tin. Không giống như làm phim thương mại, đạo diễn có thể thử nghiệm và chấp nhận “năm ăn, năm thua”.

Còn trong địa hạt phim tài liệu lịch sử, nếu đã vấp phải “tai nạn nghề nghiệp” thì rất khó để bắt đầu lại. “Muốn làm một bộ phim tài liệu hay cần phải chinh phục cả khối óc và trái tim của khán giả”, Hà Tiệp nhìn lại hành trình hơn 10 năm làm phim của mình.

TIN LIÊN QUAN
Phát hiện hành tinh có bầu khí quyển
Phát hiện hành tinh có bầu khí quyển
(Ngày Nay) - Các nhà thiên văn học đã tìm thấy một hành tinh có bầu khí quyển, điều kiện cần thiết để sự sống có thể tồn tại, tuy nhiên bề mặt của hành tinh này lại được bao phủ bởi đá magma nóng chảy.
Tên lửa đẩy Atlas V mang theo tàu vũ trụ Starliner rời bệ phóng tại trạm vũ trụ ở Florida, Mỹ ngày 19/5/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
NASA lùi thời điểm dự kiến phóng tàu vũ trụ Starliner có người lái
(Ngày Nay) -  Ngày 7/5, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo thời điểm phóng tàu con thoi Starliner do Boeing chế tạo thực hiện chuyến bay thử nghiệm có người lái đầu tiên được lùi đến sớm nhất là ngày 17/5, do sự cố kỹ thuật liên quan van điều áp trên tên lửa đẩy.
Ekip bác sĩ phẫu thuật cho bà H. với thời gian kéo dài gấp 4 lần so với cuộc phẫu thuật thông thường. Ảnh: BV
Uống hoa đu đủ đực có chữa được bệnh ung thư như ‘truyền miệng’?
(Ngày Nay) -  Dù chưa có một bằng chứng khoa học nào về việc hoa đu đủ đực có thể chữa khỏi ung thư, thế nhưng trong thời gian qua, trên các trang mạng xã hội liên tục chia sẻ thông tin hoa đu đủ đực ngâm mật ong có thể chữa được rất nhiều bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư. Theo đó, các bác sĩ cảnh báo, uống hoa đu đủ với hi vọng chữa ung thư khiến người bệnh dễ mất cơ hội điều trị ở giai đoạn sớm.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên- Huế, chia sẻ thông tin vế festival Huế 2024. Ảnh: L.S
Festival Huế: Lớn mạnh dần sau 24 năm tổ chức, ấn tượng và nhân văn
(Ngày Nay) -  Chiều 9/5, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức họp báo, công bố chương trình Festival Huế 2024 với tâm điểm là Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 có chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” diễn ra từ ngày 7-12/6.
Bộ GD&ĐT khẳng định, các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài đảm bảo điều kiện chất lượng sẽ tiếp tục được sử dụng bình thường về thi, tuyển sinh và đào tạo. Ảnh: CC
Bộ GD&ĐT: Chứng chỉ nếu đáp ứng điều kiện bảo đảm chất lượng, thì vẫn được sử dụng bình thường
(Ngày Nay) -  Bộ GD&ĐT khẳng định, các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài do các đơn vị liên kết tổ chức thi cấp, khi đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng, sẽ tiếp tục được sử dụng bình thường theo quy định của Bộ GD&ĐT về thi, tuyển sinh và đào tạo, không ảnh hưởng tới quyền lợi của người được cấp chứng chỉ.
Cửu Đỉnh của nhà Nguyễn là chín cái đỉnh bằng đồng, đặt ở trước sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo vệ di sản tư liệu theo điều ước quốc tế
(Ngày Nay) - Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng: Việc xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm kiến tạo hành lang pháp lý để gìn giữ, phát huy các giá trị của di sản trở thành tài sản, coi đây là nguồn tài nguyên, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước.