Trong 3 ngày (từ 23 đến 25-8) tổ chức, chương trình có rất nhiều hoạt động ý nghĩa, đặc sắc và sống động diễn ra đã góp phần quan trọng làm sâu đậm thêm tình cảm gắn bó, bền chặt giữa hai địa phương, đồng thời đem đến nhiều trải nghiệm độc đáo cho người dân thành phố Hồ Chí Minh và du khách.
Hiện diện của văn hóa Hà Nội tại thành phố mang tên Bác
Trong 3 ngày diễn ra Chương trình “Những ngày Hà Nội tại thành phố Hồ Chí Minh” đã diễn ra nhiều hoạt động nổi bật, ý nghĩa như: Lãnh đạo Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Tổng Bí thư Trần Phú; trưng bày chuyên đề về Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long và Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám; cùng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật khác, nổi bật là chương trình nghệ thuật đặc biệt tại lễ khai mạc với chủ đề “Dấu son Hà Nội”.
Tại chương trình, văn hóa Hà Nội hiện diện rõ nét và sống động ngay tại thành phố mang tên Bác như: Biểu tượng Hà Nội; chùa Một Cột; tượng đài Cảm tử quân; trụ sở Tòa soạn Báo Hànộimới; chứng tích lịch sử cầu Long Biên; chợ Đồng Xuân; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Hà Nội; đặc biệt, khu ẩm thực có đầy đủ các món ăn mang đặc trưng, hồn cốt của ẩm thực Thủ đô. Những biểu trưng văn hóa, lịch sử, con người và ẩm thực Hà Nội giữa lòng thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút rất đông người dân thành phố mang tên Bác, nhất là giới trẻ đến tham quan, trải nghiệm, thưởng thức và chụp ảnh để lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ.
Chị Phạm Thu Hoài (quận Tân Phú) chia sẻ: “Tôi đã được đến Hà Nội một lần cách đây nhiều năm và mong muốn trở lại nhưng chưa có cơ hội. May mắn là chương trình này đã mang Hà Nội đến với thành phố mà tôi đang sinh sống. Trong 3 ngày diễn ra chương trình, tôi đều tranh thủ thời gian đến tham quan, chụp ảnh bên các biểu tượng của Hà Nội, tìm hiểu các tư liệu văn hóa, lịch sử và con người Hà Nội. Hoạt động mà tôi không thể bỏ qua đó là thưởng thức các món ăn của tinh hoa ẩm thực Hà Nội”.
Bà Trần Thị Hàm Đan, 59 tuổi, một người con của thành phố Hồ Chí Minh đã cùng 4 người bạn quê gốc Hà Nội hiện sinh sống, làm việc tại mảnh đất phương Nam, đến phố đi bộ Nguyễn Huệ để “hướng về Hà Nội”, như lời bà Đan bày tỏ. “Chúng tôi đã đi một vòng quanh khu ẩm thực và rất thú vị nhận thấy rất nhiều món ngon Hà thành đang "tụ hội" tại đây. Thật bất ngờ lại có dịp thấy Hà Nội gần đến thế!”, bà Hàm Đan nói.
Cũng theo bà Hàm Đan, bà từng có nhiều dịp ra Hà Nội, lại thêm có những người bạn thân đều quê gốc Thủ đô, nên những câu chuyện 4 mùa về một Thủ đô đầy yêu thương, tự hào… luôn có mặt trong những cuộc gặp gỡ của họ. Chuyện cũ ôn lại để thêm nhớ, chuyện mới kể đến để thêm yêu Thủ đô ngàn năm tuổi. Nếm sợi bún trắng trong bát óng vàng riêu và nước dùng thanh ngọt, bà Hàm Đan phấn khởi cho biết: “Hương vị một 8, một 10 với bún riêu ở Hà Nội rồi. Điểm khác, có chăng là không gian thưởng thức mà thôi. Rất tuyệt vời!”.
Chị Nguyễn Minh An là một người con Hà Nội, đã xa quê vào Nam sinh sống, làm việc được 11 năm. Tham dự “Những ngày Hà Nội tại thành phố Hồ Chí Minh”, chị An và bạn bè đã tranh thủ ngày nghỉ đến phố đi bộ Nguyễn Huệ để được "sống" trong không gian Hà Nội.
Chị An nói: “Mọi khung cảnh Hà Nội ở đây thật thân thuộc. Tôi và các bạn rất xúc động. Đặc biệt, góc vỉa hè Lê Thái Tổ trước Tòa soạn Báo Hànộimới gắn với bao kỷ niệm thời thơ ấu của tôi, bởi đây là nơi vui chơi, gặp gỡ, tụ tập của tôi và các bạn từ khi còn nhỏ xíu đến lúc trưởng thành. Cả bầu trời tuổi thơ và thanh xuân của tôi gắn với góc check-in này và cả Bờ Hồ nữa. Khi đến đây, mọi thứ lại ùa về sống động...”.
Còn với anh Đoàn Viết Thịnh, một người Hà Nội cùng bạn đi xem từng bức ảnh được trưng bày hai bên cụm biểu tượng cây cầu Long Biên vắt mình qua sông Hồng. “Mỗi bức ảnh gợi nên một câu chuyện để tôi có thể kể với bạn gái. Những hình ảnh này cùng biểu tượng cây cầu vừa làm tôi nhớ lại bao kỷ niệm xưa khi lớn lên ở Hà Nội”, anh Thịnh tâm sự.
Tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh, chương trình là dịp để hai thành phố ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, gặp gỡ, chia sẻ, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc, tiềm năng và con người của mỗi địa phương đến với công chúng và du khách; làm sâu đậm thêm tình cảm gắn bó, bền chặt và thắt chặt mối quan hệ hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực giữa hai địa phương.
