Ký ức của vị tướng dẫn giải Dương Văn Minh ra tuyên bố đầu hàng

Là một người lính từng trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, Trung tướng Phạm Xuân Thệ đã trực tiếp tham gia chiến đấu tại các mặt trận lớn, đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Ký ức của vị tướng dẫn giải Dương Văn Minh ra tuyên bố đầu hàng

Với ông, chuyện trực tiếp dẫn giải Tổng thống chính quyền VNCH Dương Văn Minh ra Đài Phát thanh Thành phố để tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vào sáng ngày 30/4/1975 lịch sử là ký ức không thể nào quên trong cuộc đời binh nghiệp.

Ký ức của vị tướng dẫn giải Dương Văn Minh ra tuyên bố đầu hàng ảnh 1

Trung tướng Phạm Xuân Thệ.

Ông Thệ nhớ lại: “Lúc đó, khoảng 21h ngày 22/4/1975, chúng tôi nhận lệnh của cấp trên bắt đầu nổ súng tiến công. Sau gần 2h chiến đấu ác liệt, toàn bộ lực lượng quân địch ở thị xã Hàm Tân (Bình Thuận) bị tiêu diệt và tháo chạy. Những ngày đầu tháng 4/1975, quân và dân cả nước dồn sức người sức của hướng về Sài Gòn - Gia Định. Phạm Xuân Thệ với trọng trách Trung đoàn phó Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304), được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy lực lượng đi đầu, phối hợp với bộ đội xe tăng, thiết giáp của Quân đoàn 2 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, cùng đánh thẳng vào Dinh Độc Lập.

Nhân thời cơ này, các đơn vị của ta thừa thắng xông lên truy kích địch đến tận cảng biển của thị xã Hàm Tân. Sau trận đánh thắng lợi đó, Trung đoàn chúng tôi được lệnh để một số cán bộ, chiến sĩ ở lại phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương chốt giữ trong thị xã, số lực lượng còn lại trở về vị trí tập kết để chuẩn bị cho kế hoạch tiến công vào Sài Gòn.

Trung đoàn 66 của tôi tiếp tục hành quân trong đội hình của Sư đoàn 304, tập kết ở rừng cao su đồn điền Ông Quế (cách Sài Gòn chừng 60km) về phía Đông. Tại đây, đơn vị được cấp trên giao nhiệm vụ đặc biệt là tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - trận quyết chiến chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

“Đặc biệt, Trung đoàn 66 có nhiệm vụ nằm trong đội hình Binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 nhanh chóng tiến công theo trục đường số 15 (xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa) tiến vào nội đô Sài Gòn.

Lúc này, cán bộ, chiến sĩ trong Trung đoàn với khí thế rất cao; mọi người đều hồ hởi và vinh dự khi được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, đánh vào sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Trên những chiếc mũ cứng, cán bộ, chiến sĩ đều dán khẩu hiệu “Quyết tâm giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam” – tướng Phạm Xuân Thệ nhấn mạnh.

Cũng theo tướng Thệ, “đúng 17h ngày 29/4/1975, khi nhận lệnh của cấp trên, lực lượng thọc sâu xuất phát. Đến 23h cùng ngày, Binh đoàn thọc sâu tiến về ngã ba Long Bình và đầu cầu xa lộ qua sông Đồng Nai.

Tại đây, các lực lượng đã kiên cường chiến đấu, tiêu diệt nhiều binh lực địch, thu nhiều vũ khí, đạn dược và làm chủ được trận địa. Đến 8h sáng ngày 30/4, quân địch chống trả yếu ớt, sau đó bỏ chạy.

Đội hình hành tiến của lực lượng thọc sâu của ta tiến thẳng vào nội đô Sài Gòn. Tuy nhiên, đến ngã tư Hàng Xanh, vì không biết đường vào nội đô nên xe chúng tôi phải dừng lại để hỏi đường.

Lúc này, địch đã rút khỏi cầu Sài Gòn tháo chạy vào nội đô, nhưng nhân dân vẫn chưa dám ra đường, mà đóng kín cửa ở trong nhà. Khi qua cầu Sài Gòn tiến vào nội đô, chúng tôi vào nhà dân để hỏi đường để tiến thẳng vào Dinh Độc Lập thì có tiếng nói vọng ra: Quân giải phóng quẹo tay trái vượt qua cầu Thị Nghè thì đến Dinh Độc Lập.

