Lao động nhập cư chơi vơi trong đại dịch

Lao động nhập cư chơi vơi trong đại dịch

Sự hòa nhoáng của các tòa nhà chọc trời hay khách sạn hạng sang bậc nhất ở nhiều quốc gia trên thế giới có sự đóng góp công sức xây dựng không nhỏ của người lao động nhập cư. Tuy nhiên, như một sự đối nghịch, lực lượng này vẫn phải sống trong điều kiện khó khăn thiếu thốn và đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 ập tới.

___________________

Lao động nhập cư chơi vơi trong đại dịch ảnh 1

Anh Shekor – một lao động đến từ Bangladesh – đã phải bán đất và vay tiền để trả cho công ty xuất khẩu lao động khoảng 7.000 USD với hy vọng nhận được việc làm lương cao tại Singapore. Tuy nhiên, khi tới Singapore, anh không ngờ phải làm việc nhiều giờ nặng nhọc trên các công trường xây dựng và tệ hơn là phải sống trong các công-te-nơ chật chội, hầu như khoog có ánh sáng mặt trời cùng với 8 lao động nhập cư khác. Anh chia sẻ đầy cay đắng: “Tôi không biết rằng mình sẽ phải sống khổ sở như vậy”.

Là con trai cả với gánh nặng tài chính hỗ trợ gia đình cũng như phải trả món nợ khổng lồ để đổi lấy chuyến đi đến miền đất hứa, anh Shekor “cắn răng” tiếp tục làm việc. Sau 10 năm, anh Shekor mới chuyển đến một phòng chứa 12 người trong ký túc xá dành cho lao động nhập cư, tốt hơn nhiều so với công-te-nơ trước đây. Tuy vậy, cái nóng ngột ngạt trong ký túc xá khiến mọi người phải ngủ hết trên sàn nhà; việc sử dụng nhà vệ sinh chung là một điều ám ảnh vì quá bẩn thỉu.

Điều kiện sống của anh Shekor không phải là một câu chuyện xa lạ đối với người lao động nhập cư tại Singapore - quốc gia với mức thu nhập bình quân tính theo đầu người thuộc hàng cao nhất thế giới, trên 51.000 USD, hơn hẳn các nước phát triển như Đức hay thậm chí Mỹ. Một Singapore nổi tiếng thế giới với các tòa nhà chọc trời hay các khách sạn hạng sang bậc nhất thế giới đã che khuất các khu ký túc xá cũ kỹ dành cho lao động nhập cư.  Đây là các tòa nhà bằng thép, nằm chủ yếu ở ngoại ô thị trấn, trong các khu công nghiệp, với những công nhân ngủ trên giường tầng, chen chúc trong những căn phòng có tới 20 người. Tổ hợp ký túc xá lớn nhất tại Singapore có tới 24.000 công nhân. So với thu nhập trung bình hàng tháng của người dân Singapore là 3.227 USD, mức lương điển hình cho người lao động nhập cư ở Singapore  khoảng 500 đến 700 đôla Singapore, thường ít hơn so với mức lương được hứa hẹn tại quê nhà.

Lao động nhập cư chơi vơi trong đại dịch ảnh 2

Tại Vùng Vịnh - một “miền đất hứa” khác của lao động nhập cư với nguồn dầu mỏ phong phú, nổi tiếng thế giới về cuộc sống xa hoa bậc nhất của các đại gia A-rập, cuộc sống của nhiều lao động nhập cư cũng không khá khẩm hơn.

Là mẹ của hai cô bé tuổi teen xinh đẹp ở miền nam Ấn Độ, Lakshmi Senthilnathan - 35 tuổi -  đã dành hơn 1/3 cuộc đời để làm người giúp việc cho các gia đình ở thành phố cảng Muscat của Oman. Nhìn dáng vẻ gầy gò của người phụ nữ này khó ai có thể hiểu cô đang là trụ cột của gia đình, với nghĩa vụ cung cấp tài chính nuôi con cái và cha mẹ già ở quê nhà cùng một ông chồng nghiện rượu. Để thực hiện nghĩa vụ đó, cô đã phải chấp nhận đối mặt với nhiều rủi ro trong công việc, từ việc bị tấn công tình dục đến việc bị chủ nhà đánh đập nếu làm việc quá chậm chạp. Chua xót về những gì đã trải qua nhưng đôi mắt của người phụ nữ này vẫn ánh lên niềm tự hào và hạnh phúc. Bởi với số tiền gửi về hàng tháng, Lashmi có thể giúp cô con gái đầu trở thành bác sĩ và cô con gái thứ hai trở thành một vận động viên tài năng. Cô Lakshmi chia sẻ, một số người bạn của cô còn gặp hoàn cảnh bi đát hơn khi bị chủ cạo hết tóc do không vâng lời, không được phép về thăm gia đình trong 5 năm và có thể bị quỵt tiền lương. Đối với hàng triệu lao động nhập cư ở các nước vùng Vịnh, phần lớn trong số họ là nữ và đến từ châu Á và châu Phi, những câu chuyện mà cô Lakshmi chia sẻ không phải là cá biệt.

