New York thập niên 90 trong mô hình lớn nhất thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Mô hình toàn cảnh (Panorama) tại Bảo tàng Queens – bản sao tỉ lệ 1:1.200 lớn nhất của thành phố New York đã tiếp tục thu hút du khách sau sáu thập kỷ. Mô hình được chế tác thủ công từ những năm 1960, mô hình tái hiện chi tiết các địa danh biểu tượng và có hệ thống chiếu sáng luân phiên giữa ngày và đêm, mang đến góc nhìn toàn cảnh về cả năm quận. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm, bảo tàng đã phát hành một cuốn sách và video tư liệu về công trình độc đáo này.
New York thập niên 90 trong mô hình lớn nhất thế giới

Từ công cụ quy hoạch đến biểu tượng lịch sử

Ban đầu, Panorama được xây dựng để phục vụ Hội chợ Thế giới New York năm 1964 – sự kiện quốc tế lớn nhất của Mỹ lúc bấy giờ, nhằm quảng bá sự phát triển vượt bậc của thành phố. Hội chợ do ông Robert Moses giám sát, một nhà quy hoạch đô thị có tầm ảnh hưởng nhưng cũng gây nhiều tranh cãi với các dự án đường cao tốc làm hàng trăm nghìn cư dân New York phải di dời.

Khi được giao nhiệm vụ làm tác phẩm Panorama, Moses không chỉ muốn tạo ra một mô hình trưng bày mà còn coi đây là công cụ quy hoạch đô thị. Một số phần của mô hình có thể tháo rời và thiết kế lại để thử nghiệm các tuyến giao thông và quy hoạch khu dân cư mới. Được chế tác thủ công với độ chính xác gần như tuyệt đối (sai số dưới 1%), mô hình đã trải qua nhiều lần cập nhật trước thập niên 1990, nhưng nay đã “đóng băng” theo thời gian.

Theo bà Lynn Maliszewski, Phó Giám đốc phụ trách Lưu trữ và Bộ sưu tập tại Bảo tàng Queens, chi phí xây dựng mô hình vào năm 1964 là hơn 672.000 USD (tương đương 6,8 triệu USD ngày nay), và lần sửa đổi cuối cùng vào năm 1992 tiêu tốn gần 2 triệu USD (khoảng 4,5 triệu USD theo giá trị hiện tại). Khi được hỏi tại sao Panorama không tiếp tục được cập nhật, bà Maliszewski cho rằng việc bổ sung ba thập kỷ thay đổi sẽ đòi hỏi nguồn nhân lực và tài chính khổng lồ. Ngoài ra, việc chế tác mô hình thủ công ngày càng hiếm, khi hầu hết kiến trúc sư, nhà quy hoạch và nhà thiết kế ngày nay đã chuyển sang mô hình kỹ thuật số.

Dù vậy, yếu tố lịch sử chính là nét cuốn hút đặc biệt của Panorama. “Những gì chúng ta đang thấy là New York vào ngày 1/1/1992. Tôi cảm thấy kì diệu khi nghĩ về mức độ thay đổi của thành phố. Nếu thu nhỏ mình lại và bước vào mô hình này, nhiều khu phố có lẽ sẽ không thể nhận ra được nữa,thế giới tiếp tục phát triển với tốc độ chóng mặt, và ở New York, sự thay đổi về hạ tầng đô thị thậm chí còn nhanh hơn”, bà Maliszewski nhận xét.

Biểu tượng cũ và mới

Theo cuốn sách kỷ niệm 60 năm, mô hình Panorama được nâng đỡ bởi 497 chân thép, với các lớp gỗ và xốp được chạm khắc để tái hiện địa hình New York. Những cây cầu thu nhỏ bằng đồng thau, cùng hàng trăm ô tô, xe buýt, tàu hỏa và tàu điện ngầm bằng acrylic, tạo nên một bức tranh sinh động về thành phố. Ban đầu, mô hình được thiết kế để khách tham quan có thể đi bộ qua một số khu vực bằng phẳng, như những tòa nhà thấp tầng, công viên và vùng sông nước rộng lớn. Panorama chứa khoảng 895.000 công trình mô phỏng, từ các khu nhà brownstone, nhà riêng làm bằng khuôn đúc acrylic, đến những tòa nhà đặc trưng như chọc trời, bảo tàng và nhà thờ được chế tác thủ công từ gỗ và giấy sơn màu.