Còn Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải cho rằng, chương trình không chỉ có ý nghĩa quan trọng mà còn chuyên chở tình cảm sâu sắc của hai thành phố nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Thu hút hàng chục nghìn người tham quan, trải nghiệm
Tối 25/8, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã có báo cáo sơ lược sau 3 ngày diễn ra Chương trình “Những ngày Hà Nội tại thành phố Hồ Chí Minh”. Theo đó, hoạt động trưng bày “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau” tại không gian Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh, sau 2 ngày hoạt động (ngày 23-8 và 24-8), đã đón 1.983 lượt khách tham quan; trong đó, ngày 23-8 đón 826 lượt; ngày 24-8 đón 1.157 lượt.
Trong 3 ngày diễn ra hoạt động “Quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết hợp quảng bá xúc tiến du lịch liên kết Thủ đô Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh”, đã thu hút hơn 50.000 lượt người dân thành phố Hồ Chí Minh, du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm, trải nghiệm.
Không gian quảng bá du lịch thu hút đông đảo du khách đến tìm hiểu các tour đặc sắc của Hà Nội như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Làng cổ Đường Lâm, chương trình thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ... với gần 1.000 người đã đăng ký tour đến Hà Nội du lịch.
Đặc biệt, không gian “Tinh hoa ẩm thực Hà Nội”, với hơn 30 món ăn nổi tiếng, đặc sản của Hà Nội, thu hút đông đảo người dân và du khách tới thưởng thức. Tiêu biểu như: Bánh cuốn Thanh Trì mỗi ngày tiêu thụ khoảng 1.000 suất; phở Hà Nội, bún ốc Bà Ngoại khoảng 1.200 bát/ngày; nem Phùng khoảng 500 gói/ngày; bánh giày, bánh đúc khoảng 800 suất/ngày; chả vịt Vân Đình khoảng 300kg/ngày; chả cá Lã Vọng 200 suất/ngày; bún chả 500 suất/ngày; bia hơi Hà Nội, quà đặc sản ô mai, cốm... được tiêu thụ lượng lớn mỗi ngày.
Hoạt động giao hữu thể thao giữa thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng được tổ chức thành công với sự tham dự của khoảng 2.000 người, kín các khán đài Nhà thi đấu Nguyễn Du, Trung tâm Thể dục thể thao quận 1. Các vận động viên đến từ hai thành phố đã biểu diễn, thi đấu sôi nổi các bộ môn võ thuật như: Karate, teakwondo, wushu và các môn thể thao, thể dục nghệ thuật khác.
Triển lãm “Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ươm mầm khát vọng hiền tài” được tổ chức từ ngày 24-8 đến 31-10-2024 giới thiệu lịch sử hình thành và phát triển của Văn Miếu - Quốc Tử Giám với các giá trị tiêu biểu giáo dục truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo và tinh thần học tập suốt đời của dân tộc Việt Nam. Tính đến ngày 25-8, triển lãm đã thu hút hàng chục nghìn học sinh, giáo viên, phụ huynh và công chúng thành phố Hồ Chí Minh đến trải nghiệm, tìm hiểu.
Dấu mốc mới trong hành trình phát triển
Lãnh đạo Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều nhìn nhận, những kết quả đạt được của Thủ đô Hà Nội trong 70 năm (sau Ngày Giải phóng Thủ đô đến nay) và của thành phố Hồ Chí Minh trong gần 50 năm qua (sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến nay) là rất quan trọng, xứng đáng với vai trò trung tâm, hạt nhân, đầu tàu của hai vùng động lực phát triển của cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cũng như các nghị quyết của Trung ương.
Qua Chương trình “Những ngày Hà Nội tại thành phố Hồ Chí Minh”, các đại biểu, nhân dân và du khách có dịp được tham quan không gian trưng bày với điểm nhấn là các biểu tượng lịch sử, văn hóa của Thủ đô với tinh thần “Hào khí Thăng Long”, các hình ảnh tư liệu tiêu biểu giới thiệu về Thủ đô qua 70 năm xây dựng và phát triển. Qua đó, hiểu thêm về lịch sử, văn hóa Thăng Long xưa, Hà Nội ngày nay, đồng thời cảm nhận về mối quan hệ gắn bó giữa Thủ đô Hà Nội với thành phố mang tên Bác, một thành phố năng động, nghĩa tình, mến khách.
Chương trình đã thành công rực rỡ trên mọi phương diện, tiếp tục khẳng định lịch sử hào hùng của hai thành phố, văn hóa, con người đặc sắc, truyền thống gắn bó cũng như sự phát triển năng động, sáng tạo đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Chương trình đã tạo mốc son mới, sinh động hơn về tình cảm, sự đoàn kết, gắn bó bền chặt trên con đường phát triển trong giai đoạn mới giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai thành phố.
Phát biểu tại lễ bế mạc Chương trình “Những ngày Hà Nội tại thành phố Hồ Chí Minh” tối vào 25-8, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh: Trong 3 ngày diễn ra chương trình đã thể hiện đậm sắc màu truyền thống văn hóa Thủ đô Hà Nội, được hòa quyện cùng không gian văn hóa của thành phố mang tên Bác với những ấn tượng sâu sắc, triển vọng tươi sáng.“Đến thời điểm này, chúng ta vui mừng khẳng định, chương trình đã diễn ra thành công tốt đẹp, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng các đại biểu, người dân và du khách”, ông Đỗ Đình Hồng khẳng định.