Lao động nhập cư chơi vơi trong đại dịch ảnh 3
Lao động nhập cư chơi vơi trong đại dịch ảnh 4

Khi đại dịch Covid-19 ập đến, người lao động nhập cư thuộc nhóm đối tượng dễ bị lây nhiễm virus. Trong khi đó, các biện pháp bảo vệ họ chưa được chú trọng đúng mức.

Có nhiều lý do khiến nhóm lao động nhập cư dễ đối mặt với rủi ro nhiễm bệnh. Bất chấp đại dịch, những công nhân nhập cư tại một số nước vẫn phải trải qua hàng giờ di chuyển trên các xe tải đông đúc để đến và về từ các công trường xây dựng. Họ vẫn sống trong các phòng ký túc xá đông người, không đảm bảo vệ sinh với nguy cơ lây nhiễm rất cao. Đây cũng là nơi khó có thể thực hiện giãn cách xã hội.

Lực lượng lao động này cũng bị hạn chế tiếp cận với các trang thiết bị bảo hộ y tế, thông tin phòng chống dịch bệnh vì rào cản ngôn ngữ. Do lo ngại bị trục xuất, nhiều lao động không có đủ giấy tờ hợp lệ không dám đến các trung tâm y tế kiểm tra khi có những vấn đề sức khỏe, trong khi nhóm lao động này cũng đối mặt với tình trạng phân biệt đối xử hay bị kỳ thị bởi những người dân địa phương...

Lao động nhập cư chơi vơi trong đại dịch ảnh 5

Không có việc làm, không có tiền và không thể trở về quê hương là tình cảnh hiện tại của hàng triệu lao động nhập cư ở Vùng Vịnh. Một số lao động nhập cư có mức lương thấp ở Qatar - một trong những quốc gia giàu nhất thế giới - cho biết họ đã buộc phải ăn xin vì thất nghiệp.

Sợ hãi và tuyệt vọng là những cảm xúc mà anh Rafiq - một công nhân lau dọn vệ sinh từ Bangladesh – trải qua khi đột nhiên bị mất việc từ tháng 3 năm nay. Anh Rafiq và vài người bạn đã buộc phải xin thức ăn từ chủ lao động hoặc tổ chức từ thiện.

Những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất là những lao động không có giấy tờ, thường dựa vào công việc ngắn hạn. Điều đó cũng đồng nghĩa họ không có chủ lao động cố định để có nghĩa vụ cung cấp thực phẩm và hỗ trợ trong lúc khó khăn.

Theo ước tính mới của Tổ chức Lao động quốc tế ( ILO), gần 3/4 số lao động giúp việc gia đình trên toàn thế giới (tức hơn 55 triệu người) đứng trước nguy cơ lớn bị mất việc và thu nhập do các biện pháp phong tỏa và thiếu các cơ chế an sinh xã hội hiệu quả.

Lao động nhập cư chơi vơi trong đại dịch ảnh 6
Lao động nhập cư chơi vơi trong đại dịch ảnh 7

Một thực tế không thể phủ nhận là danh tiếng và sự phát triển hiện nay của Singapore phần lớn được xây dựng trên công sức của những lao động nhập cư. Với khoảng 5,7 triệu cư dân của thành phố hiện nay có đến gần 1/4 là lao động nước ngoài. Các địa điểm mang tính biểu tượng của Singapore như Vịnh Marina Bay nổi tiếng, đều được xây dựng bởi lao động nhập cư. Lao động nước ngoài giá rẻ thúc đẩy tăng trưởng, nâng thu nhập trung bình của Singapore lên 56.786 đô la vào năm 2019 và giúp quốc đảo này trở thành một trong những nơi giàu có nhất thế giới về GDP bình quân đầu người.

Vùng Vịnh cũng được xem là một trong những khu vực phụ thuộc nhiều vào lao động nhập cư. Tại Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất, người nhập cư chiếm tới 90% dân số. Tại Kuwait, 2/3 dân số là người nước ngoài. Ở Oman hay Bahrain, 1/2 dân số cũng là người nước ngoài.

