Hồi tháng 2 vừa qua, NASA tung những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy mật độ khí thải NO2 tại thành phố Vũ Hán (Wuhan) - tâm dịch Covid-19 ở Trung Quốc, đã giảm mạnh khi chỉ báo chuyển từ màu đỏ/cam sang màu xanh. Thành phố Vũ Hán thời điểm đó đã bị phong tỏa hoàn toàn để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Đáng chú ý, sau khi Trung Quốc đã vượt qua đỉnh dịch, những hình ảnh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) lại cho thấy mật độ NO2 tăng trở lại.
Tại miền Bắc Italy, mật độ tập trung khí NO2 đã giảm gần 50% so với mức bình thường. Tình trạng sụt giảm NO2 cũng được ghi nhận ở hai thành phố Barcelona và Madrid của Tây Ban Nha, nơi người dân được khuyến cáo ở trong nhà kể từ giữa tháng này.
Các chuyên gia cũng đang theo dõi các số liệu thu thập từ các quốc gia và khu vực đang yêu cầu người dân tự cách ly ở nhà như Argentina, Bỉ, Pháp, Tunisia, Bavaria (Đức) và California (Mỹ) để xem hiện tượng tương tự có xảy ra hay không.
Tuy nhiên, các chuyên gia nói không phải cứ mật độ NO2 thấp là không khí trong lành hơn bởi thực tế trong không khí còn có bụi mịn gây ô nhiễm.
Nitrogen dioxide (NO2) là loại khí màu nâu đỏ do các phương tiện xe cộ, các nhà máy điện và các cơ sở công nghiệp thải ra. NO2 gây các bệnh về hô hấp cho con người như ho, hen suyễn và khó thở.
Ô nhiễm không khí được coi là một kẻ giết người vô hình và thầm lặng, là nguyên nhân khiến khoảng 8,8 triệu người trên thế giới tử vong mỗi năm. Bụi mịn khiến mắt và cổ họng bị kích thích, gây ức chế hô hấp, trong trường hợp nặng, người cao tuổi và những mắc bệnh hen suyễn có nguy cơ tử vong nếu không được điều trị đúng cách.