Việc Mỹ tuyên bố hoãn áp thuế 46% với hàng hóa từ Việt Nam trong vòng 90 ngày tới đang mang đến một “cú thở phào” cho thị trường xuất khẩu. Nhưng theo ông Nguyễn Tuấn Việt – chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu, Tổng giám đốc Công ty Vietgo – đây không chỉ là thời gian trì hoãn, mà còn là “khoảng trống chiến lược” quý báu để Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường và vươn lên thành điểm đến trọng yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
FDI rút đi không đơn giản như là dọn nhà
Ngay sau khi ông Trump đưa ra tuyên bố áp thuế 46%, không ít chuyên gia lo ngại sẽ xuất hiện làn sóng các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tháo chạy khỏi Việt Nam để né tránh rủi ro thương mại. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Việt khẳng định: “Điều đó sẽ không xảy ra ít nhất là từ nay đến cuối năm 2025.”
Lý do rất rõ ràng: Việc di dời dây chuyền sản xuất là một quá trình phức tạp, cần lên kế hoạch, xây dựng chiến lược, làm việc với chính quyền sở tại, xin giấy phép, thuê đất, tuyển dụng nhân lực, xây dựng hạ tầng… và nhanh nhất cũng cần từ 6 tháng đến 1 năm. Trong khi đó, chính sách của ông Trump lại được đánh giá là thiếu tính ổn định, thay đổi nhanh và khó dự đoán.
“Không ai muốn chạy theo một chính sách mà hôm nay thế này, mai đã thế khác. Các doanh nghiệp lớn đều đang có xu hướng ‘án binh bất động’ để chờ xem tình hình sẽ diễn biến như thế nào tiếp theo,” ông Việt nói thêm.
Việc Mỹ tạm hoãn áp thuế 90 ngày là cơ hội để Việt Nam giữ nguyên kim ngạch xuất khẩu trong quý II/2025, đồng thời duy trì được vị thế trong chuỗi cung ứng. Theo ông Việt, đây rõ ràng là một “đòn tâm lý” mà Mỹ tung ra để gia tăng lợi thế đàm phán, chứ chưa phải là một chính sách rõ ràng được thực thi.
Như vậy, trong giai đoạn này, các công ty FDI sẽ chưa tính đến việc rời khỏi Việt Nam. Ngược lại, họ có thể sẽ tiếp tục sản xuất, chờ diễn biến chính sách và tìm cách thích nghi với những thay đổi bất ngờ.
“Nếu không có cú sốc lớn xảy ra, Việt Nam hoàn toàn có thể giữ vững và thậm chí tăng trưởng nhẹ kim ngạch xuất khẩu trong năm nay. Nhưng để biết tăng trưởng bao nhiêu, cần theo dõi thêm các diễn biến tiếp theo từ phía Mỹ và thị trường quốc tế,” ông Việt dự báo.
“Làn sóng các quốc gia đi tìm nhau”
Ông Nguyễn Tuấn Việt cũng nhấn mạnh đến một xu thế mới: các quốc gia và thị trường đang “đi tìm nhau” để không còn phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ. Việc ông Trump làm rối loạn chính sách thương mại khiến các nước khác bắt đầu tìm cách xây dựng mạng lưới liên kết đa phương, mở rộng quan hệ thương mại và tránh bị “giam lỏng” trong các sân chơi thương mại một chiều.
Điểm trung tâm của làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng này sẽ là châu Á – cái nôi sản xuất toàn cầu, trong đó Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lợi thế lớn nhờ: Nhân công giá rẻ, logistics thuận lợi; Bờ biển dài, nhiều cảng biển và địa hình “hẹp ngang, dài dọc” giúp tối ưu hóa chi phí vận chuyển; Hệ thống hiệp định thương mại FTA hàng đầu thế giới, với các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA…
Việt Nam hiện thuộc nhóm quốc gia có số lượng FTA nhiều nhất trên thế giới, và vẫn đang tiếp tục đàm phán để mở rộng thêm. “Đây chính là ‘hàng rào mềm’ nhưng rất hiệu quả giúp doanh nghiệp Việt giảm phụ thuộc vào Mỹ, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu,” ông Việt nhận định.
Một tín hiệu đáng mừng được ông Việt chia sẻ là: chỉ trong vòng một tuần qua, Vietgo đã tiếp nhận hàng loạt đơn hàng từ những thị trường mà trước đây Việt Nam rất khó tiếp cận như Nam Mỹ, châu Phi, Canada…
Sự dịch chuyển nhu cầu này chứng minh rằng: thế giới đang thực sự đi tìm nhau, mở ra cơ hội cho Việt Nam vươn ra toàn cầu. Và trong bối cảnh này, doanh nghiệp vừa và nhỏ chính là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất.
“Chúng ta không cần làm gì lớn lao, chỉ cần làm tốt sản xuất, kiểm soát chất lượng và ‘gật đầu’ đúng lúc với đối tác là có thể bắt kịp dòng chảy toàn cầu hóa mới. Đây là thời điểm vàng, và nếu bỏ lỡ, rất khó có cơ hội lần hai,” ông Việt nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tuấn Việt cho rằng cộng đồng doanh nghiệp Việt đang đối mặt với hai “cơn bão”. Thứ nhất là “bão” về chính sách thuế và cơn “bão” cơ hội khi thị trường thế giới tái cấu trúc, tạo ra dòng dịch chuyển mới về thương mại.
“Chúng ta không thể tránh cơn bão đầu tiên, nhưng hoàn toàn có thể ‘đón gió’ từ cơn bão thứ hai để bứt phá. Đây là thời điểm không dành cho sự chần chừ,” ông Việt kết luận.