Lan tỏa tinh thần chỉ đạo, điều hành “vì dân, vì doanh nghiệp”

(Ngày Nay) - Theo ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), sự quyết liệt, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với tinh thần “vì dân, vì doanh nghiệp” là biện pháp quan trọng hàng đầu để vun đắp niềm tin cho người dân, doanh nghiệp.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Cần sự vun bồi về nội lực

Báo cáo Thủ tướng về tình hình doanh nghiệp 6 tháng đầu năm và triển vọng kinh doanh cuối năm 2024 - nửa đầu năm 2025, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho biết, khảo sát 891 đại diện lãnh đạo doanh nghiệp cho thấy bối cảnh tích cực hơn nhiều so với các kỳ khảo sát tháng 4/2023 và tháng 12/2023, xu hướng phục hồi niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp năm 2024 tương đối ổn định. Tuy vậy, sự phục hồi còn chưa thực sự bền vững; doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, rất cần sự vun bồi về nội lực để phát triển cũng như đóng góp hiệu quả cho các mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo Ban IV, tình hình của doanh nghiệp đã lạc quan hơn rất nhiều, thể hiện niềm tin đã được củng cố. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá “tích cực/rất tích cực” tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay gấp 5 lần so với khảo sát tháng 4/2023; tỷ lệ đánh giá “tích cực/rất tích cực” về kinh tế ngành hiện tại gấp 4 lần; tỷ lệ đánh giá “tích cực” về triển vọng kinh tế vĩ mô 12 tháng tới gấp gần 5 lần… Các chỉ số, chỉ báo khác về triển vọng tiếp cận vốn, triển vọng thị trường, đánh giá hiệu quả hỗ trợ của chính quyền địa phương đều có tỷ lệ, điểm đánh giá cao hơn khảo sát tháng 4/2023.

Song, ở chiều ngược lại, tình hình và triển vọng kinh tế qua góc nhìn của doanh nghiệp vẫn bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức. Trong tổng số 891 doanh nghiệp tham gia khảo sát trực tuyến, vẫn có 60% doanh nghiệp đánh giá “tiêu cực/rất tiêu cực” về tình hình kinh tế hiện nay so với cùng kỳ; 45% đánh giá “tiêu cực/rất tiêu cực” về triển vọng kinh tế nửa cuối năm 2024 và đầu năm 2025.

Về sức mạnh nội tại và dự kiến kinh doanh, có 68,5% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong 12 tháng tới. Trong số các doanh nghiệp dự kiến còn hoạt động trong nửa cuối năm 2024, có 58,6% giảm quy mô lao động trên 5% và 62,8% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu, trong đó tỷ lệ giảm trên 50% doanh thu là 17,3%.

Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân tỏ ra “hụt hơi” so với các khu vực kinh tế khác trong quá trình phục hồi khi có 20,4% doanh nghiệp ngoài nhà nước đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay “rất tiêu cực” so với cùng kỳ 2023 (tỷ lệ của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI lần lượt là 9,7% và 14,8%).

Nếu so với các kỳ khảo sát trước, điểm trung bình của doanh nghiệp ngoài nhà nước đánh giá về tình hình kinh tế cũng thấp hơn các khu vực doanh nghiệp khác và có tốc độ phục hồi niềm tin kinh doanh chậm hơn. Do vậy, trọng tâm chính sách rất cần quan tâm đến khu vực kinh tế tư nhân vì đây là “nội lực” của nền kinh tế, có vai trò quyết định đến việc nâng cao năng suất lao động và đưa Việt Nam vượt qua bẫy nghèo, trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Liên quan tới các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, sự đánh giá của doanh nghiệp kỳ này nhìn chung tích cực hơn. Nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng; giảm tiền thuê đất; cơ cấu nhóm nợ. Tuy nhiên, cũng có những chính sách chưa thực sự được doanh nghiệp đánh giá cao như Chương trình cho vay mua nhà xã hội.