Khi lực lượng của ta tiến đến gần cầu Thị Nghè (cách cầu khoảng 100m) thì gặp địch bố trí xe bọc thép chốt chặn bên kia cầu, chúng tôi cùng lực lượng bộ binh lại tiếp tục chiến đấu mất khoảng 20 phút, xe bọc thép địch bị xe tăng ta bắn nổ tung, bọn địch hoảng loạn tháo chạy”.

Tiếp tục theo dòng hồi tưởng, Trung tướng Phạm Xuân Thệ kể: “Khi quân ta tiến vào Dinh Độc Lập, đến bậc thang trên cùng nối vào hành lang, sảnh của lầu một, tôi thấy một người cao to, mặc áo cộc tay màu xám chạy đến trước mặt chúng tôi giơ tay tự giới thiệu: “Báo cáo cấp chỉ huy, tôi là chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh - phụ tá của Tổng thống Dương Văn Minh. Toàn bộ nội các của chính quyền ông Minh đang ở trong phòng họp, mời cấp chỉ huy vào làm việc”.

Lúc này tôi mới biết toàn bộ nội các chính quyền Dương Văn Minh đang ở trong Dinh Độc Lập. Vì trước đó tôi nghĩ họ đã bỏ chạy hết khi thấy Quân giải phóng tiến vào, và nghĩ vào Dinh Độc Lập chỉ để cắm cờ “Quyết chiến quyết thắng” lên nóc dinh mà thôi.

Trước tình huống này, chúng tôi không lên sân thượng cắm cờ nữa mà tiến thẳng vào phòng theo chỉ dẫn của ông Hạnh”.

Khi Quân giải phóng bước vào, cửa kính mở ra, mọi người trong phòng đứng dậy cả, Phạm Xuân Thệ thấy hai người, một người to cao mặc áo cộc tay màu xám đeo kính; một người thấp đậm mặc com-plê rất sang trọng. Lúc này, ông Nguyễn Hữu Hạnh chỉ tay vào người to cao, đang đeo kính và giới thiệu: “Đây là Tổng thống Dương Văn Minh, còn người thấp mặc com-plê là Thủ tướng Vũ Văn Mẫu”.

Sau khi ông Hạnh giới thiệu xong, ông Dương Văn Minh bước lại gần và nói: “Chúng tôi đã biết Quân giải phóng tiến công vào nội đô, chúng tôi đang chờ Quân giải phóng vào để bàn giao…”. Theo phản ứng tự nhiên, Phạm Xuân Thệ nghiêm mặt nói lớn: “Các anh là kẻ thất bại, các anh bị bắt làm tù binh, các anh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không có bàn giao gì cả! Ai có vũ khí bỏ xuống giao cho Quân giải phóng!”.

Nét mặt Dương Văn Minh thoáng chút bối rối và nói: “Xin được bắt tay Quân giải phóng”. Phạm Xuân Thệ liền gạt đi và dõng dạc nói: “Các anh là kẻ thù của chúng tôi, chúng tôi không bắt tay các anh”! Nghe vậy, Dương Văn Minh cúi đầu, Vũ Văn Mẫu dịch lùi về hàng ghế định ngồi xuống. Lúc này, những thành viên trong nội các chính quyền Sài Gòn cũng tản ra ngồi xuống ghế, nhưng Phạm Xuân Thệ hô lớn yêu cầu Dương Văn Minh phải ra Đài Phát thanh Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng.

Cùng thời gian trên, chiến sĩ Đào Ngọc Vân vác lá cờ Giải phóng chạy lên ban công sảnh tầng 2 Dinh Độc Lập cùng một số chiến sĩ khác liên tục phất cờ báo hiệu quân ta đã chiếm được Dinh Độc Lập lúc 11h30’ ngày 30/4/1975.

Khi đến Đài Phát thanh Sài Gòn, vào phòng bá âm, Phạm Xuân Thệ mời Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng nguyện quyền Vũ Văn Mẫu ngồi xuống ghế, rồi cùng anh em bàn nhau soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng của nội các ngụy quyền Dương Văn Minh. Mỗi người mỗi câu, mỗi ý, và Phạm Xuân Thệ là người chắp bút nội dung bản thảo như sau: “Tôi - đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn xin tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trước sức mạnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi kêu gọi chính quyền từ Trung ương đến địa phương bỏ vũ khí trao lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”.

