Không thể tồn tại nhờ những tình cờ

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Luôn có một đường biên rõ rệt giữa tham dự tình cờ (incidental attendance), tiêu dùng thụ động (passive consumption) với tiêu dùng chủ động (active consumption), người tiêu dùng văn hóa (cultural consumers). Nghệ thuật truyền thống không thể tồn tại nhờ sự "tình cờ". Một loại hình nghệ thuật chỉ có thể sống khi nó có khán giả chủ động – những người sẵn sàng theo dõi, bỏ tiền mua vé và xem đó là một phần của đời sống tinh thần.
Nhà báo Nguyệt Linh
Nhà báo Nguyệt Linh

Nghệ thuật truyền thống không đơn thuần là một loại hình nghệ thuật - nó là mã di truyền của tinh thần dân tộc, là kết tinh của lịch sử, trí tuệ và bản sắc quốc gia. Trong cơn lốc của toàn cầu hóa và kinh tế thị trường, di sản này đang đối diện với những bài kiểm tra khắc nghiệt, mang tính sinh tồn. Câu hỏi đặt ra không chỉ là chúng ta giữ gì, mà quan trọng hơn: Cần giữ ra sao?

TS. Nguyễn Phước Hải Trung – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế từng chia sẻ với tôi một thực tế không mới nhưng vẫn gây nhói lòng: "Ca Huế, Tuồng Huế, Nhã nhạc cung đình gần như không còn khán giả". Nghe vậy, hẳn sẽ có người phản biện: "Khách vẫn nườm nượp đến xem, sao lại gọi là không có khán giả?" Nhưng từ góc độ quản lý văn hóa, luôn có một đường biên rõ rệt giữa tham dự tình cờ (incidental attendance), tiêu dùng thụ động (passive consumption) với tiêu dùng văn hóa chủ động (active cultural consumption), cam kết văn hóa (cultural commitment) và người tiêu dùng văn hóa (cultural consumers).

Du khách, dù là trong hay ngoài nước, tham dự một buổi biểu diễn trong khuôn khổ tour du lịch không có nghĩa là họ thực sự yêu thích nghệ thuật truyền thống. Họ có thể vỗ tay, có thể trầm trồ, nhưng bao nhiêu người sẽ tìm đến lần nữa, tự bỏ tiền mua vé? Lượng du khách ghé thăm không nên là thước đo sức sống của di sản nghệ thuật.

Trong nhiều năm, khái niệm "bảo tồn và phát huy" trở thành khẩu hiệu quen thuộc trong lĩnh vực di sản văn hóa. Trong đó, bảo tồn được hiểu là không được đóng băng di sản; còn phát huy là không đẩy di sản vào những đường đua thương mại hóa vô tội vạ. Nhưng ngay cả những khu di sản thế giới với những khuyến nghị, cơ chế bảo vệ nghiêm ngặt vẫn chật vật tìm cách cân bằng giữa gìn giữ và thích ứng với thời đại. Với nghệ thuật phi vật thể – vốn phụ thuộc vào cách con người thưởng thức – liệu có thể áp dụng chung một công thức?

Cốt lõi của vấn đề là nghệ thuật truyền thống không thể chỉ sống dựa vào sự "tình cờ". Một loại hình nghệ thuật chỉ thực sự tồn tại khi có khán giả chủ động – những người sẵn sàng bỏ tiền mua vé, xem đó là một phần của đời sống tinh thần. Nhưng để tạo ra lớp công chúng ấy, không thể chỉ trông chờ vào lòng yêu nước hay tinh thần "gìn giữ di sản".

Nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu đã lên tiếng: "Nghệ thuật truyền thống phải được nhìn nhận như một thực thể sống". Nếu nó chỉ xuất hiện trong các chương trình biểu diễn cho khách du lịch, nếu người dân không xem, không yêu, không truyền lại, thì nó không còn là một loại hình nghệ thuật đúng nghĩa – mà chỉ là những vở diễn chờ ngày hạ màn, những hiện vật chờ cấp đông trong kho lưu trữ.

Từ thực tế gắn bó hàng thập kỷ với sân khấu, NSND Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đã thẳng thắn đặt vấn đề: “Các loại hình nghệ thuật truyền thống hiện mang nhiều tính nguyên bản hơn tính trình diễn, phải là người hiểu văn hóa mới thấy trình diễn truyền thống hay”. Đây là một trong những lý do khiến nghệ thuật truyền thống trở nên kén khán giả.

Nhìn từ trường hợp của tuồng, chèo, hát xoan, quan họ và nhiều loại hình diễn xướng dân gian khác, có thể thấy nghệ thuật dân gian tương đối ít tính biểu diễn khi so sánh với loại hình nghệ thuật khác. Trong một cuộc họp, khi NSND Xuân Bắc đặt câu hỏi: “Nếu đem hát Xoan biểu diễn trước khách quốc tế mà không có phần giới thiệu, liệu họ sẽ xem được bao lâu?”, khán phòng rộ lên câu trả lời đồng thanh từ nhiều nghệ sĩ, giám đốc nhà hát: “Một lúc!”

Vấn đề không nằm ở chất lượng nghệ thuật. Không ai phủ nhận cái hay, cái đẹp của hát Xoan, nhưng ở góc độ trình diễn – yếu tố có thể ngay lập tức thu hút khán giả – thì nó chưa thực sự hiệu quả. Quan trọng hơn, những người làm nghệ thuật, quản lý nghệ thuật trong nước đều hiểu rất rõ thực tế này. Chúng ta có thể tranh luận về lý luận nghệ thuật, nhưng cốt lõi vẫn là làm sao nâng cao tính trình diễn để nghệ thuật truyền thống có thể tiếp cận công chúng tốt hơn.

Bài toán đặt ra không phải là giữ gìn hay đổi mới, mà là nghệ thuật truyền thống được phát huy như thế nào trong bối cảnh hiện đại. Tại sao đến một quốc gia khác và xem các chương trình nghệ thuật phục vụ du lịch, dù không hiểu ngôn ngữ hay bối cảnh văn hóa, ta vẫn bị thu hút bởi cách họ trình diễn. Đó chính là điều nghệ thuật truyền thống Việt Nam đang thiếu. Cần tách bạch giữa bảo tồn và khai thác: bảo tồn là giữ gìn nguyên bản, nhưng khai thác là làm sao để nghệ thuật đó sống được trong đời sống đương đại. Và để làm được điều đó, nhu cầu, thị hiếu của thế hệ đang sống là không thể bỏ qua.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc thăm và làm việc tại công viên logistics Viettel
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc thăm và làm việc tại công viên logistics Viettel
(Ngày Nay) -Lạng Sơn ngày 17/4/2025, trong khuôn khổ Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 9, Đại tướng Phan Văn Giang – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Thượng tướng Đổng Quân – Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã cùng đoàn đại biểu cấp cao hai nước tới thăm và làm việc tại Công viên Logistics Viettel (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn).