Theo luật sư, trong trường hợp của nghệ sĩ Minh Béo, dù có bỏ ra 1 triệu USD thì Minh Béo cũng chưa chắc đã được thả về nhà, mà có thể vẫn bị chuyển sang Sở di trú quản lý.
Để làm rõ việc Minh béo bị quản lý như thế nào sau khi nộp tiền tại ngoại, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Trước đó, ngày 25/3, Biện Lý Quận Cam, California, Mỹ đã chuyển hồ sơ Hồng Quang Minh, nghệ danh Minh Béo (sinh năm 1977) ra Tòa Thượng Thẩm tiểu bang California, hạt Orange, truy tố 3 tội danh: Quan hệ tình dục bằng miệng với một nam thiếu niên dưới 18 tuổi; Toan có hành động dâm ô với trẻ em dưới 14 tuổi; Sắp xếp gặp gỡ với dự tính có hành động dâm ô với trẻ vị thành niên.
Số tiền tại ngoại hầu tra được đề nghị cho diễn viên Minh Béo là 1 triệu USD, tương đương 22 tỷ đồng.
Theo luật sư Đặng Văn Cường: Theo thông tin trong vụ án tình nghi tấn công tình dục trẻ em tại Mỹ, nếu muốn tại ngoại, nghệ sĩ Minh Béo sẽ phải bỏ 1 triệu USD (tương đương khoảng 22 tỷ đồng Việt Nam). Việc này khiến nhiều người có ý nghĩ so sánh với các quy định của pháp luật Việt Nam.
Pháp luật của Hoa Kỳ có quy định về bảo lĩnh trong rất nhiều trường hợp, kể cả các tội đặc biệt nghiêm trọng như giết người, hiếp dâm, cướp tài sản..
Với những tội đặc biệt nghiêm trọng như vậy thì mức tiền bảo lãnh rất cao, như trong vụ việc với nghệ sĩ Minh Béo nêu trên.
Diễn viên hài Minh Béo bị cáo buộc xâm hại tình dục trẻ em. Ảnh: OC Register
Có hai hình thức nộp tiền bảo lĩnh là số tiền đặt cọc theo quy định pháp luật, để đảm bảo khi có sự triệu tập của cơ quan tố tụng. Sau vụ việc họ sẽ được nhận lại số tiền này (tiền Beo).
Cũng cần lưu ý là không phải cứ bỏ số tiền bảo lãnh nêu trên là nghi phạm được về với gia đình. Sau khi nộp tiền bảo lĩnh thì Sở lưu trú vẫn có thể giữ lại để quản lý (tạm giam) tiếp.
Với người nước ngoài bị tình nghi phạm tội ở Mỹ thì họ sẽ không được về nước trong thời gian chờ xét xử. Nếu có tội thì sẽ phải chấp hành án xong mới bị trục xuất.
Như vậy, trong trường hợp của nghệ sĩ Minh Béo, dù có bỏ ra 1 triệu USD thì Minh Béo cũng chưa chắc đã được thả về nhà, mà có thể vẫn chuyển sang Sở di trú quản lý.
Còn đối với pháp luật Việt Nam, luật sư Cường cho biết : Nếu đã bị khởi tố về các tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng theo pháp luật Việt Nam (mức hình phạt từ 15 năm tù trở lên ) thì bị can gần như không có cơ hội được bảo lãnh tại ngoại.
Cụ thể pháp luật Việt Nam hiện hành (năm 2003 ) quy định cho việc này là điều 88 Tạm giam
Như vậy, với các bị can mà bị khởi tố về các tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng (hình phạt từ 15 năm tù trở lên) thì sẽ bắt buộc áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam.
Với những người bị khởi tố về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng mức hình phạt trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội, thì mới áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam. Còn bình thường có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn khác là cấm đi khỏi nơi cư trú (tại ngoại).
Cũng theo quy định tại Điều 92, Điều 93 Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện hành, thì người đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam để điều tra vẫn có cơ hội được thay đổi biện pháp ngăn chặn, chuyển sang biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú (được trở về nhà).
Trường hợp bảo lãnh quy định tại Điều 92 BLTTHS thì người bảo lãnh (bảo đảm cho bị can về địa phương) không phải nộp bất cứ một khoản tiền hoặc tài sản nào để đảm bảo, chỉ đảm bảo trên cơ sở uy tín của mình và phụ thuộc vào tính chất của vụ án.
Pháp luật Việt Nam hiện hành cũng có quy định về việc đặt một khoản tiền, tài sản để đảm bảo cho việc cơ quan tố tụng sẽ thả bị can, bị cáo về nhà trong thời gian chờ điều tra, truy tố, xét xử, tại điều 93.
Trong trường hợp bị can, bị cáo chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan thì cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm trả lại cho họ số tiền hoặc tài sản đã đặt.
Nhằm áp dụng đúng và thống nhất quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về đặt tiền để bảo đảm trong tố tụng hình sự, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, VKSNDTC, TANDTC ban hành Thông tư liên tịch 17/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC có hiệu lực kể từ 15/01/2014
Như vậy, có thể thấy quy định về bảo lãnh bằng tiền, tài sản của pháp luật Việt Nam khác với quy định của pháp luật Hoa Kỳ.
