Nội dung liên ngành các bộ cùng vào cuộc vụ Asanzo được Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống hàng giả, gian lận thương mại công bố trong Hội nghị sơ kết ngày 30/7.
Ông Đàm Thanh Thế cho biết, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã giao việc này cho Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ khoa học và công nghệ tập trung phối hợp để xác định, làm rõ những hành vi đúng sai của doanh nghiệp này. Đến nay, các lực lượng chức năng đang tập hợp thông tin, tài liệu. Kết quả về vụ việc sẽ được thông báo rộng rãi với tinh thần làm việc nghiêm túc, quyết liệt, khách quan, toàn diện.
Cũng theo ông Thế, dự kiến ngày 30/8 sẽ có kết luận chính thức về vụ việc này. Kết quả sẽ thông báo rộng rãi đến các phương tiện thông tin truyền thông. Nếu phát hiện doanh nghiệp sai phạm thì chắc chắn phải xử lý nghiêm để bảo vệ thương hiệu Việt Nam, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.
Liên quan đến vụ việc Asanzo, tại cuộc họp báo, ông Trần Hữu Linh, tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), cho biết bộ đã hoàn tất dự thảo văn bản quy định tiêu chí xác định thế nào là hàng "Made in Vietnam" tiêu thụ nội địa. Dự thảo này sẽ được công bố và lấy ý kiến rộng rãi trong tháng 8/2019.
Trước đó tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (Ban chỉ đạo 138) và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sáng 25/7, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết cố gắng trong 2 tuần sẽ đưa ra kết luận về hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ và tổ chức sản xuất hàng giả, tiêu thụ hàng giả đối với một số doanh nghiệp liên quan đến nhóm hàng điện tử, điện lạnh.
Theo đại diện Tổng cục Hải quan Việt Nam, hiện nay, một công ty con của Asanzo đã được xác định có hành vi nhập khẩu hàng Trung Quốc giả mạo xuất xứ Việt Nam để đưa hàng vào tiêu thụ nội địa. Những nghi án về Asanzo cũng đang được Tổng cục Hải quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiếp tục đang xác minh, điều tra sâu.
"Các ngành cho rằng cơ sở pháp lý không đủ để xử lý hành vi này, nhưng chúng tôi đánh giá sẽ làm sâu và đủ cơ sở", Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh.