Kết quả kinh doanh sụt giảm
Đáng chú ý, thị trường nhập khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam trong nhiều năm qua là Mỹ chỉ đạt kim ngạch 418 triệu USD, giảm đến 57% so với cùng kỳ 4 tháng đầu năm ngoái. Với kết quả này, Mỹ đã rớt xuống vị trí thứ 3, sau Nhật Bản và Trung Quốc, trong nhóm thị trường chính của thủy sản Việt Nam. Nguyên nhân bởi tình hình kinh tế diễn biến không thuận lợi khiến người tiêu dùng Mỹ cắt giảm chi tiêu, thậm chí chấp nhận sản phẩm không có thương hiệu vì giá rẻ.
Theo VASEP, đầu ra khó khăn khiến mặt bằng giá xuất khẩu thủy sản giảm mạnh trong khi xuất khẩu là kênh tiêu thụ chủ lực của doanh nghiệp (DN) thủy sản, có DN xuất khẩu đến 90% sản lượng. Cùng với gánh nặng chi phí sản xuất tăng cao, nhất là chi phí thức ăn, con giống..., kết quả kinh doanh quý I/2023 của không ít DN ngành này đã ghi nhận đà lao dốc.
Là DN thủy sản lớn nhất Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú năm 2022 đạt kỷ lục về doanh thu với 16.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 800 tỉ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy thế, đến quý I/2023, công ty ghi nhận lỗ gần 100 tỉ đồng, sau 7 năm toàn lãi.
Công ty CP Vĩnh Hoàn dù vẫn đạt lợi nhuận hơn 118 tỉ đồng trong quý I/2023 nhưng lợi nhuận sụt giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm 2022. Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn, cho biết nguyên nhân của việc sụt giảm lợi nhuận là do sản lượng bán và giá bán giảm so với năm ngoái. Tương tự, Công ty CP Nam Việt ghi nhận doanh thu quý I/2023 là 1.157 tỉ đồng, chỉ giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận giảm tới 55%, còn 92 tỉ đồng. Nguyên nhân cũng bởi chi phí tài chính và giá thức ăn tăng cao.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, hoạt động xuất khẩu của DN thủy sản hiện ở mức tương đương với thời kỳ khó khăn nhất trong đại dịch COVID-19. Nhiều đơn hàng đã ký nhưng khách giãn thời gian nhận hàng khiến tồn kho tăng cao, DN thiếu dòng tiền để thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Đẩy mạnh chế biến
Trong tình hình khó khăn chung, có những DN thủy sản tìm được lối đi riêng để giữ tăng trưởng. Báo cáo tài chính quý I/2023 của Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho thấy doanh thu đạt 1.008 tỉ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng lãi ròng gần 43,7 tỉ đồng, tăng 7%. Có được kết quả là bởi DN đã giảm được 23% giá vốn, giảm 66% chi phí bán hàng trong bối cảnh chi phí lãi vay và chi phí quản lý DN tăng.
Tại đại hội cổ đông mới đây, ông Nguyễn Văn Khải, thành viên HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, cho biết DN đang sở hữu 500 ha ao nuôi tôm, dự kiến tăng lên 600 ha, với kỹ thuật nuôi tôm dẫn đầu thị trường. "Nhờ sở hữu vùng nuôi tôm lớn nên DN đáp ứng được yêu cầu tại những thị trường có giá bán cao, đòi hỏi truy xuất nguồn gốc. Trong năm nay, khi nhà máy mới đi vào vận hành, chúng tôi sẽ quản lý sản xuất tốt hơn nữa" - ông Khải lý giải nguyên nhân doanh thu của DN giảm nhưng lợi nhuận tăng.
Đồng thời giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT), ông Nguyễn Văn Khải cho biết hoạt động chế biến sâu đang được tập trung phát triển ở cả ABT và Công ty CP Thực phẩm Sao Ta. Dù quy mô mảng chế biến sâu còn nhỏ nhưng đang tăng dần, qua đó giúp hoạt động kinh doanh được bảo đảm.
Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Công ty CP Vĩnh Hoàn hiện chú trọng đầu tư vào sáng tạo, cải tiến nhằm tạo ra sản phẩm mới cũng như tạo đột phá chiến lược cho giai đoạn mới. Năm 2023, DN đưa vào hoạt động 2 công ty thành viên mới là Công ty FeedOne với sản phẩm thức ăn thủy sản và Công ty Nông sản thực phẩm Thành Ngọc (TNG Foods) chuyên về rau củ quả.
"Với việc tham gia vào chế biến thức ăn, chúng tôi có thể khép kín chuỗi cung ứng cá tra một cách bền vững. Còn việc bổ sung rau củ quả vào danh mục sản phẩm nhằm kỳ vọng phát triển thêm nhiều sản phẩm chế biến đa dạng để cung cấp khẩu phần ăn dinh dưỡng và tiện lợi cho người tiêu dùng thế giới" - bà Khanh cho hay.
Doanh nghiệp cần được tiếp sức
Mới đây, trong thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) và VASEP nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỉ đồng để hỗ trợ DN lĩnh vực này trong tháng 5-2023.
Đại diện VASEP cho rằng gói vay vốn với lãi suất thấp sẽ có tác dụng kích cầu để các DN thu mua nguyên liệu cho nông dân, qua đó giúp họ yên tâm duy trì chuỗi sản xuất. Nếu chính sách này được triển khai, không chỉ giải tỏa được áp lực tâm lý cho chuỗi ngành hàng thủy sản mà còn góp phần chuẩn bị trước để đón đầu thị trường phục hồi trong thời gian tới.
Theo Phó Tổng Thư ký Nguyễn Hoài Nam, VASEP đã kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cho DN giãn nợ 3-5 tháng đối với các khoản vay đến hạn phải trả trong quý II/2023 và tiếp tục được vay theo hạn mức. Chính sách này nhằm giúp DN ổn định nguồn nguyên liệu để chế biến, trữ hàng phục vụ xuất khẩu trong các quý tiếp theo.
VASEP nhận định xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc khó bứt phá do lạm phát tại các thị trường này đang cao. Trong khi đó, Trung Quốc với dư địa còn nhiều sẽ có khả năng vươn lên là thị trường nhập khẩu số 1 của thủy sản Việt Nam. Để khai thác tốt thị trường láng giềng vốn không ổn định và còn nhiều điểm nghẽn này, cần có chiến lược xúc tiến thương mại bài bản với tầm nhìn 10 năm. Nếu không, DN Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh bởi sau khi Trung Quốc mở cửa sau COVID-19, nhà xuất khẩu trên khắp thế giới đều đổ dồn về thị trường này.
"Nếu không được tiếp sức kịp thời, nông - ngư dân sẽ giảm nuôi, giảm đánh bắt; doanh nghiệp có nguy cơ thiếu nguyên liệu trầm trọng vào cuối năm, mất đơn hàng, mất thị trường”, ông Nguyễn Hoài Nam nhận định.