Với các cuộc tuần hành bị hủy bỏ ở nhiều quốc gia vì Covid-19, các công đoàn đã khởi xướng ý tưởng thay thế, kêu gọi người lao động ở nhà và treo các biểu ngữ ngoài ban công hoặc truyền tải những thông điệp ý nghĩa trên mạng xã hội.
Tổng Liên đoàn Lao động Anh quyết định tạm hoãn các sự kiện đã lên kế hoạch, song nhấn mạnh “điều quan trọng hơn bao giờ hết đó là ghi nhận sự đóng góp của người lao động”, đặc biệt khi các công nhân viên trong Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) đang ngày đêm mạo hiểm mạng sống của họ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Tổng Liên đoàn Lao động Anh kêu gọi người dân đăng tải “một đoạn video ngắn trên mạng xã hội cảm ơn người lao động đã tạo nên sự khác biệt.
Trong khi các công đoàn tại Mỹ và Canada dự kiến tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động vào tháng 9 tới, thì kỳ nghỉ lễ này được tổ chức vào nhiều ngày khác nhau tại Australia, New Zealand và châu Âu. Nhiều nhà hoạt động châu Á đã phải chuyển hướng sang các hoạt động trực tuyến do hàng loạt lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Tại Pháp, nơi nhiều cuộc tuần hành quy mô lớn thường được tổ chức ở hầu hết các thành phố lớn, các tổ chức công đoàn vẫn tích cực kêu gọi thực hiện phong trào treo các biểu ngữ tại nhà hay đăng tải trên mạng xã hội. Tại Nga, cuộc tuần hành quy mô lớn do các tổ chức công đoàn phối hợp với Điện Kremlin dự kiến tiến hành đã bị hủy bỏ do đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên thế giới, cả tỷ lao động mất việc đã khiến Ngày quốc tế lao động năm nay trở thành kỷ niệm đáng buồn đối với nhiều người. Ngay trước thềm Ngày Quốc tế Lao động, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, gần một nửa số công nhân trên thế giới có nguy cơ mất việc ngay lập tức. Theo đó, khoảng 1,6 tỷ lao động tức gần một nửa lực lượng lao động toàn cầu và những người ở giai đoạn dễ bị tổn thương nhất của thang việc làm, có nguy cơ mất sinh kế.
Theo ILO này, ước tính tháng đầu tiên của cuộc khủng hoảng đã khiến 60% thu nhập của người lao động phi chính thức bị giảm trên toàn cầu. Theo khu vực địa lý, tỉ lệ này là 81% ở châu Phi và châu Mỹ, 21,6% ở châu Á và Thái Bình Dương và 70% ở châu Âu và Trung Á. Nếu không có các nguồn thu nhập khác, những người lao động này và gia đình họ sẽ không còn cách nào để duy trì cuộc sống.
Tổng giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế Guy Ryder nói: “Nếu họ không thể ra ngoài làm việc thì có nghĩa là họ không có thu nhập và gia đình họ sẽ không có gì ăn vào ngày đó. Họ không nhận được sự bảo trợ xã hội. Và đó là lý do tại sao chúng ta phải huy động khẩn cấp sự đoàn kết trên quy mô toàn cầu thay vì dựa vào các hệ thống bảo trợ xã hội quốc gia, vốn rất yếu kém tại nhiều nơi trên thế giới”.
Dữ liệu ngày 30/4 cho thấy, nền kinh tế toàn cầu đang bị tác động nghiêm trọng bởi dịch bệnh: Số người xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ đến vượt mốc 30 triệu, trong khi các nền kinh tế châu Âu lao dốc mạnh mẽ. Những con số mới được tiết lộ có thể tiếp tục làm gia tăng áp lực lên các chính trị gia trong việc nới lỏng phong tỏa để các nhà máy và cơ sở kinh doanh có thể hoạt động trở lại./.