Buổi đối thoại thu hút sự tham gia của hàng trăm tiểu thương đại diện cho các chợ trên địa bàn. Tại đây, họ không chỉ bày tỏ những nỗi lo chốn chợ đò trực tiếp với lãnh đạo, mà còn thể hiện mong muốn đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung của Đà Nẵng.
Giữ chợ truyền thống, làm tốt du lịch
Trước thông tin thành phố sẽ cho xây dựng, chỉnh trang lại chợ Cồn, chợ Hàn, rất nhiều tiểu thương chung nỗi thấp thỏm quầy quán, khách khứa của họ sẽ về đâu. Chị Nguyễn Thị Thanh Vân (tiểu thương chợ Cồn), hỏi: “Có thật là sẽ di dời hay xây dựng lại chợ Cồn không? Nếu có thì bao giờ? Mong lãnh đạo thành phố cho biết để chị em yên tâm buôn bán”.
Chị Vân nói thêm tiểu thương đồng ý sửa sang lại chợ nhưng cần phải giữ hình ảnh của khu chợ truyền thống, xây dựng theo kiểu thấp tầng để tiện lợi mua bán. Theo chị, chợ Cồn cũng là một trong những hình ảnh về du lịch Đà Nẵng, nếu mất ngôi chợ truyền thống này thì sẽ mất đi một lượng khách hàng là khách du lịch rất lớn.
Cùng quan điểm trên, chị Phan Thị Mỹ Ánh (tiểu thương chợ Hàn) lo ngại rằng nếu sửa chữa, xây dựng lại chợ Hàn thành chợ hiện đại, hay thương xá thì sẽ khó có khách du lịch tới lui. “Buôn bán nhiều năm, chúng tôi biết rõ du khách thích chợ truyền thống như thế nào. Bởi nó không đơn giản là nơi mua bán, mà mang cả đặc trưng, văn hóa, cái “hồn” của Đà Nẵng nữa. Mất đi những tinh túy đó, liệu họ có chịu tới chợ nữa không, hay vô luôn siêu thị cho tiện?”.
Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nhìn nhận chợ truyền thống là thành phần quan trọng trong văn hóa địa phương, đặc biệt là văn hóa thương mại. Vì vậy giữ chợ truyền thống là mong muốn chính đáng của các tiểu thương. Ông cho hay: “Hiện sở xây dựng vẫn đang hợp tác với cơ quan tư vấn quốc tế để nghiên cứu về chỉnh trang, quy hoạch. Đó không phải là chuyện một sớm một chiều nên chị em cứ yên tâm buôn bán. Quan điểm của thành phố là sẽ giữ chợ truyền thống theo cách phù hợp để giải quyết luôn được vấn đề chỗ ngồi, vệ sinh, kẹt xe…”.
Ông nhấn mạnh, Đà Nẵng là thành phố du lịch, lượng du khách tới các chợ không hề nhỏ. Nếu buôn bán chụp giật, bất tín thì họ chỉ ghé một lần rồi thôi.
“Muốn giữ chợ để giữ khách du lịch, các chị em trước hết phải làm một đại sứ du lịch cho Đà Nẵng. Mình là nhân tố cực kỳ quan trọng của thành phố văn minh, hiện đại nên tôi mong đừng để xảy ra những chuyện dù nhỏ làm bôi đen hình ảnh tiểu thương. Hãy là những người bán hàng dễ thương, tin cẩn để du khách thập phương nhớ tới”, ông kỳ vọng.
Các tiểu thương đều đồng tình với ý kiến trên của ông Thơ, và khẳng định, giữ được chợ truyền thống, chị em sẽ cùng đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của du lịch nói riêng và thành phố nói chung.
Mỗi chợ cần có một thương hiệu
Buổi đối thoại sôi động hẳn lên khi cả hội trường cùng xem đoạn clip ghi lại cảnh hàng trăm chị em tiểu thương mang đồng phục bán hàng vào những ngày lễ, dịp phát động các phong trào thi đua. Mỗi chợ một sắc áo có in logo riêng.
Bà Dư Thị Hồng Cường, quyền trưởng ban quản lý chợ Đống Đa, cho hay: “Khoác đồng phục trên người, các chị như đang ở lớp, ở cơ quan, vì vậy ý tứ hơn trong lời ăn tiếng nói với khách hàng. Đó cũng là hình ảnh để “nhận diện” nhau, đoàn kết hơn”.
Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ khuyến khích: “Phải làm như thế, mỗi chợ cần có một thương hiệu riêng. Thương hiệu còn nằm ở hành động, lời ăn tiếng nói hàng ngày. Nhắc tới chợ nào là biết ngay thương hiệu chợ ấy, như vậy mới để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khách hàng”.
Được đà, các tiểu thương thay nhau “khoe” thương hiệu chợ mình: chợ chuyên giúp đỡ người khó khăn, chợ sẵn sàng góp rau thịt cho cảnh sát biển…Ông Thơ cũng hoan nghênh nhiều chị em đã xây dựng nên những thương hiệu thực phẩm uy tín, nổi tiếng cho Đà Nẵng như mắm Dì Cẩn, chị Trà...
Tại buổi đối thoại, đại diện các chợ cũng kiến nghị thành phố cần có biện pháp cụ thể, rốt ráo để dẹp hàng rong bán quanh vỉa hè các chợ, truy xuất nguồn gốc, có dụng cụ test nhanh thực phẩm…Ông Thơ ghi nhận những ý kiến trên và cho biết sẽ giao lực lượng chức năng các quận, huyện, ban quản lý các chợ lưu ý tiến hành.