Tại Việt Nam, nếu các bãi chôn lấp trong toàn quốc có lắp đặt hệ thống thu khí gas bãi chôn lấp và đốt khí mêtan cũng sẽ góp phần giảm phát thải (0,25t CO2/tấn rác) hay đến 7,8 triệu tấn CO2/năm. Đặc biệt, nếu tái sử dụng thành nguồn năng lượng thay thế năng lượng hóa thạch thì con số này sẽ là một đóng góp đáng kể trong ứng phó với BĐKH.
Thực tế, trên thế giới mô hình này đã được áp dụng. Như tại Hàn Quốc, bãi chôn lấp rác thu hồi và sử dụng khí gas Sudokwon - Seoul với 3.500 tấn rác sinh hoạt/ngày, đã thu hồi khí gas cho trạm phát điện 50MW, chuyển nhượng giá trị giảm phát thải khí nhà kính 115 triệu đô la trong 10 năm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu áp dụng tốt các công nghệ tái chế, các mô hình thu hồi sinh khí và tăng cường sử dụng các sản phẩm tái chế sẽ góp phần giảm khí thải nhà kính với lượng giảm tải có thể lên tới khoảng 0,68t CO2/tấn rác.
Hiện nay, tại Việt Nam mới có 15% lượng rác sinh hoạt trong tổng lượng chất thải phát sinh được sản xuất thành phân bón. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế, việc tiêu thụ loại phân hữu cơ này cũng không tốt như mong đợi bởi nhiều yếu tố, cả về chất lượng, giá cả lẫn vận chuyển.
Với tỷ lệ phát sinh chất thải sinh hoạt tại các khu vực đô thị lớn, khoảng 0,7 – 1 kg/đầu người/năm; tỷ lệ gia tăng rác thải sinh hoạt tại các thành phố lớn từ 6,7 – 8,5%/năm và phương pháp chôn lấp rác là chủ yếu đang tạo áp lực rất lớn cho chính các bãi rác cả về phương diện công suất lẫn chi phí xử lý nước rỉ rác. Đặc biệt, từ các bãi rác này, một lượng khí phát thải sẽ gây ô nhiễm môi trường, là một trong những tác nhân góp phần gây biến đổi khí hậu.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đó là chi phí xử lý rác lớn, không bù đắp nổi chi phí sản xuất. Lượng rác thải lớn, song nhiều nhà máy luôn hoạt động dưới công suất, chất lượng sản phẩm không cao do việc thực hiện phân loại rác tại nguồn chưa thực hiện tốt.
Chính vì thế, quản lý tốt nguồn chất thải, tái sử dụng hiệu quả đang là hướng đi thích hợp. Sự lựa chọn này sẽ tạo một nguồn năng lượng thay thế năng lượng hóa thạch. Và hiệu quả của nó sẽ là một đóng góp đáng kể trong ứng phó với BĐKH.
Thế nên, việc quản lý chất thải rắn cần phải được đầu tư cả về thiết bị công nghệ lẫn con người. Theo hướng này, ngân sách Nhà nước cần hỗ trợ cho việc thiết kế hoặc chuyển đổi bãi chôn lấp rác thành khu xử lý chất thải rắn/ấp sinh thái, lượng phát thải các-bon thấp.
Với Việt Nam, cần nhanh chóng thiết lập các cơ chế chính sách đầu tư công nghệ quản lý, xử lý chất thải rắn và chuyển giao các công nghệ… Trên cơ sở đó, sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho việc thiết lập các thành phố sinh thái với quan điểm tuần hoàn vật chất, tổng lượng sinh khối và chất thải hữu cơ được trao đổi và chuyển thành các dạng năng lượng khác nhau như điện/nhiệt, ethanol, nhiên liệu diesel sinh học. Ngoài ra, phân bón/thức ăn sản xuất, plastic hoặc vật liệu khác cũng cần có các mô hình tái chế hiệu quả, các chủ nguồn thải được tham gia vào việc sử dụng hiệu quả nguồn lợi từ rác và nguồn tài nguyên sinh khối chất thải.
Để thực hiện được điều đó, cận tận dụng và tiếp nhận các công nghệ khí hóa, nhiệt hóa chảy và đốt cháy hoàn toàn hiệu quả, an toàn. Thêm nữa, sự tham gia của người dân sẽ đóng một vai trò tiên quyết trong việc thực hiện hiệu quả các chính sách. Vì vậy, cần thúc đẩy người dân, người phát thải, tham gia phân loại rác và thể hiện trách nhiệm của mình khi phát thải ra môi trường, cùng hành động vì một môi trường sống xanh chung.