Đây là một đầu mũi tên có niên đại từ giữa năm 900 đến 800 Trước Công Nguyên, với chiều dài gần 4 cm, được tìm thấy ở một địa điểm có tên là Mörigen ở hồ Biel, Thuỵ Sĩ. Theo các nhà khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Bern, cổ vật này được tìm thấy trong một cuộc khai quật vào giữa thế kỷ 19.
Theo ghi chú của các nhà khảo cổ, đầu mũi tên gần 3.000 năm tuổi này được tạo ra từ sắt của một tảng thiên thạch ở Estonia. Điều này cũng cho thấy rằng sắt trong thiên thạch đã được sử dụng để buôn bán, trao đổi ở châu Âu từ năm 800 Trước Công Nguyên và thậm chí là còn sớm hơn.
“Bằng chứng về việc sử dụng sắt thiên thạch sớm như vậy là cực kỳ hiếm”, theo thông tin mới nhất từ nghiên cứu trên được đưa ra. Vào thời điểm đó, con người vẫn chưa biết nấu chảy sắt từ quặng oxit, nhưng một số kim loại sắt có thể được tìm thấy từ các mảng thiên thạch.
Dù một số vật thể được làm bằng sắt thiên thạch đã được tìm thấy ở nhiều quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Syria, Iraq, Lebanon, Ai Cập, Iran, Nga và Trung Quốc, nhưng tại khu vực Trung và Tây Âu, những di vật như vậy mới chỉ được phát hiện tại hai địa điểm ở Ba Lan. Với những phát hiện mới về đầu mũi tên 3.000 năm tuổi, các nhà nghiên cứu đã xác nhận Mörigen là địa điểm thứ ba tìm được cổ vật làm bằng sắt thiên thạch.
Nguồn gốc thiên thạch
Trước đây, các chuyên gia từng kết luận rằng đầu mũi tên này được làm từ sắt trong thiên thạch rơi xuống vùng Twannberg (Thuỵ Sĩ), nơi chỉ cách địa điểm Mörigen vài cây số. Tuy nhiên, những phân tích về tổ hợp kim loại cho thấy cổ vật này không được làm bằng sắt từ thiên thạch Twannberg, cũng như một thiên thạch rơi xuống tại Ba Lan.
Trên thực tế, chỉ có ba thiên thạch ở châu Âu có thành phần hóa học tương tự với đầu mũi tên này nằm ở Cộng hòa Séc, Tây Ban Nha và Estonia. Sau nhiều nghiên cứu được thực hiện, các chuyên gia đã kết luận rằng cổ vật này được làm bằng sắt từ thiên thạch ở Kaalijarv, Estonia, bởi nó có thành phần tương thích nhất.
Theo các nhà nghiên cứu, thiên thạch này rơi xuống Trái Đất vào khoảng năm 1.500 Trước Công Nguyên và “tạo ra nhiều mảnh vỡ nhỏ”. “Một số mảnh vỡ này sau đó đã dịch chuyển về phía tây nam đến Thụy Sĩ dọc theo các tuyến đường giao thương”, nhà nghiên cứu Beda Hofmann, Trưởng ban Khoa học Trái đất tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Bern, tác giả chính của nghiên cứu trên, cho biết.
“Hoạt động giao thương tại khắp khu vực châu Âu trong thời kỳ đồ đồng là một thực tế đã được chứng minh rõ ràng: Hổ phách từ vùng Baltic, thiếc từ Cornwall, hạt thủy tinh từ Ai Cập và Mesopotamia,” bà Hofmann nhấn mạnh. “Việc vận chuyển có thể mất nhiều thời gian hơn so với ngày nay, nhưng khối lượng cũng chỉ vào khoảng vài tấn chứ không phải hàng triệu tấn”.
Theo nhà nghiên cứu Hofmann, trong khi hầu hết người dân sinh sống ở Thụy Sĩ vào thời kỳ đồ đồng thường mưu sinh dựa vào nghề nông, săn bắn hay đánh cá, thì một số người đã có khả năng đúc đồng chế tác, và những khuôn đúc được tìm thấy ở Mörigen chính là bằng chứng cho điều đó.