Nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam (10/10/1945 - 10/10/2018), luật sư Trương Anh Tú (thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội) chia sẻ cùng PV và độc giả đôi điều về nghề luật; về công việc của mình qua hàng chục năm hành nghề.
Những năm qua, đội ngũ luật sư không chỉ tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân trong các vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại mà còn tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp. Có hàng trăm ngàn doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí cả các tổng công ty, tập đoàn nhà nước cũng cần đến sự trợ giúp tư vấn pháp lý của luật sư.
Bên cạnh đó, ngoài những nhiệm vụ chính, các luật sư rất tích cực trong các công cuộc đóng góp ý kiến cho các cấp, các ngành, cho Nhà nước trong công tác xây dựng pháp luật. Trong đó, đặc biệt phải kể đến sự đóng góp vô cùng nhiệt huyết trong công tác lập pháp của luật sư Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; luật sư Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; luật sư Trương Trọng Nghĩa…
Theo luật sư Trương Anh Tú, trước đây, người luật sư hành nghề chủ yếu là các công chức, thẩm phán, kiểm sát viên về hưu. Ngày nay, thế hệ luật sư trẻ, nhiệt huyết trưởng thành từ các mái trường của các trường có chuyên ngành luật trên cả nước.
"Với cá nhân tôi, ngay từ thời sinh viên, sự đam mê học hỏi cùng tình yêu nghề đã giúp tôi nhanh chóng trưởng thành trong nghề. Nghề luật sư là một nghề khó nhưng rất lý thú bởi được đi nhiều nơi, được tiếp xúc với nhiều người, biết nhiều mặt của đời sống xã hội. Để trở thành một người luật sư thực sự có bản lĩnh thì kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội phải sâu sắc, phải am hiểu tường tận về văn hóa, văn chương, xã hội, lịch sử… chứ tư duy, nhận thức không chỉ đơn thuần là gói gọn trong những văn bản luật", luật sư Tú chia sẻ.
Luật sư Trương Tú cũng cho rằng, người luật sư hoạt động trong công tác pháp luật cần có những tư duy mang tính khai phóng. Thực tiễn có nhiều vấn đề pháp lý mới nảy sinh cũng như những hiện tượng xã hội, nhưng khoa học pháp lý chưa có lời giải thì nhiệm vụ của người luật sư phải khai mở ra những điều đó.
Điều này được minh chứng bằng những việc làm và hành động cụ thể. Gần đây nhất, khi luật sư Trương Anh Tú tham gia việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Lê Thị Hải (35 tuổi, ở Quảng Xương, Thanh Hóa) trong vụ án “vợ trộm tiền của chồng ở Hoàng Mai, Hà Nội” hay vụ “đá móp cửa xe ô tô” bị truy tố về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản ở TP.HCM gây sự chú ý của dư luận. Ở phiên tòa xét xử vụ án "vợ trộm tiền của chồng", với sự hiểu biết của mình, luật sư Tú đã lên tiếng phản biện và lập luận sắc bén để cơ quan chức năng xem xét vụ án một cách thấu tình đạt lý. Sau khi xem xét toàn bộ tình tiết vụ việc, TAND quận Hoàng Mai đã trả tự do cho Lê Thị Hải ngay tại tòa.
“Người luật sư có nhiệm vụ đồng hành với người dân trong việc bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý, do đó mọi thứ phải minh bạch và công bằng. Khi nhìn thấy những điều sai trái trong xã hội, bản thân người luật sư không thể ngoảnh mặt làm ngơ và sẵn sàng đối mặt với những hiểm nguy trong quá trình hành nghề”, luật sư Tú khẳng định.