Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết chống đại dịch COVID-19

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 31/3 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết và hợp tác trên các mặt trận kinh tế - xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
TTK LHQ Antonio Guterres. Ảnh: THX/ TTXVN
TTK LHQ Antonio Guterres. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong báo cáo về những tác động của COVID-19 đối với kinh tế - xã hội, ông Guterres cho rằng thế giới đang đối mặt với thử thách chưa từng có. Do đó, ông cho rằng thế giới cần ứng phó quyết đoán theo phương thức mới và cùng đẩy lùi sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Ông Guterres nhấn mạnh điều mà thế giới cần ở thời điểm hiện tại là sự đoàn kết bởi đoàn kết giúp chúng ta đánh bại dịch bệnh và xây dựng thế giới tốt đẹp hơn.

Ông Guterres cho biết thêm LHQ đang thành lập một quỹ tín thác về ứng phó với đại dịch COVID-19 để hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình nhằm đối phó với tình hình khẩn cấp và phục hồi sau cú "sốc" kinh tế - xã hội.

Người đứng đầu LHQ kêu gọi thế giới phải có những giải pháp toàn diện và phối hợp thực hiện đồng bộ, có thể tiêu tốn ít nhất 10% GDP toàn cầu. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), GDP toàn cầu năm 2018 đạt 86.000 tỷ USD.

Trong khi đó, cùng ngày, Tổng Giám đốc Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) Qu Dongyu ngày 1/4 kêu gọi các nhà hoạch định chính sách trên thế giới cần tránh tạo ra khủng hoảng nguồn cung lương thực trong quá trình đối phó với sự lan rộng của dịch bệnh COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, trong bài viết đăng trên báo Straits Times ngày 1/4, ông Qu Dongyu cho rằng dịch COVID-19 đang tạo ra những thách thức với hệ thống y tế trên toàn cầu với số ca tử vong ngày càng tăng. Để giảm thiểu nguy cơ gia tăng số người tử vong, một phần xuất phát từ sự thiếu lương thực, thực phẩm, các nước trên thế giới cần phải hành động ngay lập tức để hạn chế tối đa sự gián đoạn các chuỗi cung ứng lương thực.

Theo quan điểm của ông Qu Dongyu, xét từ kinh nghiệm cuộc khủng hoảng giá lương thực toàn cầu năm 2007-2008, các biện pháp mà các nước đang thực hiện như phong tỏa, hạn chế đi lại, đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu như quán ăn... có thể khiến tình hình thêm tồi tệ. Việc hạn chế xuất khẩu lương thực, thực phẩm bởi một số quốc gia có thể dẫn tới gián đoạn nghiêm trọng thị trường lương thực thế giới, khiến giá cả leo thang.

Ông Qu Dongyu kêu gọi thế giới cần nhìn lại các bài học trong quá khứ để tránh lặp lại sai lầm. Các nhà hoạch định chính sách cần tính toán kỹ lưỡng các bước đi đối phó với dịch COVID-19, không tạo ra sự thiếu hụt nguồn cung lương thực. Đại dịch là vấn đề toàn cầu và cần phải có một giải pháp phối kết hợp quy mô toàn cầu để đối phó. Thế giới cần phải hành động để ngăn chặn không xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực tiếp theo.

Theo TTXVN
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.