Các khó khăn, thách thức lớn nhất doanh nghiệp phải đối mặt trong bối cảnh nửa cuối năm 2024 - nửa đầu năm 2025, đó là khó khăn về đơn hàng (56,1%); nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (47%); thủ tục hành chính (44,4%); khó khăn về dòng tiền (37,7%); thông tin thị trường (31,7%); tiếp cận vốn vay (30,8%).

Kiến tạo môi trường thuận lợi

Ban IV cho rằng, hoạt động điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong 6 tháng đầu năm 2024 cũng như hơn 3 năm đầu tiên của nhiệm kỳ là hết sức quyết liệt, kịp thời, bám sát những khó khăn của doanh nghiệp và của nền kinh tế. Nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua khó khăn, đạt mức tăng trưởng cao so với các quốc gia khác. Niềm tin và nội lực của doanh nghiệp đã trở lại, được củng cố và tăng cường.

Tuy nhiên, nửa cuối năm 2024 và dự báo năm 2025 vẫn là một năm nhiều biến số trong khi nội lực của doanh nghiệp, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân đã bị bào mòn do COVID-19, do lạm phát năm 2023 và gần đây là ảnh hưởng của bão Yagi. Do đó, sự quyết liệt, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với tinh thần “vì dân, vì doanh nghiệp” thực sự là biện pháp quan trọng hàng đầu để vun đắp niềm tin cho người dân và doanh nghiệp và cần được liên tục duy trì, lan tỏa đến các cấp cơ sở để đảm bảo sự đồng bộ giữa chủ trương với thực thi.

“Các giải pháp giãn giảm áp lực chi phí cho người dân, doanh nghiệp, vun bồi nội lực vẫn cần được quan tâm thiết kế và đẩy mạnh thực thi vì đây vẫn là thời điểm phải cân nhắc “khoan thư sức dân””, Ban IV nhận định.

Cũng theo Ban IV, qua gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã có các doanh nghiệp lớn, có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Trong bối cảnh cục diện chính trị và kinh tế toàn cầu có nhiều thay đổi, xuất hiện ngày càng rõ nét các xu hướng bảo hộ mới gắn với các yêu cầu kĩ thuật - thương mại mới, rất cần có chính sách phát triển các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực dẫn dắt để tạo động lực mới cho nền kinh tế, góp phần nâng cao năng suất, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng tâm quốc gia cũng như các ngành, lĩnh vực mới nổi, để tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt và nền kinh tế. Định hướng chính sách tối quan trọng này đã và đang được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu.

Ban IV đề xuất, định hướng chính sách không chỉ tập trung vào các doanh nghiệp lớn “hiện hữu” mà cần quan tâm kiến tạo môi trường thuận lợi giúp nhiều doanh nghiệp nội địa có khả năng vươn lên, giành vị thế dẫn dắt. Việc đặt ra các bài toán lớn quốc gia theo cơ chế “đặt hàng”, với yêu cầu “liên kết chuỗi giá trị nội địa”, đồng thời với các cơ chế minh bạch và đảm bảo sự công bằng, không phân biệt giữa các doanh nghiệp khu vực nhà nước với khu vực tư nhân là xu hướng được nhiều doanh nghiệp kì vọng.

Bên cạnh mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam còn có mục tiêu đạt được Net Zero vào 2050 với những cam kết mạnh mẽ và có trách nhiệm của Thủ tướng tại COP26. Trong bối cảnh thế giới chuyển trọng tâm sang phát triển bền vững, Việt Nam nếu quyết tâm đi tiên phong có thể tạo ra các cơ hội bước ngoặt cho phát triển kinh tế đất nước.

Cùng với việc Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo… Ban IV đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đẩy mạnh các cơ chế hợp lực công - tư, đồng thời có các nghiên cứu, đánh giá về một số sáng kiến mang tính đột phá cho Việt Nam để chuyển đổi nền kinh tế sang xanh. Chẳng hạn, phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực nhờ tận dụng lợi thế gần xích đạo, nắng và gió gần như vô tận nhằm cung cấp năng lượng xanh trong nước và thương mại với một số nước trong khu vực. Phát triển các cụm công nghiệp - dịch vụ xanh và khuyến khích các ngành đột phá như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, nhưng cũng gắn kết với các yêu cầu xanh hóa để thu hút các nhà đầu tư/dòng đầu tư chất lượng. Nghiên cứu phát triển/sản xuất hydro/ammonia xanh có giá cạnh tranh để cung cấp cho các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản...