Dương Văn Minh vừa dứt lời tuyên bố đầu hàng, đồng chí Bùi Văn Tùng - Chính ủy Lữ đoàn 203 thay mặt các đơn vị quân giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập, dõng dạc đọc lời tuyên bố: “Tôi đại diện lực lượng giải phóng miền Nam, đơn vị chiếm Dinh Độc Lập, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của tướng Dương Văn Minh -Tổng thống chính quyền Sài Gòn. Tôi đại diện lực lượng giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên bố: Thành phố Sài Gòn - Gia Định hoàn toàn giải phóng, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn”.

“Khoảng 17h30 phút tối 30/4, tôi về Sở Chỉ huy Trung đoàn đang ở tòa nhà Bộ Nội vụ chính quyền Sài Gòn cũ (trước cửa Dinh Độc Lập). Vừa thấy tôi, đồng chí Nguyễn Ân - Sư đoàn trưởng đang ở Sở Chỉ huy Trung đoàn nói: “Việc đưa Dương Văn Minh ra đài phát thanh, các cậu xử trí như thế là đúng đấy, không có gì sai sót đâu”. Lúc bấy giờ tôi mới thở phào nhẹ nhõm…”, Tướng Thệ nhớ lại.

Đến bây giờ, sự kiện tiến vào Dinh Độc Lập và bắt tướng Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh vẫn là thời khắc lịch sử và là kỷ niệm không thể phai mờ trong tâm trí Trung tướng Phạm Xuân Thệ mỗi khi nhớ về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Theo Infonet

Khắc họa Hà Nội mộng mơ qua bộ tem bưu chính rực rỡ sắc hoa
Khắc họa Hà Nội mộng mơ qua bộ tem bưu chính rực rỡ sắc hoa
(Ngày Nay) -  Hà Nội có 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông rõ rệt. Cùng với sự thay đổi của thời tiết, mỗi mùa, Hà Nội lại có vẻ đẹp rất riêng khi khoác lên mình chiếc áo mới, được tô điểm bởi sắc màu của một loài hoa chủ đạo. Yêu tha thiết Hà Nội, mê mẩn với những loài hoa, họa sỹ Nguyễn Quang Vinh đã dành nhiều tâm sức để đưa 12 loài hoa đặc trưng cho 12 tháng trong năm vào bộ tem bưu chính “Hà Nội 12 mùa hoa”.
Hồ ấp trứng rùa tại Trạm Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh-Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo. Ảnh: Huỳnh Sơn-TTXVN
Côn Đảo vào mùa sinh sản của rùa biển
(Ngày Nay) -  Bình quân mỗi năm gần đây, Vườn Quốc gia Côn Đảo cứu hộ trên 1.500 tổ trứng rùa biển, tiến hành ấp nở nhân tạo và thả trên 150.000 cá thể rùa con về biển.
Ảnh minh họa
Nhiều trẻ nhỏ, người già được “giải cứu” khỏi nắng nóng trên cao tốc Pháp Vân
(Ngày Nay) -  Sáng 28/4, trên nhiều trang mạng xã hội xuất hiện thông tin về một chiếc xe 16 chỗ bị đột ngột hỏng trên cao tốc Pháp Vân (cách Hà Nội khoảng 90 km về phía tỉnh Nghệ An). Chủ Facebook Nghĩa Đào viết: “Nghỉ lễ thuê xe về quê. Số nhọ hỏng xe cách Hà Nội 90km. Cả nhà đứng đường suốt 3 tiếng từ 6h30 đến 9h30. Gọi điện cho công ty thuê xe báo điều xe khác từ Hà Nội lên. Càng chờ càng mất hút...".
Ảnh minh họa
Xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch biển đảo tầm cỡ quốc tế
(Ngày Nay) -  Ngày 27/4, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 189/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 5/10/2004 về Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
Tuyến phố đi bộ Bãi Cháy thu hút đông đảo người dân và du khách trong ngày đầu khai trương. Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN
Quảng Ninh đưa thêm một tuyến phố đi bộ vào hoạt động
(Ngày Nay) -  Tối 27/4, tại khu phố cổ công viên Đại Dương, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) tuyến phố đi bộ kết hợp ẩm thực Bãi Cháy chính thức được khai trương. Tuyến phố này hoạt động từ 19 giờ đến 24 giờ hàng ngày.