Theo hướng dẫn tại Thông tư sô s17/2013/TTLT thì "Bị can, bị cáo không thuộc trường hợp phạm một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người; hành vi phạm tội gây dư luận xấu trong nhân dân…" thì mới có thể được áp dụng Điều 93 BLTTHS để đặt tài sản đảm bảo để thay đổi biện pháp ngăn chặn.
Với tội danh như giết người, cướp tài sản, hiếp dâm trẻ em; giao cấu với trẻ em... thì không được đặt tài sản để bảo lãnh. Vì vậy, nếu Minh Béo bị khởi tố theo pháp luật Việt Nam về các hành vi mà cơ quan tố tụng Hoa Kỳ đang cáo buộc (hiếp dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em, dâm ô với trẻ em..) thì Minh Béo có bỏ ra 22 tỷ đồng hay nhiều hơn nữa cũng không thể áp dụng được Điều 93 BLTTHS để tại ngoại.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì không phải bất cứ ai nhiều tiền là có thể bảo lãnh, đặt cọc bằng tiền để tại ngoại.
Chỉ những trường hợp đủ điều kiện theo Điều 93 BLTTHS và hướng dẫn tại Thông tư số 17/2013/TTLT nêu trên thì mới có thể dùng tiền để thay đổi biện pháp ngăn chặn. Đồng thời, việc thay đổi này không ảnh hưởng tới quá trình điều tra, truy tố, xét xử bị can, bị cáo.
"Điều 88. Tạm giam 1. Tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp sau đây: a) Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng; b) Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội. 2. Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ những trường hợp sau đây: a) Bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã; b) Bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử; c) Bị can, bị cáo phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia. 3. Những người có thẩm quyền ra lệnh bắt được quy định tại Điều 80 của Bộ luật này có quyền ra lệnh tạm giam. Lệnh tạm giam của những người được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được lệnh tạm giam, đề nghị xét phê chuẩn và hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc tạm giam, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Viện kiểm sát phải hoàn trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra ngay sau khi kết thúc việc xét phê chuẩn. 4. Cơ quan ra lệnh tạm giam phải kiểm tra căn cước của người bị tạm giam và thông báo ngay cho gia đình người bị tạm giam và cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị tạm giam cư trú hoặc làm việc biết. Điều 92 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: "Điều 92. Bảo lĩnh 1. Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh. 2. Cá nhân có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ. Trong trường hợp này thì ít nhất phải có hai người. Tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức của mình. Khi nhận bảo lĩnh, cá nhân hoặc tổ chức phải làm giấy cam đoan không để bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án. Khi làm giấy cam đoan, cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh được thông báo về những tình tiết của vụ án có liên quan đến việc nhận bảo lĩnh. 3. Những người quy định tại khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà có quyền ra quyết định về việc bảo lĩnh. 4. Cá nhân nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo phải là người có tư cách, phẩm chất tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Việc bảo lĩnh phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc. Đối với tổ chức nhận bảo lĩnh thì việc bảo lĩnh phải có xác nhận của người đứng đầu tổ chức. 5. Cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ đã cam đoan và trong trường hợp này bị can, bị cáo được nhận bảo lĩnh sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác." " Điều 93. Đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm 1. Đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập. 2. Những người quy định tại khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà có quyền ra quyết định về việc đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm. Quyết định của những người quy định tại điểm d khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. 3. Cơ quan ra quyết định về việc đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm phải lập biên bản ghi rõ số lượng tiền, tên và tình trạng tài sản đã được đặt và giao cho bị can hoặc bị cáo một bản. 4. Trong trường hợp bị can, bị cáo đã được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án triệu tập mà vắng mặt không có lý do chính đáng thì số tiền hoặc tài sản đã đặt sẽ bị sung quỹ Nhà nước và trong trường hợp này bị can, bị cáo sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. 5. Trình tự, thủ tục, mức tiền hoặc giá trị tài sản phải đặt để bảo đảm, việc tạm giữ, hoàn trả, không hoàn trả số tiền hoặc tài sản đã đặt được thực hiện theo quy định của pháp luật." Thông tư liên tịch 17/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC có hiệu lực kể từ 15/01/2014 Theo đó, cơ quan tiến hành tố tụng quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm khi có đủ các điều kiện sau: - Bị can, bị cáo phạm tội lần đầu; có nơi cư trú rõ ràng; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; - Bị can, bị cáo có khả năng về tài chính để đặt bảo đảm theo quy định. Đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần mà không có hoặc không đủ tiền để đặt bảo đảm thì xem xét đến khả năng tài chính của người đại diện hợp pháp của họ; - Có căn cứ xác định, sau khi được tại ngoại, bị can, bị cáo sẽ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng và không tiêu huỷ, che giấu chứng cứ hoặc có hành vi khác cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử; - Việc cho bị can, bị cáo tại ngoại không gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự; - Bị can, bị cáo không thuộc trường hợp phạm một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người; hành vi phạm tội gây dư luận xấu trong nhân dân…. Mức tiền được đặt để bảo đảm do Cơ quan điều tra, VKS, Tòa án quyết định nhưng không 20 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 80 triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng, 200 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng. Đối với các trường hợp bị can, bị cáo là đối tượng đặc biệt như thuộc hộ nghèo; là thương binh, bệnh binh, được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần… thì các cơ quan trên có thể quyết định mức tiền bảo đảm thấp hơn, nhưng không dưới 1/2 mức nêu trên. |
Thu Trang