Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm đồng chủ trì Hội nghị. Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương.
Tham dự Hội nghị có hơn 100 đại biểu là đại diện lãnh đạo các ban, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước ở Trung ương...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe giới thiệu những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; những định hướng cơ bản sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.
Các đại biểu cũng nghe đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo về công tác pháp chế của Bộ năm 2023, giới thiệu về Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5.
Bên cạnh việc chỉ rõ những kết quả đạt được trong công tác pháp chế tại Bộ Thông tin và Truyền thông nói riêng, của các bộ, ngành, doanh nghiệp nói chung trong thời gian qua, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi nhiều nội dung về công tác xây dựng pháp luật và pháp chế như sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2016/NĐ-CP cho phù hợp với thực tiễn. Các đại biểu cũng tán thành với những nội dung sửa đổi, bổ sung của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP đồng thời khẳng định phải tiếp tục vượt qua khó khăn, trở ngại, nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng tổ chức, hoạt động pháp chế tại các bộ, ngành, doanh nghiệp Trung ương cũng như thực hiện các giải pháp đồng bộ trước mắt và lâu dài, nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác pháp chế thời gian tới.
Phát biểu bế mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng ghi nhận những đóng góp của các tổ chức pháp chế trong suốt thời gian qua đồng thời chia sẻ khó khăn của đội ngũ pháp chế khi phải xử lý nhiều tình huống đột xuất, phát sinh trong bối cảnh phục hồi sau COVID-19. Cùng với đó là công tác hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho địa phương. Lượng công việc nhiều, phức tạp nhưng số lượng đội ngũ cán bộ pháp chế hiện nay còn mỏng, nguồn lực kinh phí hạn chế.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp đề nghị thủ trưởng các tổ chức pháp chế tập trung khắc phục triệt để tình trạng lùi, rút, chậm, nợ ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là văn bản quy định chi tiết, trong đó lưu ý tới 67 văn bản hướng dẫn thi hành 10 luật sắp có hiệu lực vào 1/1/2024.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp lưu ý, trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cần rà soát đầy đủ các chủ trương của Đảng để thể chế hóa kịp thời; chỉ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn trong trường hợp thật sự cần thiết và lấy ý kiến của tất cả đối tượng chịu tác động.
Hiện nay, việc tổ chức thi hành pháp luật có nơi, có lúc chưa thật sự hiệu quả. Một trong những nguyên nhân là do không nhiều địa phương tổ chức quán triệt các văn bản đã ban hành. Vì vậy, Thứ trưởng mong muốn tới đây, các bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn tới việc truyền thông về các đạo luật mới được ban hành, xây dựng kế hoạch triển khai bài bản, hiệu quả.