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm chủ thể

Đợt khảo sát của Ban IV cũng ghi nhận nhiều kiến nghị, đề xuất cụ thể từ cộng đồng doanh nghiệp mang tính cấp bách, hướng đến gỡ các nút thắt trước mắt nhằm củng cố niềm tin, gia tăng nội lực để doanh nghiệp và đất nước vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội để vươn lên mạnh mẽ trong năm 2025. Trước những ý kiến và đề xuất của Ban IV, ngày 7/10 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện 103/CĐ-TTg về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.

Công điện nêu rõ, trong bối cảnh chính trị và kinh tế toàn cầu có nhiều thay đổi, xuất hiện xu hướng bảo hộ mới gắn với các yêu cầu kĩ thuật - thương mại mới, Việt Nam cần có chính sách phát triển các doanh nghiệp có năng lực dẫn dắt để tạo động lực mới cho nền kinh tế, góp phần nâng cao năng suất, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng tâm quốc gia cũng như các ngành, lĩnh vực mới nổi.

Gần 4 năm của nhiệm kỳ 2021-2026, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt, sát sao, kịp thời chỉ đạo, chủ động điều hành linh hoạt các chính sách vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước vượt qua khó khăn, niềm tin được củng cố, nội lực được tăng cường; nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao so với các quốc gia khác.

Dự báo cuối năm 2024 và những năm tiếp theo, kinh tế Việt Nam còn nhiều thách thức, nội lực của doanh nghiệp, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quyết liệt, kịp thời chỉ đạo, điều hành với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm chủ thể, duy trì đảm bảo sự đồng bộ giữa chủ trương với thực thi chính sách, nhằm củng cố niềm tin, cải thiện đời sống cho người dân, nâng cao năng lực của doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách, cần kiến tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp phát triển, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa để loại hình doanh nghiệp này có khả năng vươn lên và phát triển. Đẩy mạnh cơ chế hợp tác công - tư, đồng thời nghiên cứu một số sáng kiến mang tính đột phá để chuyển đổi nền kinh tế sang kinh tế xanh như: Phát triển năng lượng tái tạo nhờ tận dụng lợi thế địa lý gần xích đạo, khí hậu nhiệt đới gió mùa; phát triển các cụm, khu công nghiệp - dịch vụ xanh; phát triển và sản xuất hydro, ammonia xanh có giá trị cạnh tranh…/.

“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) -Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.
Indonesia kêu gọi D-8 thúc đẩy Phong trào phương Nam toàn cầu
Indonesia kêu gọi D-8 thúc đẩy Phong trào phương Nam toàn cầu
(Ngày Nay) - Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto kêu gọi Tổ chức Hợp tác Kinh tế 8 nước đang phát triển, hay còn gọi là D8, vượt ra ngoài hợp tác kinh tế, trở thành một phong trào “Phương Nam toàn cầu” nhằm ủng hộ một trật tự toàn cầu công bằng và bình đẳng hơn dựa trên luật pháp quốc tế, tính bao trùm, công lý và thịnh vượng chung.
Đoàn lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
(Ngày Nay) - Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), sáng 20/12, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị năm 2024 quy tụ 16 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia.
Nhìn lại năm 2024: Ngành Văn hóa về đích thành công với nhiều dấu ấn quan trọng
(Ngày Nay) - Năm 2024, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, khó lường; những ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ ảnh hưởng không nhỏ đến các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, về đích thành công với nhiều dấu ấn quan trọng, đóng góp vào bức tranh thành tựu chung của đất nước, góp phần tạo nên sức bật vươn xa trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.