Sự bùng nổ của công nghệ trong thập kỷ qua, đặc biệt là trong lĩnh vực tài sản số như blockchain, tiền mã hóa, token hóa tài sản và các ứng dụng phi tập trung (DeFi)…, đã tạo ra những cơ hội phát triển chưa từng có.
Ngày 3/12, Hội nghị Tác động Công nghệ Việt Nam (Vietnam Tech Impact Summit 2024-VTIS 2024) đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng công nghệ và tài chính. Hội nghị đã chia sẻ tri thức, ý tưởng sáng tạo đồng thời có những thảo luận quan trọng về khung pháp lý cho lĩnh vực tài sản số, một yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế số Việt Nam.
Những "điểm nghẽn" pháp lý cần tháo gỡ
Tại VTIS 2024, bên cạnh việc chỉ ra các cơ hội vàng, các chuyên gia hàng đầu cũng chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của việc xây dựng một khung pháp lý minh bạch để bảo vệ nhà đầu tư và doanh nghiệp đồng thời khai thác tối đa tiềm năng của tài sản số.
Vẽ nên bức tranh toàn cảnh về thị trường tài sản số Việt Nam, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán SSI, cho biết Việt Nam sở hữu những lợi thế đáng kể như dân số trẻ, am hiểu công nghệ và sự quan tâm ngày càng tăng đối với tài sản số. Ông dẫn chứng nghiên cứu của Tạp chí Forbes cho thấy Việt Nam đang đứng thứ hai thế giới về sở hữu và quan tâm đến tài sản số. Bên cạnh đó, nhiều sàn giao dịch lớn nhất thế giới cũng đánh giá Việt Nam là một trong bốn thị trường sôi động nhất.
Tuy nhiên, ông Hưng nhấn mạnh để tận dụng tối đa tiềm năng của tài sản số, một yếu tố cốt lõi là phải có sự minh bạch và rõ ràng trong khung pháp lý. Đây là yếu tố nền tảng giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp và cộng đồng có thể phát triển trong một môi trường an toàn và bền vững. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy do thiếu một khung pháp lý rõ ràng, lĩnh vực này vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, các doanh nghiệp trong lĩnh vực blockchain và tài sản số tại Việt Nam vẫn phải hoạt động trong điều kiện thiếu định hướng, khiến họ mất lợi thế cạnh tranh so với các nước láng giềng như Singapore hay Thái Lan. Hơn nữa, việc thiếu quy định dẫn đến việc không thể bảo vệ người dùng trước những hoạt động lừa đảo và thiếu minh bạch.
Ông Hưng cảnh báo về các cơ hội đang dần mất đi khi những nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn công nghệ lớn có xu hướng chọn quốc gia khác có môi trường pháp lý thuận lợi hơn.
"Là những người đang tham gia sâu sát vào thị trường công nghệ và tài sản số, chúng tôi nhận thấy rằng việc xây dựng khung pháp lý cho tài sản số tại Việt Nam không chỉ là nhu cầu của các doanh nghiệp mà còn là điều kiện cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ nói riêng và nền kinh tế nói chung," ông Hưng chia sẻ.
Trên cơ sở đó, ông Hưng kiến nghị Chính phủ cần sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng, minh bạch để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến tài sản số, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và các bên tham gia thị trường. Cùng với đó, các cấp quản lý cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực blockchain và công nghệ số thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư, tài trợ nghiên cứu và hợp tác quốc tế. Ngoài ra, việc xây dựng các cơ chế quản lý linh hoạt cần thực hiện khẩn trương, để có thể vừa bảo vệ người dùng vừa không làm mất đi tính sáng tạo - điều cốt lõi của tài sản số.
Để phát triển thị trường số hiệu quả, ông Hưng cũng nhấn mạnh đến việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài sản số, tận dụng kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển để xây dựng một khung pháp lý hiệu quả, phù hợp với đặc thù của Việt Nam. Ông đề cập mong muốn Chính phủ sớm ban hành khung pháp lý minh bạch, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng cơ chế quản lý linh hoạt và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Theo ông, đây là những điều kiện cần thiết để Việt Nam trở thành trung tâm tài sản số trong khu vực.
Bến đỗ an toàn trong kỷ nguyên số
Tại hội nghị, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, đã có phần trao đổi đầy tâm huyết về tình hình thế giới và vận hội của đất nước cũng như tầm quan trọng của những tác động công nghệ trong thời đại mới.