 Hiện có nhiều lo ngại làn sóng lao động di cư bỏ đi ồ ạt tại một số quốc gia Vùng Vịnh sau đại dịch. Lý do có thể là kinh tế đi xuống hoặc chính sách an sinh với người nhập cư yếu kém, khiến nhiều lao động cảm thấy bất an và thất vọng. Vốn được coi là một "bánh răng", lao động nhập cư là một phần không thể thiếu giúp duy trì sự vận hành của cả một guồng máy kinh tế tại Vùng Vịnh.

Do đó, một sự ra đi ồ ạt sẽ khó có thể thay thế bởi lao động nội địa, không chỉ không đáp ứng nổi về số lượng, mà còn thiếu hụt khả năng và tay nghề. Nếu thực tế này xảy ra, việc phụ thuộc quá nhiều vào lao động nhập cư cũng sẽ đẩy nhiều quốc gia Vùng Vịnh rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu không thuê lao động nhập cư nữa, nền kinh tế không chỉ không có người vận hành, mà còn tác động tiêu cực đến “cầu” thị trường, bởi người nhập cư cũng chính là lực lượng tiêu dùng hùng hậu.

Lao động nhập cư chơi vơi trong đại dịch ảnh 8

Trong bối cảnh một số nền kinh tế vẫn quá phụ thuộc vào lao động nhập cư, ưu tiên trước mắt là cần phải có những biện pháp cải cách giúp giữ chân lực lượng lao động thiết yếu này. Nhiều nước bắt đầu đưa ra hàng loạt biện pháp không chỉ bảo vệ quyền lợi của lao động nhập cư trong đại dịch mà phải đảm bảo điều kiện sống tốt hơn cho lực lượng lao động này sau đại dịch Covid-19.

Một số nước châu Âu đã đề xuất các quy tắc mới để bảo vệ những người lao động nhập cư có lương thấp và điều kiện làm việc chưa tốt. Theo đó, buộc người sử dụng lao động phải cung cấp cho chính quyền thông tin về điều kiện ăn ở của lao động nhập cư có đủ tiêu chuẩn hay không, đảm bảo các điều khoản y tế và bảo vệ xã hội trong hợp đồng sử dụng lao động hay kéo dài trợ cấp cho người lao động mất việc làm do dịch Covid-19.

Bộ trưởng Nhân lực Singapore Josephine Teo cho rằng, dịch Covid-19 khiến các nhà tuyển dụng và người dân Singapore hiểu rằng việc nâng cao điều kiện sống tại ký túc xá lao động nhập cư là điều nên làm vì lợi ích của chính Singapore. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã thừa nhận những đóng góp của người lao động nhập cư cho Singapore. Ông khẳng định "Chúng tôi sẽ chăm sóc cho bạn, giống như những người Singapore. Chúng tôi sẽ chăm sóc sức khỏe, phúc lợi và sinh kế của bạn. Chúng tôi sẽ làm việc với chủ lao động của bạn để đảm bảo rằng bạn được trả tiền, và bạn có thể gửi tiền về nhà ... Đây là nghĩa vụ và trách nhiệm của chúng tôi với bạn và gia đình bạn"

Trong bối cảnh các quốc gia khu vực bắt đầu giai đoạn “bình thường mới” sau khi dịch Covid-19 hạ nhiệt, làn sóng di chuyển của lao động nhập cư  (về nước hoặc quay trở lại nơi làm việc) gia tăng có thể là nguồn nguy cơ lây nhiễm virus tiềm ẩn. Hàng loạt các biện pháp kiến nghị đã được đưa ra để bảo vệ cho nhóm người lao động này như thiết lập chốt kiểm tra tại các sân bay, chốt biên giới để sàng lọc sức khỏe, yêu cầu hoàn thành quy trình 14 ngày cách ly trước khi bắt đầu làm việc.

Chính phủ các nước có lao động nhập cư cũng cần đảm bảo chính sách chăm sóc sức khỏe linh hoạt, dễ tiếp cận, không phân biệt đối xử cũng như đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội cho nhóm lao động di cư. Chính phủ ở nước xuất xứ và cơ quan tuyển dụng nên hợp tác để đảm bảo trách nhiệm giải trình về điều kiện làm việc của người lao động trong điều kiện đại dịch, thông qua những điều khoản trách nhiệm trong hợp đồng lao động đã ký trước khi khởi hành.

Lao động nhập cư chơi vơi trong đại dịch ảnh 9

Bài: Anh Đức

Thiết kế: Mẫn San

TIN LIÊN QUAN
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).
Tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: THX/TTXVN
WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai
(Ngày Nay) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine LC16m8 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vaccine kịp thời tại các cộng đồng đang bùng phát dịch đậu mùa khỉ.