Xoay quanh vụ việc Vietcombank (VCB) “quên” tính và hoạch toán Các khoản lãi phát sinh hàng tháng của các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn nhỏ hơn 1.000 đồng hoặc 0,1 đơn vị ngoại tệ đối với các ngoại tệ khác, gây ra sự hoài nghi của dư luận về sự tin cậy của một Ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam. Phóng viên Ngày Nay đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Anh Tú (Trưởng VPLS Trương Anh Tú - Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) để có góc nhìn đa chiều về vụ việc.
Luật sư Trương Anh Tú |
Phóng viên: Thưa Luật sư, ông đánh giá thế nào về câu trả lời của VCB khi cho rằng “đa phần các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn có mức lãi hàng tháng cộng dồn chỉ khoảng vài chục đồng/tháng” để lý giải cho vụ việc?
Luật sư Trương Anh Tú: Trước tiên, cần hiểu rằng mức lãi suất hàng tháng cộng dồn của một tài khoản tiền gửi là tài sản của chủ sở hữu tài khoản trên cơ sở lợi tức phát sinh từ khoản tiền đã gửi. Do đó, Điều 6 Quyết định số 652/2001/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN về việc ban hành quy định phương pháp tính và hoạch toán thu, trả lãi của NHNN và Tổ chức tín dụng quy định: “Tổ chức tín dụng quy định định kỳ tính và hạch toán thu, trả lãi phù hợp với đặc thù hoạt động và yêu cầu quản lý của tổ chức mình nhưng phải đảm bảo toàn bộ các khoản lãi dự thu, dự chi, thực thu - thực chi và phân bổ được tính, hạch toán đầy đủ, chính xác vào tài khoản thu nhập hoặc chi phí trong tháng cuối quý, cuối năm tài chính.”
Theo đó, quy định này là để đảm bảo quyền sở hữu đối với tài sản và việc minh bạch trong quản lý tài sản của Tổ chức tính dụng. Trên cơ sở đó, mức lãi suất hàng tháng cộng dồn ở mức rất thấp thì VCB cũng phải tính và hoạch toán đầy đủ cho các chủ tài khoản, nhằm đảm bảo quyền sở hữu của chủ tài khoản được Hiến pháp ghi nhận, Pháp luật bảo vệ.
Phóng viên: Ông có đồng quan điểm với VCB về việc VCB khẳng định không có động cơ vụ lợi trong vụ việc trên?
Luật sư Trương Anh Tú: Dưới góc độ pháp lý động cơ vụ lợi là được hiểu trong trường hợp cố tình thực hiện một việc nhằm thu được lợi ích về vật chất, tinh thần thông qua việc làm đó. Trong vụ việc trên, VCB khẳng định không có động cơ vụ lợi thì cần phải chứng minh được hai việc: thứ nhất, việc không tính và hoạch toán đầy đủ, chính xác lãi suất phát sinh cho các chủ tài khoản vì hệ thống công nghệ thông tin hoạch toán thu chi của VCB là yếu kém, không thể triển khai trên toàn bộ hệ thống kể cả với các mức lãi suất cộng dồn hàng tháng rất nhỏ; thứ hai, số tiền lãi phát sinh của hàng triệu tài khoản cộng dồn trong 16 năm là không nhỏ, VCB cần chứng minh rằng VCB không đưa số tiền này vào tài sản của mình.
Tuy nhiên, với phát ngôn mới đây của đại diện Ngân hàng này thì hệ thống công nghệ thông tin của ngân hàng này bảo đảm thực hiện giao dịch, việc không tính và hoạch toán đầy đủ lãi suất đối với những tài khoản có số dư thấp nhằm bù đắp những chi phí quản lý, thì thật chưa hợp lý. Vì, thông thường các tài khoản có số dư thấp thường là tài khoản thẻ, khi thực hiện giao dịch gửi, chuyển, rút tiền từ tài khoản khách hàng đều bị tính phí vậy tại sao VCB còn tự ý “cấn trừ” các khoản lãi suất nhỏ để duy trì hệ thống, đồng thời các khách hàng của VCB có được thông báo và đồng ý với việc làm này của VCB? VCB “cấn” lãi của các tài khoản có số dư nhỏ để làm chi phí duy trì hoạt động hệ thống công nghệ thông tin hiện đại của mình? Tất cả những câu hỏi đó tôi tin rằng VCB khó có thể giải thích thỏa đáng và câu trả lời không vì động cơ vụ lợi cần một lời giải thích hợp lý hơn.
Giao dịch tại Ngân hàng Vietcombank |
Phóng viên: Thưa Luật sư, theo ông số tiền lãi không được tính và hoạch toán cho các chủ tài khoản cộng dồn từ sau ngày 01/7/2001 đến nay cần được xử lý thế nào?
Luật sư Trương Anh Tú: Với nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu, thì tài sản thuộc sở hữu chủ thể nào cần trả về cho chủ thể đó. Tuy nhiên, trong 16 năm sự biến động các tài khoản tiền gửi chỉ riêng tại VCB là rất lớn, dẫn đến việc rà soát biến động số dư từng thời điểm, biến động tài khoản mở mới và tất toán… là gần như không thể. Do đó, VCB cần phối hợp với NHNN thống kê và xử lý số tiền này. Nếu như tôi được tư vấn, thì VCB cần xin lỗi các khách hàng của mình.
Phóng viên: Nếu như vậy thì VCB cần làm gì trong thời gian tới để đảm bảo thực hiện đúng quy định tại Điều 6 Quyết định số 652/2001/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN?
Luật sư Trương Anh Tú: Nếu chưa xây dựng hệ thống công nghệ thông tin để tính và hoạch toán lãi suất cho các tài khoản tiền gửi có số dư nhỏ, thì VCB cần triển khai xây dựng ngay và thực hiện đúng theo quy định tại Điều 6 Quyết định số 652/2001/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN. VCB là một Ngân hàng thương mại lớn, xây dựng được một thương hiệu tin cậy trong nhiều năm qua, do đó cần xử lý khủng hoảng hình ảnh tốt trong cuộc chơi giành thị phần. Bởi lẻ, các chủ tài khoản tiền gửi dù có số dư nhỏ nhưng tổng lại là nguồn tiền quý cho sự phát triển lớn mạnh của bất kỳ Ngân hàng thương mại nào.
Về phía Ngân hàng Nhà nước cần kiểm tra việc các Tổ chức tín dụng hiện quy định tại Điều 6 Quyết định số 652/2001/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN để có biện pháp điều chỉnh kịp thời, tránh tình trạng như xảy ra tại VCB sau 16 năm mới được dư luận phanh phui và Ngân hàng Nhà nước mới bắt đầu yêu cầu báo cáo. Từ một việc tưởng là nhỏ, cho thấy sự tồn tại yếu kém trong cơ chế hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước trong Hệ thống Ngân hàng. Việc này cần nghiên cứu điều chỉnh để nền kinh tế có Hệ thống “mạch máu” khỏe mạnh.
Trân trọng cảm ơn Luật sư đã trao đổi với Ngày Nay!