Trong năm lần nâng cấp trước năm 1992, một số công trình mới đáng chú ý được thêm vào, bao gồm tổ hợp Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) với hai tòa tháp đôi biểu tượng, khu Battery Park City vốn là một bãi rác cũ được tái phát triển vào những năm 1970, và Trung tâm Lincoln - trái tim của nghệ thuật và văn hóa New York. Tuy nhiên, nhiều công trình hiện đại vẫn vắng bóng trong Panorama, như khu Hudson Yards, đường High Line - tuyến đường bộ dài 233km cải tạo từ đường sắt vào cuối những năm 2000, và loạt tòa tháp "siêu mỏng" đang thay đổi mạnh mẽ đường chân trời thành phố.

New York thập niên 90 trong mô hình lớn nhất thế giới ảnh 1

Mọi thứ đều được làm thủ công

Tom Jarrow, một thành viên trong đội ngũ chỉnh sửa mô hình Panorama năm 1992, vẫn nhớ lần đầu tiên nhìn thấy công trình này tại Hội chợ Thế giới 1964-1965, khi ông mới bảy tuổi. Mô hình, nặng khoảng hơn 20 tấn, được chế tác hoàn toàn thủ công, bao gồm việc khắc axit để tạo các chi tiết tinh xảo, đúc hàng trăm hình dạng mới cho các tòa nhà bổ sung, và làm những hàng cây, bụi rậm tí hon từ bọt biển sơn màu.

Công việc chính của Jarrow khi đó là vấn đề đèn điện. Ban đầu, mô hình được thắp sáng bởi hơn 3.000 bóng đèn nhỏ nhiều màu, và mỗi khi một bóng cháy, nó phải được tháo rời bằng tay để thay thế. Trong lần sửa đổi năm 1992, ông đã nâng cấp hệ thống chiếu sáng với bóng đèn sáng hơn, nhưng do hạn chế về ngân sách, công nghệ được sử dụng thậm chí đã lỗi thời ngay cả vào thời điểm đó.

Jarrow và Maliszewski đều đồng tình rằng mô hình Panorama sẽ cải thiện đáng kể nếu được trang bị hệ thống chiếu sáng hiện đại hơn, vừa dễ bảo trì vừa mang lại trải nghiệm tương tác hấp dẫn hơn cho khách tham quan. Hiện bảo tàng đang lên kế hoạch nâng cấp ánh sáng vào năm 2027 nhờ một khoản tài trợ từ Viện Dịch vụ Bảo tàng và Thư viện. Ngoài ra, họ cũng muốn tích hợp kỹ thuật số hệ thống tàu điện ngầm đó là một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của người dân New York nhưng hiện chưa có trên mô hình.

Để bảo quản Panorama, bảo tàng tiến hành vệ sinh ít nhất hai lần mỗi năm, sử dụng chổi quét có kích thước khác nhau và máy hút bụi công suất thấp để làm sạch các chi tiết tinh vi. Một chương trình gây quỹ lâu năm cũng cho phép du khách “nhận nuôi” một phần mô hình chẳng hạn như tòa nhà mình sinh sống, nhà hàng yêu thích hay công viên gần nhà bằng cách đóng góp một khoản tiền hàng năm cho bảo tàng.

Panorama không chỉ là một mô hình kiến trúc mà còn là kho lưu trữ ký ức của New York. Dù thành phố không ngừng đổi thay, mô hình này vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử, mang đến góc nhìn độc đáo về một New York của thập niên 90. Với những kế hoạch nâng cấp trong tương lai, Panorama hứa hẹn tiếp tục là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp người xem cảm nhận sự phát triển không ngừng của đô thị này.

Theo CNN
Bình luận