Ông Bình cho rằng toàn cầu đang bước vào một giai đoạn lịch sử chưa từng thấy với nhiều bất ổn, khó đoán với nhiều yếu tố bị đứt gãy. Tuy nhiên, một thế giới mới cũng đang dần hình thành. Với Việt Nam, ông Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “ứng xử” với tương lai, từ góc độ của người lao động với dự báo xu thế của công nghệ sẽ khiến khoảng 75% công việc trong nước biến mất vào năm 2030 và từ góc độ của tổ chức, cần phải có sự chuẩn bị về khả năng chống đỡ và duy trì hoạt động kinh doanh.
Về thế và lực, ông lạc quan cho rằng Việt Nam đang có vị thế ngày càng nổi bật trên “bản đồ” công nghệ thế giới. Ông dẫn chứng việc nhiều công ty lớn trên thế giới, như Tập đoàn NVIDIA đã chọn Việt Nam là "ngôi nhà thứ hai" và nhấn mạnh vào vị trí số hai của Việt Nam sau Ấn Độ về xuất khẩu phần mềm. Hơn nữa, ông Bình cho rằng Việt Nam có một lực lượng kỹ sư công nghệ mà nhiều quốc gia khác mong muốn.
"Chúng ta có thể tìm thấy ‘gương mặt’ công nghệ của Việt Nam ở khắp mọi nơi trên thế giới, từ AI, Blockchain, Fintech, Edtech, Gaming... Người Việt Nam - lực lượng công nghệ Việt Nam đều có thể làm được tất cả," ông Bình khẳng định về khả năng và sự hiện diện của người Việt trong lĩnh vực công nghệ trên toàn cầu.
Do đó, ông Bình đồng thuận với quan điểm trên và cho rằng chính sách là yếu tố quan trọng nhất để gỡ bỏ điểm nghẽn và tạo ra tương lai tốt đẹp hơn. Trích dẫn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc cần phải loại bỏ những tư duy cũ, không hiệu quả và thay thế bằng các chính sách mới, ông đề cập đến nguyên tắc “những việc doanh nghiệp tư nhân làm được thì doanh nghiệp Nhà nước không cần làm," đồng thời bày tỏ hy vọng những điều này sẽ mang lại sự tăng trưởng vượt bậc cho đất nước với sự tham gia của tất cả mọi thành phần.
Nhấn mạnh vị thế quốc tế của Việt Nam và sự kết nối với các thị trường toàn cầu, ông Bình lạc quan chia sẻ: “Việt Nam đã phát triển quan hệ ngoại giao ở mức cao nhất với tất cả các cường quốc trên thế giới và tiếp tục mở rộng những quan hệ như vậy. Trên bình diện đó, Việt Nam được kết nối với tất cả các thị trường bằng những nghị định thương mại mới nhất và chúng ta là nơi an toàn. Chúng ta có mọi cơ hội."
Chia sẻ tại hội nghị, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, cho biết thành phố đang rất quyết tâm phát triển trung tâm tài chính quốc tế, kết hợp với các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn và AI. Đến nay, Đà Nẵng đã có những bước chuẩn bị cụ thể về cơ sở hạ tầng, quỹ đất, nhân lực và chính sách đồng thời đang tích cực kêu gọi sự hỗ trợ từ Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.
Cụ thể, ông Minh cho hay kế hoạch phát triển trung tâm tài chính của thành phố có ba nhóm dịch vụ chính. Trong đó, dịch vụ tài chính quốc tế tập trung vào thanh toán quốc tế, thương mại quốc tế, ngoại hối và tài chính xanh. Đặc biệt, lãnh đạo của Đà Nẵng nhấn mạnh việc gắn kết trung tâm tài chính với Khu Thương mại Tự do Đà Nẵng, đây khu vực đầu tiên tại Việt Nam được Quốc hội cho phép thành lập.
Bên cạnh đó, dịch vụ Fintech sẽ hướng tới các dịch vụ tài chính mới như cung cấp phần mềm, nền tảng ứng dụng cho thanh toán và giao dịch tài sản mã hóa. Theo ông Minh, Đà Nẵng mong muốn phát triển các giải pháp đổi mới sáng tạo dựa trên AI, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và blockchain. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ có những chính sách hỗ trợ các startup và công ty Fintech mới. Cuối cùng là dịch vụ hỗ trợ kiểm toán, kế toán, pháp lý, tư vấn hải quan, hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình đầu tư vào trung tâm tài chính.