Qua một năm triển khai kế hoạch 12593 của liên Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Bộ Công an (CA) về kiểm soát tải trọng xe, một số địa phương đã bước đầu xóa bỏ được những đoàn xe “hổ vồ” băm nát quốc lộ. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, xe quá tải vẫn ngang nhiên hoạt động. Một trong những nguyên nhân là địa phương chưa thật sự quyết liệt vào cuộc.
Chỗ rắn, chỗ buông
Số liệu thống kê của liên ngành CA và GTVT cho thấy, từ ngày 16-12-2013 đến 15-12-2014, các trạm cân lưu động đã dừng, kiểm tra hơn 416.068 xe ô-tô, phát hiện và lập biên bản 64.885 trường hợp vi phạm, xử phạt 331 tỷ đồng, tạm giữ 1.885 phương tiện, tước giấy phép lái xe 42.066 trường hợp, hạ tải gần 32.220 phương tiện vi phạm. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết, số lượng xe vi phạm về tải trọng giảm theo từng tháng. Nếu tháng 1-2014, số xe vi phạm trên tổng số phương tiện bị dừng kiểm tra là 50%, thì đến tháng 4-2014 chỉ còn 22% và hiện nay còn 12%. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác kiểm soát tải trọng xe không đồng đều giữa các địa phương. Đơn cử, qua kiểm tra thực tế tại Hà Tĩnh, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nhìn nhận, đây là một trong những tỉnh buông lỏng để xe quá tải hoành hành, ngang nhiên vi phạm. Ngay tại đường vào Khu công nghiệp Vũng Áng, quốc lộ 12, hiện tượng xe quá tải rồng rắn thành đoàn đi công khai mà không thấy lực lượng chức năng xử lý.
Nhờ cân tải thường xuyên lượng xe vi phạm về tải trọng giảm theo từng tháng. |
Trong quá trình triển khai, một số địa phương vận dụng mô hình khác nhau và thực tế cho thấy, cách triển khai cũng cho những kết quả khác nhau. Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Anh Cương cho biết: “Trạm cân trực thuộc Sở GTVT, nhưng các lực lượng làm nhiệm vụ tại trạm lại là lực lượng liên ngành. Do đó, tại Hải Dương, Ban ATGT do Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo; Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh được giao làm Trạm trưởng, đồng thời là Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành kiểm soát tải trọng xe (KSTTX). Lực lượng tại trạm được phân công nhiệm vụ theo nguyên tắc, Cảnh sát Giao thông (CSGT) chỉ thực hiện việc dừng xe, còn Thanh tra Giao thông làm tổ trưởng các kíp trực thực hiện việc lập biên bản vi phạm. Tại các trạm cân còn lắp đặt camera để giám sát và tránh tiêu cực”. Thực tế cho thấy, mô hình của Hải Dương đang phát huy tác dụng, kiểm soát tốt tải trọng xe qua địa bàn.
“Mô hình này khẳng định một điều, nếu lãnh đạo tỉnh thực hiện quyết liệt thì tỉnh nào cũng thành công trong công tác KSTTX. Đặc biệt, khi các cấp ủy Đảng và lãnh đạo cao nhất của địa phương có quyết tâm thì tôi tin không phải mất một năm mới cơ bản giải quyết được tình trạng xe quá tải mà chỉ cần từ một đến ba tháng là có thể kiểm soát được”, Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện đánh giá.
Quy trách nhiệm cho địa phương
Đại diện cho các doanh nghiệp vận tải, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh đưa ra ý kiến: Nhà nước cần tổ chức sàn giao dịch vận tải hàng hóa để giá cước minh bạch; có chế tài xử lý chủ hàng, nơi xếp dỡ cố tình chở quá tải, đồng thời nâng cao mức phạt với chủ vận tải vì nếu chỉ phạt 6-7 triệu/lần vi phạm thì chưa đủ sức răn đe. Hệ thống trạm cân lưu động cần đưa về các nguồn hàng để ngăn chặn tận gốc; với trạm cân cố định có thể đặt tại các điểm thu phí, tại các dự án BOT để nhà đầu tư tự bảo vệ đường… Phải tăng cường tuyên truyền, dựa vào dân để phát hiện và ngăn xe quá tải.
“Hiện nay, Tổng cục Đường bộ có năm đường dây nóng, nhưng nhiều khi tiếp nhận phản ánh thì xe vi phạm ở xa quá, việc “điều binh khiển tướng” không kịp. Do đó, Chủ tịch UBND các tỉnh phải vào cuộc hơn nữa. Các đơn vị quản lý cần nghiên cứu lắp đặt thiết bị giám sát tải trọng, truyền cơ sở dữ liệu về để xe chở quá tải ở đâu là phát hiện ra ngay, tránh tình trạng xe quá tải đi từ tỉnh này qua vài tỉnh khác mới bị phát hiện”, ông Thanh kiến nghị.
Cần có quy chế phối hợp và quy trách nhiệm địa phương quản lý nếu để "lọt" xe quá tải. |
Cùng quan điểm này, nhưng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh gợi mở thêm, giữa các địa phương cần có quy chế phối hợp và quy trách nhiệm địa phương quản lý nếu để "lọt" xe quá tải.
Xác định việc kiểm soát trọng tải là việc làm cần thiết, duy trì thường xuyên, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đề nghị các địa phương tiếp tục kiểm soát bằng nhiều biện pháp như trạm cân, cân xách tay, đo trực tiếp khối lượng tại nguồn hàng, kiểm tra kích thước thùng xe, lực lượng thực thi công vụ làm việc công khai minh bạch, không có bảo kê… Về yêu cầu buộc phương tiện phải hạ tải khi bị phát hiện vi phạm, Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương không xây dựng bãi hạ tải mà bắt xe vi phạm quay lại điểm xuất phát.
Bộ GTVT đang xây dựng đề án xã hội hóa trạm cân. Các trạm thu phí BOT sẽ được lắp đặt cân cố định, sử dụng camera để phạt nguội. “Cuộc chiến xe quá tải cần có sự vào cuộc quyết liệt của Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố để không bảo kê, dung túng cho các trường hợp vi phạm. Nếu quyết liệt, không có lý do gì mà chúng ta không thực hiện được mục tiêu năm 2015 sẽ không còn xe quá tải, trong khi nhiều mục tiêu khó hơn chúng ta đã làm được”, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng khẳng định.
>>> Xem thêm
1. Có hay không việc “bảo hộ” cho than lậu của Vinacomin?
2. 10 vụ án được dư luận quan tâm năm 2014
Hợp tác cùng ấn phẩm Thời nay