Người muốn bỏ
Với nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, một người nặng lòng với lịch sử, văn hóa người Hà Nội, loa phường có sau khi giải phóng Thủ đô (1954). Lúc đó đài truyền thanh được thành lập và đã mắc rất nhiều loa. Thời bấy giờ loa có tác dụng rất tốt, ngoài các tin tức thời sự thì còn thông báo những thứ rất cần thiết cho người dân như tem phiếu thế nào gạo mua ra sao... Không chỉ cung cấp tin tức, loa còn thông báo các chế độ chính sách với người dân và giải trí.
“Phải thừa nhận rằng rất nhiều ca khúc mà những người như chúng tôi bây giờ thuộc đều thông qua hệ thống loa phường. Ngoài ra, trong những năm chiến tranh, loa còn thêm nhiệm vụ báo động”. Theo ông Tiến, loa phường rất hữu ích trong thời bao cấp vì thời đó ít phương tiện thông tin, người dân chủ yếu tiếp nhận thông tin qua đài và loa phường.
TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cũng cho rằng, loa là hình ảnh rất đỗi thân thương với những lớp người trước. Hệ thống truyền thanh công cộng trong suốt nửa thế kỷ qua đã giữ một vai trò lịch sử quan trọng, phổ biến chính sách, thông báo tình hình trật tự trị an xã hội, nhận lương hưu, thông báo nghĩa vụ quân sự...
Theo nhiều lãnh đạo phường ở Hà Nội, hầu hết các phường đã có trang web, thông tin về mọi hoạt động của phường đều được “up” đều đặn. Nếu phải lựa chọn giữa loa phường và web phường, thì đương nhiên truy cập vào web phường chủ động hơn, đơn giản hơn, lại không làm người dân khó chịu khi phải nghe một cách thụ động. Trong thời hiện đại, loa phường trở thành điều “ác cảm” quấy nhiễu người dân nhiều hơn khi sáng sáng, mặc cho các công dân Thủ đô đang say ngủ hay đã thức dậy, già hay trẻ, có liên quan hay không, đã biết hay chưa… loa phường vẫn cứ ”hồn nhiên” oang oang trên cột điện.
Người mong giữ…
Từ ngày Hà Nội cắt đi loa phường, chuyện nhỏ như nhắc treo cờ ngày lễ, tổ trưởng dân phố ở nhiều phường phải gõ cửa từng nhà, đến mọi ngõ ngách để thúc giục. Ông Phạm Ngọc Cơ (nhà A2, tập thể Thành Công, Ba Đình) - Trưởng ban Mặt trận khu dân cư kể rằng, tổ trưởng dân phố phải leo từng tầng một, gõ cửa từng nhà và không phải cán bộ nào cũng đủ sức để đi như vậy.
Ông bảo, ông đã dự hơn chục cuộc từ cấp tổ dân phố đến phường, quận và thành phố về chủ đề này. Theo ông, cách vận hành loa tại nhiều nơi rất sai, phát toàn ca nhạc và những thứ không cần thiết nên dân phản đối. Phát thanh viên thì nhiều người kiêm nhiệm, không có trình độ về truyền thông nên bản tin chán. Nhưng không có loa thì khổ cho tổ trưởng dân phố quá. “Nên có quy chế về phát loa phường khi giữ lại, trong đó chỉ phát những thứ thật cần thiết” – ông Cơ đề xuất.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Bí thư chi bộ 2 (phường Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày tỏ: “Cách đây hơn một tháng, đại diện Viettel có đến thu hồi thiết bị thông minh và lý giải để nâng cấp. Thực tế tiếp nhận thông tin từ cả hai loại hình, tôi thấy vẫn phải duy trì cả loa phường và thiết bị thông minh. Xóa bỏ loa phường phải có lộ trình vì thiết bị mới có nhiều tính năng nhưng để sử dụng được phải có thiết bị khác hỗ trợ như máy tính bảng, điện thoại thông minh. Những thiết bị này không phải ai cũng thành thạo khi sử dụng. Theo ông Tâm, loa phường vẫn có tác dụng nhất định, nhất là phát thông báo về các quy định mang tính cấp thiết hoặc chiến dịch như tiêm phòng, dịch bệnh, vệ sinh môi trường. “Vấn đề là nội dung phát thông báo cần ngắn gọn, có giờ nhất định để người dân tiếp nhận thông tin”.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội), vừa rồi, khi tạm ngừng hệ thống loa phường, việc truyền tải thông tin từ cấp phường xuống người dân thông qua tổ trưởng. Tuy nhiên, tổ trưởng có người năng động, có người không nên thông tin đến người dân nhiều khi không đầy đủ. Còn phương thức nhắn tin liên quan đến bảo mật cá nhân, có người cung cấp số, có người không. Việc nhắn tin sẽ tốn chi phí và điều này khi triển khai cần nhắc ngân sách thực hiện.
Ông Dũng cho rằng, hệ thống loa phường vẫn có tác dụng trong việc chuyển tải thông tin đến người dân. Khi phát đi thông tin, có thể không nghe đầy đủ nhưng họ có thể biết được chủ đề và từ đó sẽ người nọ truyền tai người kia. “Với loa phường, nếu duy trì phải thay đổi phương thức hoạt động, chỉ nên truyền tải thông tin cần thiết, hoạt động trong phạm vi của phường. Nội dung thông tin ngắn gọn và phát vào thời điểm phù hợp”.
Theo nhiều lãnh đạo phường ở Hà Nội, hầu hết các phường đã có trang web, thông tin về mọi hoạt động của phường đều được “up” đều đặn. Nếu phải lựa chọn giữa loa phường và web phường, thì đương nhiên truy cập vào web phường chủ động hơn, đơn giản hơn, lại không làm người dân khó chịu khi phải nghe một cách thụ động. Trong thời hiện đại, loa phường trở thành điều “ác cảm” quấy nhiễu người dân nhiều hơn khi sáng sáng, mặc cho các công dân Thủ đô đang say ngủ hay đã thức dậy, già hay trẻ, có liên quan hay không, đã biết hay chưa… loa phường vẫn cứ ”hồn nhiên” oang oang trên cột điện.