Theo giới chuyên gia bất động sản, mặc dù đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản. Song qua 4 đợt dịch được cho là giai đoạn “thử lửa,” COVID-19 cũng đã tạo ra nhiều “kháng thể” giúp thị trường bất động sản có thêm các phương án để thích nghi và sớm phục hồi.
Nhiều "kháng thể" tạo xung lực cho thị trường
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc batdongsan.com.vn cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay thì vaccine chính là "kháng thể" cho thị trường.
Vì thế, với doanh nghiệp bất động sản, muốn có “kháng thể” tốt, đầu tiên phải tạo được tâm lý yên tâm cho đội ngũ nhân viên. Bởi, đa phần sales bất động sản có tuổi đời còn rất trẻ, chưa trải qua nhiều những “biến cố của thị trường,” nên đợt dịch vừa qua có thể coi là giai đoạn “thử lửa” tâm lý để tạo “kháng thể” tốt hơn.
Một loại “kháng thể” khác đang có ở các doanh nghiệp bất động sản là sự phản ứng linh hoạt với thị trường. “Nếu như 2 đợt dịch đầu, hầu hết các doanh nghiệp đều lúng túng với phương án duy nhất là chờ đợi vaccine, thì từ đợt dịch thứ ba đến nay, với sự phủ sóng sâu rộng của vaccine, phản ứng của doanh nghiệp cũng có nhiều chuyển biến, thay đổi tích cực hơn,” ông Quốc Anh nhấn mạnh.
Loại “kháng thể” thứ ba, theo ông Quốc Anh, đó là doanh nghiệp bất động sản đã ứng dụng nhiều hơn về công nghệ, chuyển đổi số để tạo ra lợi nhuận cạnh tranh. Minh chứng là, nếu như trước đây, việc mở bán online còn khá đơn lẻ, lạ lẫm với nhiều người thì nay, có tới hơn 90% doanh nghiệp đã mở bán online…
“Theo tôi, 3 yếu tố trên là 3 loại ‘kháng thể’ quan trọng để các doanh nghiệp chủ động thích ứng với đại dịch, từ đó giúp thị trường bất động sản vượt qua khó khăn và phát triển hơn trong thời gian tới,” ông Quốc Anh nhấn mạnh.
Có chung quan điểm, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng ở góc độ doanh nghiệp và người mua nhà, có thể thấy thị trường bất động sản hiện nay đã được tạo ra rất nhiều “kháng thể.”
Minh chứng là, trong 11 tháng qua, các doanh nghiệp bất động sản đã tự thích ứng linh hoạt với xu thế “bình thường mới” thông qua chuyển đổi số, thay đổi chiến thuật kinh doanh với các kênh bán hàng online để đáp ứng nhu cầu người mua nhà.
“Thực tế trên phần nào cho thấy hóa ra ‘trong cái khó, ló cái khôn.” Nghĩa là, trong khi thị trường đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, các doanh nghiệp vẫn không dừng lại, mà vẫn vận động ngầm để khi thị trường mở cửa trở lại, họ sẽ tung ‘hàng’ ra và nhanh chóng được khách hàng đón nhận,” bà Dung chia sẻ thêm.
Ngoài các yếu tố trên, tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng nhận định sau các đợt dịch COVID-19 vừa qua, thị trường bất động sản đang có 4 “kháng thể” quan trọng. Thứ nhất là Đảng, Nhà nước và Quốc hội đã vào cuộc rất quyết liệt, qua đó ban hành nhiều chính sách, đặc biệt là Nghị quyết số 128-NQ/CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đồng thời ban hành một số gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, để tăng “kháng thể” cho người lao động.
Vấn đề thứ hai là bản thân các doanh nghiệp cũng đã tự đổi mới sáng tạo, quan tâm nhiều hơn tới người lao động cũng như tạo môi trường làm việc từ xa. Thứ ba là, các doanh nghiệp đã biết gắn kết, tham gia vào chuỗi giá trị để vượt qua khó khăn.
Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV Cấn Văn Lực chia sẻ giải pháp giúp phục hồi thị trường bất động sản. (Ảnh: VRES 2021) |
“Yếu tố cuối cùng là nhiều doanh nghiệp đã thay đổi chiến lược kinh doanh, tập trung nhiều hơn vào chuyển đổi số, chú trọng các sản phẩm dịch vụ mới thông qua mua bán hàng trực tuyến. Nhờ đó, doanh số bán hàng của các doanh nghiệp bất động sản vẫn tương đối tốt. Tôi tin rằng, những ‘kháng thể’ này sẽ tiếp tục giúp thị trường bất động sản phục hồi trong năm 2022,” ông Lực nhấn mạnh.
Hứa hẹn nhiều khởi sắc
Chia sẻ thêm về sức bật của thị trường bất động sản trong thời gian tới, tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng bên cạnh nguồn vốn “đổ” vào bất động sản (nhất là tổng vốn FDI đăng ký mới đạt gần 2 tỷ USD trong 11 tháng năm 2021), bất động sản trong năm 2022 tiếp tục được dự báo sẽ có nhiều khởi sắc.
Trong số đó, yếu tố quan trọng là môi trường pháp lý của bất động sản đã có những tín hiệu tích cực. Đơn cử là, trong năm 2022, Quốc hội sẽ cho ý kiến về sửa đổi Luật Đất đai và tiếp theo đó là một số luật khác như Luật Bất động sản…
Đặc biệt, trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội hai năm tới, Chính phủ và Quốc hội đang họp bàn để thống nhất có một gói khoảng 60.000-65.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở. Theo ông Lực, đây sẽ là một cú huých rất tốt với mức lãi suất tương đối ưu đãi, có thể thấp hơn thị trường hiện nay khoảng 3-4%. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đang làm đầu mối chủ trì để trình Chính phủ thông qua chiến lược phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030.
Yếu tố khả quan nữa là, Việt Nam đã lọt vào Top đầu các quốc gia phủ sóng vaccine phòng, chống COVID-19 đồng thời cũng có những điều chỉnh chiến lược chính sách hợp lý... Vì thế, khả năng phục hồi tăng trưởng là hoàn toàn có thể.
Ngoài các tín hiệu trên, theo chuyên gia Nguyễn Quốc Anh, gần đây dòng vốn “chảy” vào thị trường bất động sản còn được biết đến thông qua việc phát hành khối lượng lớn trái phiếu. Tuy nhiên, với chính sách siết chặt tín dụng và ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp, trong thời gian tới, doanh nghiệp địa ốc sẽ chuyển sang xu hướng chủ đạo là IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng).
“Trong khoảng 5-10 năm tới, việc chứng khoán hóa bất động sản (chia nhỏ bất động sản để huy động vốn) thông qua các quỹ đầu tư sẽ được quan tâm. Ngoài ra, còn một xu hướng nữa liên quan đến việc phát triển các đồng tiền kỹ thuật số để ứng dụng trong lĩnh vực bất động sản. Đây sẽ là những kênh để doanh nghiệp huy động thêm vốn,” ông Quốc Anh chia sẻ thêm.
Dự báo thêm về thời điểm phục hồi hoàn toàn thị trường bất động sản, các chuyên gia nhận định với những địa phương khác nhau, tốc độ hồi phục của thị trường này cũng sẽ khác nhau. Trong điều kiện kiểm soát thành công dịch bệnh, số ca F0 không tăng thêm, độ phủ 2 mũi vaccine đạt 90% và tái mở cửa nền kinh tế,… Hà Nội sẽ là địa phương có tốc độ phục hồi giao dịch và nguồn cung sớm nhất nước.